Trung Quốc-Solomon ký thỏa thuận an ninh: Những nội dung chính, Australia thất vọng, Mỹ lo
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:15, 20/04/2022
Trung Quốc-Solomon khẳng định, thỏa thuận an ninh song phương giữa hai bên không nhằm vào nước thứ 3. (Nguồn: VCG) |
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon bao gồm duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tài sản, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thiên tai.
Ông Triệu không cho biết thêm thông tin chi tiết, chỉ nói sự hợp tác "không nhằm vào nước nào khác" mà mục đích "là thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của quần đảo và khu vực Nam Thái Bình Dương".
Quốc hội Solomon được thông báo rằng, Trung Quốc sẽ cử các quan chức ngoại giao đến đảo quốc này vào giữa tháng Năm tới để ký các thỏa thuận hợp tác.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, bản chất của thỏa thuận là "để ngỏ cánh cửa cho việc triển khai các lực lượng quân sự" của Trung Quốc, bất chấp việc Solomon cam kết rằng, nước này sẽ "không bao giờ được sử dụng để xây dựng các căn cứ quân sự của các cường quốc bên ngoài".
Ngày 19/4, Nhà Trắng cho biết, Mỹ quan ngại về sự thiếu minh bạch trong hiệp định an ninh trên, gọi đây là một phần trong cung cách Bắc Kinh ký kết những thỏa thuận với các nước.
Một người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, các quan chức Mỹ sẽ đề cập vấn đề này với quần đảo Solomon trong chuyến thăm dự kiến tới đảo quốc trong tuần này.
Điều phối viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Daniel Kritenbrink sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ công du Solomon trong tuần này.
Trong khi đó, về phía Australia, chính phủ nước này bày tỏ sự "thất vọng sâu sắc" vì quần đảo Solomon đã thúc đẩy và ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc.
Trong một tuyên bố đưa ra vào tối 19/4, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương Zed Seselja của Australia nhấn mạnh, việc Bắc Kinh đóng một vai trò an ninh ở quần đảo Solomon là điều không cần thiết.
Cho rằng hiệp định có khả năng làm suy yếu sự ổn định trong khu vực, Australia bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch trong quá trình xây dựng hiệp định cũng như mong muốn có sự rõ ràng hơn nữa về các điều khoản của thỏa thuận và ảnh hưởng của nó đối với khu vực Thái Bình Dương.
Hai bộ trưởng Australia khẳng định, quần đảo Solomon có quyền đưa ra quyết định có chủ quyền về an ninh quốc gia, nhưng Canberra cho rằng, "gia đình Thái Bình Dương" là chỗ dựa tốt cho việc đảm bảo an ninh.
Các quan chức Australia sẽ tiếp tục kêu gọi quần đảo Solomon không tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng an ninh.
Đài ABC dẫn lời của Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Jeremiah Manele cho biết, Thủ tướng Manasseh Sogavare sẽ đưa ra thông báo chính thức trong những ngày tới.