Nhiều tỉnh thành đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em
Tin Y tế - Ngày đăng : 19:44, 18/04/2022
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến chiều nay Việt Nam đã tiêm hơn 209,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Tỉ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là 52,4%; tỉ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,8%.
Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 192.210.498 liều, trong đó mũi 1: 71.411.681 liều; Mũi 2: 70.033.125 liều; Mũi bổ sung: 15.063.168 liều và Mũi 3: 35.702.524 liều
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.248.152 liều, trong đó: Mũi 1: 8.827.735 liều; Mũi 2: 8.420.417 liều.
Về tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đến nay đã có hàng loạt địa phương tiến hành tiêm cho trẻ là: Quảng Ninh, TP.HCM, TP.Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương, Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang.
Nhiều tỉnh thành khác cũng đang lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sớm nhất.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, liều lượng tiêm cho trẻ được nhà sản xuất xem xét, nghiên cứu, báo cáo, đã được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho phép triển khai tiêm và nhiều quốc gia ở châu Âu đã tiêm song song với Pfizer. Cùng với báo cáo của một số nước và từ các chiến dịch tiêm chủng trước của Việt Nam đều chưa ghi nhận trường hợp có phản ứng nặng với viêm cơ tim.
Bà Hồng khuyến cáo phụ huynh cần chia sẻ với bác sĩ tại điểm tiêm chủng về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ để bác sĩ hướng dẫn tiêm tại bệnh viện hay điểm tiêm tại trường. Trước khi tiêm chủng, phụ huynh cần phải được biết con tiêm vaccine gì và các phản ứng ra sao. Sau tiêm, trẻ cần ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi sát các phản ứng phản vệ. Liên tục theo dõi trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm.
“Sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cần theo dõi các triệu chứng bất thường như: Phát ban, li bì, sốt... Nếu các biểu hiện thông thường này ngày càng tăng lên cần đứa trẻ đi khám” - bà Hồng nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo các giáo viên không tổ chức các môn học hay các hoạt động vận động mạnh, ví dụ hoạt động thể lực, chạy… trong các môn học. Điều này sẽ dễ gây nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm như tim đập nhanh, khó thở dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi.