Thầy giáo mầm non người Việt và chuyện đi dạy ở Australia

Xã hội - Ngày đăng : 08:21, 21/04/2022

Là nam giáo viên mầm non hiếm hoi tại Australia, Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1997, quê tại TP.HCM) từng stress vì những phản ứng của phụ huynh với mình.

Du học ngành giáo dục mầm non vào năm 2016, lý do thôi thúc Nguyễn Thanh Tùng chọn nghề này bởi câu chuyện thuở ấu thơ.

Sở thích màu đen và tình yêu dành cho trẻ nhỏ

Khi còn nhỏ, cũng như bao trẻ em khác, Tùng thường được hỏi "con thích màu gì?". Nhưng câu trả lời của Tùng lại không giống với bạn bè. Với Tùng, màu đen là sở thích, là thứ màu đem lại cho cậu nhiều mong muốn khám phá.

Với mẹ và cô giáo, sở thích đó không ổn. Cả cô và mẹ đều khuyên Tùng nên chọn một màu khác tươi sáng hơn, bởi trong mắt mọi người, đen là một màu u ám.

Tùng không thay đổi sở thích của mình, nhưng những lời khuyên thuở bé của người lớn đã ghim sâu vào trong tâm trí chàng giáo viên mầm non. Tùng mong muốn góp phần thay đổi suy nghĩ của người lớn về việc nên giáo dục trẻ theo hướng để trẻ được tự tin nêu ra nhiều ý kiến riêng của bản thân, biết cách bảo vệ chính kiến của mình trước người lớn.

Thêm vào đó, tình yêu dành cho trẻ nhỏ, niềm đam mê nghề giáo đã đưa Tùng đến bang Victoria, Australia và học tập tại trường Holmesglen Institute.

Tháng 4/2017, ngôi trường đầu tiên bắt đầu để vào nghề là Explorers Early Learning, Tùng là 1 trong 2 giáo viên nam của trường. Những ngày đầu đi dạy, Tùng gặp nhiều tình huống khá trớ trêu mà Tùng gọi đó là “cú sốc đầu đời”.

Theo đó, trong một lần dạy học, Tùng được một phụ huynh gọi ra nói chuyện riêng, yêu cầu cậu không thay tã cho con gái của họ. Tùng cảm thấy "stress" vì đề nghị của phụ huynh chỉ vì mình là giáo viên nam.

Nhưng sau đó, khi nhận được nhiều lời đề nghị khác như không cho con họ ăn quá nhiều tinh bột, không để con họ tiếp xúc với những đồ vật có lông... Tùng nhận ra, đó chỉ là quan điểm nuôi dạy con của mỗi người. “Australia là đất nước đa văn hoá và mỗi phụ huynh lại đến từ nhiều nước khác nhau, sở hữu nền văn hoá, tín ngưỡng khác biệt. Vì vậy, mỗi người sẽ có một quan điểm riêng trong cách nuôi dạy con cái”, Tùng chia sẻ.

Thay vì buồn rầu, Tùng đã dành nhiều thời gian hơn chia sẻ về việc học của các con để tăng độ tin tưởng và tôn trọng quyết định của các phụ huynh. Dần dần, các phụ huynh cởi mở hơn với Tùng và tin tưởng vào việc gửi gắm con em họ cho Tùng.

Thầy giáo mầm non người Việt và chuyện đi dạy ở Australia - 1

Tùng và các học sinh trong một buổi học tại trường Guardian Childcare And Education. (Ảnh: NVCC)

Khoảnh khắc khiến Tùng xúc động nhất từ khi vào nghề là trong một giờ hoạt động ngoài trời, đột nhiên một học sinh được Tùng đánh giá trầm tính, ít nói gọi Tùng là “Tunnie” - một cách gọi vô cùng thân mật theo văn hoá Australia. Từ đó, các học sinh khác cũng gọi Tùng với cái tên gần gũi ấy. Điều đó đồng nghĩa với việc các con xem Tùng là một phần của tuổi thơ các con.

Tùng cũng được học sinh yêu quý vì luôn nghĩ ra những trò chơi năng động và có thể dễ dàng tham gia cùng các bé. Tùng là người luôn được nhắc đến khi các giáo viên nữ cần sự hỗ trợ về dịch chuyển các đồ vật trong lớp học cũng như góp ý về các trò chơi vận động trong hội thao của trường.

