Chưa đến mùa cao điểm của sốt xuất huyết, nhiều trẻ đã bị sốc nặng

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:16, 20/04/2022

Theo cảnh báo của các bác sĩ, mùa mưa năm nay tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đến sớm, do vậy dịch sốt xuất huyết có nguy cơ sớm lan rộng. Nhiều bậc cha mẹ còn chủ quan, phát hiện và đưa con đến bệnh viện trong giai đoạn muộn.
e91ad46a4cc98297dbd8.jpg
Trẻ bị sốt xuất huyết nặng được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - Ảnh: BVCC

Vừa nhiễm COVID-19 vừa sốc sốt xuất huyết

Mới đây, một bé gái 6 tuổi, nhập Bệnh viện Nhi đồng thành phố trong tình trạng sốt cao ngày thứ 4, trên da lấm chấm nốt xuất huyết, mệt lả, tụt huyết áp. Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính cùng lúc COVID-19 và sốt xuất huyết. Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn, trẻ đã vào sốc, men gan cao, tiểu cầu giảm.

Các bác sĩ nhanh chóng áp dụng phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết của Bộ Y tế, truyền dịch đại phân tử, truyền máu, hỗ trợ chức năng gan. Sau một tuần điều trị tích cực, trẻ dần ổn định, hồi phục sức khỏe.

Trường hợp khác là một bệnh nhi 12 tuổi (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) có cơ địa béo phì (nặng 67kg) bị sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, xét nghiệm nhanh dương tính COVID-19. Diễn tiến bệnh của trẻ vào những ngày sau càng nặng hơn nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Qua siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy có dịch dưới bao gan, phù nề túi mật, dịch tự do ổ bụng, tràn dịch màng phổi hai bên lượng ít. Chẩn đoán trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 5.

Đây là trường hợp vừa nhiễm COVID-19 vừa sốc sốt xuất huyết, gây nhiều khó khăn trong điều trị vì không có chỉ định sử dụng thuốc chống đông, chống viêm do có thể gây nguy cơ xuất huyết nhiều hơn.

76f69d791edad08489cb.jpg
Trẻ sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: BVCC

Nhiều trẻ các tỉnh lân cận chuyển đến

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết, đơn vị từng tiếp nhận điều trị gần 30 bệnh nhi nhiễm kép COVID-19 và sốt xuất huyết, cả ở TP.HCM và các tỉnh lân cận chuyển đến.

Tuy nhiên, thực tế, có hai tình huống xảy ra, trẻ nhiễm hai bệnh cùng lúc, hoặc nhiễm sốt xuất huyết sau khi đã khỏi COVID-19 và đang bị viêm đa hệ thống (MIS-C). Do đó, có thể trẻ sẽ diễn tiến nặng bởi cả hai bệnh, hoặc bởi một bệnh tấn công mạnh hơn.

Tuỳ từng trường hợp, biểu hiện triệu chứng của bệnh nào nặng, các bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bệnh đó, đồng thời thận trọng theo dõi diễn tiến bất lợi giữa các phương pháp điều trị.

Thực tế ghi nhận virus gây sốt xuất huyết là mối nguy lớn hơn với trẻ em, khi dễ vào sốc, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, nội tạng, tổn thương đa cơ quan. Còn COVID-19 tấn công trẻ khá nhẹ, chỉ khoảng 1% trở nặng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm và giai đoạn cao điểm của bệnh tại TP thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau - thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên thực tế hiện nay đã có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết, với nhiều ca bệnh nặng, thậm chí có ca tử vong.

Các bác sĩ cho biết, triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót.

Do đó, phụ huynh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)...

Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - cho biết sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, và giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam...

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, bị thoát huyết tương. Tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, biểu hiện thường gặp như vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da... Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, sức khỏe cải thiện nhiều, thèm ăn...

Sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống, đảm bảo sạch sẽ, tránh vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn...

Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần đến viện khám để được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Chăm sóc trẻ, cho uống nhiều nước, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ.

"Nếu bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ vào viện, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong", bác sĩ Hải cảnh báo.

ANH ĐÀO