Ung thư hạch được điều trị như thế nào?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 21:26, 20/04/2020
TS.BS Vũ Đức Bình, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết bệnh u lympho ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đây là một bệnh máu ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, tỷ lệ lui bệnh và kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị.
Bệnh u lympho là nhóm bệnh ác tính của tổ chức lympho, bao gồm 2 nhóm:
- U lympho Hodgkin (chiếm khoảng 20-30%).
- U lympho không Hodgkin (70-80%).
Hiện nay, điều trị ung thư hạch về cơ bản gồm các phương pháp theo dõi chưa cần điều trị, phẫu thuật lấy bỏ tổ chức ung thư để chẩn đoán, giải phóng chèn ép, xạ trị và hóa trị liệu. Hóa trị liệu là phương pháp được sử dụng nhiều nhất.
Việc lựa chọn phác đồ điều trị u lympho không Hodgkin cần phù hợp với từng thể bệnh, phù hợp với độ tuổi của người bệnh, giai đoạn bệnh, tiên lượng bệnh và lựa chọn điều trị tiếp theo (như có hoặc không có ghép tủy). Các bác sĩ cũng có thể phối hợp cả 3 phương pháp trên để điều trị cho một người bệnh.
Liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc
Trong những năm gần đây, liệu pháp sinh học là một trong những phương pháp điều trị ung thư hạch tiên tiến được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Liệu pháp sinh học giúp cho việc điều trị nhắm tới tế bào ung thư và giảm thiểu những tác động đến các tế bào lành tính, hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ so với điều trị bằng hóa chất.
Bên cạnh đó, ghép tế bào gốc cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả cho một số thể bệnh của ung thư hạch. Tuy nhiên, ghép tế bào gốc thường được thực hiện khi người bệnh u lympho bị tái phát hoặc kháng trị, không ưu tiên sử dụng với người bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Hạn chế lớn nhất của liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc là chi phí khá cao so với điều trị bằng hóa trị thông thường.
Điều trị u lympho cũng cần lưu ý một số trường hợp đặc biệt như: Điều trị u lympho thần kinh trung ương nguyên phát, trung thất nguyên phát, điều trị hoặc dự phòng thâm nhiễm thần kinh trung ương, U lympho không Hodgkin trên người bệnh HIV/AIDS…
Theo dõi sau điều trị
- Sau khi điều trị lui bệnh, người bệnh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe. Nếu người bệnh nổi hạch to trở lại hoặc xuất hiện, sốt, gầy sút cân… cần phải tái khám ngay.
- Với mỗi lần tái khám, bên cạnh khám lâm sàng, người bệnh cần làm các xét nghiệm như: tổng phân tích tế bào máu, sinh hóa máu (LDH, chức năng gan, thận), chức năng tuyến giáp nếu có xạ trị vùng trước đó; chụp cắt lớp bụng ngực hoặc mỗi 6 tháng trong 2 năm đầu, sau đó chụp nếu có biểu hiện lâm sàng. Người bệnh cần xét nghiệm tủy đồ ít nhất 2 năm/ lần và sinh thiết khi có hạch to trở lại hoặc xuất hiện tổn thương mới.
Mắc ung thư hạch có cần kiêng thực phẩm nào không?
5 dấu hiệu ung thư hạch
Trong giai đoạn bị bệnh, người bệnh cần hạn chế vận động nặng, ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư hạch nói chung và ung thư máu nói riêng.