Cậu cũng thường lồng ghép các trò chơi Việt Nam như nhảy dây, trốn tìm, bịt mắt bắt dê... và giới thiệu về Tết Việt, bánh chưng cho các học sinh. Điều này vừa giúp các con hiểu thêm về nền văn hoá mới, vừa để quảng bá hình ảnh của Việt Nam.

Bà Rosalie Nacca, hiệu trưởng trường Guardian Childcare And Education (thành phố Adelaide, Australia) – nơi Tùng đang công tác cho biết, vì trẻ em hiếm khi nhìn thấy một hình tượng nam tính trong quãng thời gian đầu đời hoặc có rất ít thời gian được chơi cùng bố, do đó vai trò của một giáo viên nam trong môi trường mầm non là vô cùng quan trọng.

Các thầy giáo mang đến cho trẻ những cơ hội học tập về sự đa dạng trong cộng đồng mà trẻ đang sống, cùng với đó là khuyến khích trẻ hiểu được những đặc điểm của giới tính.

Tùng là giáo viên nam duy nhất tại trường chúng tôi. Hầu hết các phụ huynh và học sinh đều thích có một người giáo viên nam tại trường”, bà Rosalie Nacca nói.

Cô Ruba Al-Sheikh – đồng nghiệp của Tùng cho biết, khi xây dựng các chương trình học, thầy Tùng luôn mang đến những ý tưởng tập trung vào việc giúp trẻ phát triển các kĩ năng. Tùng sử dụng triết lý giáo dục Reggio Emilia (triết lý giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm trong hoạt động dạy và học) để mang đến một môi trường học gợi tạo nên sự tò mò và ngạc nhiên, thích thú cho trẻ.

Thầy giáo mầm non người Việt và chuyện đi dạy ở Australia - 2

Nguyễn Thanh Tùng làm giáo viên mầm non tại Australia. (Ảnh: NVCC)

Teachers GARA

Sau khoảng thời gian đi dạy, Tùng thay đổi rất nhiều quan điểm liên quan đến giáo dục mầm non và Tùng mong muốn có thể lan toả những thông tin bổ ích này đến với phụ huynh, giáo viên tại Việt Nam. Vậy nên, Tùng cùng đồng nghiệp đã triển khai Teachers GARA. Teachers GARA là nơi Tùng chia sẻ những giáo trình, học cụ, tài liệu tự làm hoặc sưu tầm được từ những giảng viên hàng đầu trong ngành giáo dục mầm non ở Úc.

Khi thành lập nên Teachers GARA, mình mong muốn tạo nên một môi trường thân mật tương tự như gara. Tại đây, mình, phụ huynh và các giáo viên có thể cùng nhau chia sẻ, học hỏi, thử nghiệm và tận hưởng những niềm vui trong quá trình phát triển cùng trẻ.

Mình mong muốn đưa đến cho người đọc những thông tin, nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến giáo dục mầm non môt cách khách quan và gần gũi nhất, từ đó để thể chủ động hơn trong tiếp cận cách thức giáo dục phù hợp”, Tùng nói.

Tùng hiểu rõ sự khác nhau giữa văn hoá Đông, Tây, đặc biệt trong cách nuôi dưỡng và dạy dỗ. Vậy nên, tất cả các vấn đề được chia sẻ trong dự án Teachers GARA, yếu tố ứng dụng thực tiễn với văn hoá Việt Nam sẽ được đặc biệt cân nhắc.

Tùng mong các phụ huynh, giáo viên tại Việt Nam đón nhận dự án này một cách khách quan nhất. Và nếu có cơ hội, Tùng hy vọng được trực tiếp về Việt Nam và góp phần mang đến các giá trị mới trong cộng đồng giáo dục mầm non cho người Việt. Và quan trọng nhất, Tùng muốn lan toả thông điệp - nam giới cũng có thể làm giáo viên mầm non và hoàn thành tốt công việc của mình trong việc nuôi dạy con trẻ.

Video: Thanh Tùng trò chuyện cùng giáo viên chủ nhiệm lớp sơ sinh ở Australia về nghệ thuật trò chuyện với trẻ

HOÀI ANH

HOÀI ANH