Yêu thương hay chiều chuộng mới giúp con trẻ hạnh phúc?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:04, 18/04/2022
Gần đây liên tục những câu chuyện đau lòng xảy ra khiến không ít người làm cha, làm mẹ giật mình nhìn lại, liệu mình có yêu thương con đúng cách?
Lâu nay chúng ta vẫn hay cho rằng yêu thương con là phải chiều chuộng, làm theo mọi ý muốn của con trẻ. Nhưng đó không phải cách tốt nhất để dạy dỗ một đứa trẻ.
Sự thỏa hiệp giữa cha mẹ và con cái
Chúng ta rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ông bố bà mẹ cùng con cái ở các quán cà phê, rạp phim, khu vui chơi, trung tâm thương mại, trên máy bay... Nhưng một điều lạ lùng ở đây là, một khi những đứa trẻ chơi chán một trò nào đó, chúng liền vòi vĩnh được chơi một trò khác hoặc mua một món đồ chúng thích. Và khi bố mẹ từ chối, bạn dễ nhận thấy đứa trẻ đó sẽ quấy khóc. Đó cũng là lúc người lớn thỏa hiệp với trẻ con.
Tôi có những người bạn ở quê, mỗi khi về thăm nhà, tôi gặp gỡ bạn bè ở các quán cà phê. Khi ấy, những đứa bạn của tôi sẽ dắt con theo vì để ở nhà không ai trông. Tôi không phiền hà gì việc ấy. Nhưng một lúc sau, khi đã chán ngấy với thức uống, bọn trẻ liền đòi đồ chơi hoặc muốn dùng điện thoại để chơi game. Mẹ của chúng ban đầu từ chối, hoặc mắng con những câu vu vơ kiểu: “Mẹ về méc ba đấy” hay “ngoan mẹ thương”.
Nhưng dĩ nhiên những lời nói đó không có hiệu quả. Và khi bọn trẻ bắt đầu khóc rống lên, bạn tôi liền thỏa hiệp bằng việc đưa điện thoại cho con và dặn “cho chơi nửa tiếng thôi đấy”. Song, tôi quan sát thì không thấy bọn trẻ chơi đúng như lời hứa.
Khi tôi đi cà phê với những đứa bạn ở thành phố, chuyện về những đứa con cứ tiếp diễn. Thường bạn bè của tôi viện cớ rằng họ không có đủ thời gian để làm việc và chơi với con cái, nên đấy là cách tốt nhất để giữ các con trong yên lặng.
Một điều nữa tôi không biết mình có nên cảm thông không, khi những đứa trẻ dù ở quê hay thành phố, cũng đều đối đáp với cha mẹ một cách trống không, rất ít khi tôi được nghe dạ thưa. Thậm chí trong số đó chúng còn chửi bậy khiến tôi rất đỗi kinh ngạc. Sau giây phút sống sượng vì con nói hỗn, bạn tôi chỉ biết “chữa cháy” bằng việc “về mẹ đánh cho mà xem”.
Dĩ nhiên bọn trẻ con trong trường hợp này sẽ không sợ những lời dọa dẫm ấy, nếu có những trận đòn, con trẻ cũng sẽ lăn ra khóc như một cách ăn vạ. Và đâu lại vào đấy.
Hoặc có những ông bố bà mẹ lại sẵn sàng cung ứng mọi yêu cầu của con. Từ việc được chơi game, xem những chương trình hỗn tạp trên YouTube hay mua xe... Kết quả, bọn trẻ dành phần lớn thời gian bên chiếc điện thoại, iPad... nhiều hơn.
Bạn không thể gọi đấy là yêu thương con cái. Bởi yêu thương không phải sự thỏa hiệp hay đối phó. Việc chiều chuộng con cái nếu nhìn ở một góc độ nào đó, đấy là sự thiếu trách nhiệm của bậc cha mẹ.
Yêu thương con cái đúng nghĩa có khó không?
Chúng ta thường bận bịu với cơm áo gạo tiền, thường chống chế cho bản thân rằng đến một lúc nào đó khi kinh tế vững mạnh sẽ dành nhiều thời gian cho con hơn. Nhưng đó là sai lầm trong cách giáo dục.
Yêu thương con cái đúng nghĩa là cha mẹ dành thời gian, tâm trí, sức lực để cùng con khôn lớn. Những năm tháng con trẻ chào đời rất quan trọng, chúng ta ở cạnh và quan sát con mình lớn lên, nếu bỏ qua dù là lý do gì, bạn sẽ rất hối hận về sau. Bởi tiền bạc khi ấy không mua được thời gian để bạn quay lại chứng kiến con mình ở những bước chập chững lớn khôn.
Và khi trẻ bước vào độ 2-8 tuổi, đây là giai đoạn quan trọng không kém vì nó hình thành tính cách của trẻ. Không ai khác lúc này cha mẹ là người ươm mầm, uốn nắn nhân cách của con. Vì thế, khi cha mẹ viện cớ rằng họ đang bận bịu với công việc, không thể dành thời gian cho con và giao phó mọi việc cho ông bà hoặc “quẳng” cho con một chiếc điện thoại hay máy tính bảng hoặc để con ngồi trước ti vi, điều này sẽ khiến đứa trẻ chịu không ít thiệt thòi.
Khi không có đủ thời gian cho con, nghĩa là bậc cha mẹ chấp nhận cho con cái lớn lên với sự thiếu thốn tình thương, sự quan tâm. Nguy hại hơn là để con tiếp cận với Internet một cách thiếu kiểm soát khiến con trẻ bị rối loạn trong những thông tin độc hại. Điều này rất dễ bắt gặp khi trẻ em nghêu ngao những bài hát thất tình, thậm chí hát làu làu những bài nhạc chế hoặc xem các YouTuber hay chửi thề khiến chúng bắt chước theo.
Cùng con lớn, nghĩa là bậc phụ huynh phải trở thành một người bạn đúng nghĩa của con. Lắng nghe tâm tư, tình cảm, mong ước, nguyện vọng của người bạn nhỏ để có thể định hướng cho con theo sở thích, tôn trọng khát khao của con. Để con trẻ lớn lên trong sự bảo bọc, yêu thương, quan tâm, đây là tiền đề để một đứa trẻ có một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc.
Bên con, bạn không chỉ lắng nghe, đó là chấp nhận ngay cả khi con thất bại. Điều đó chẳng có gì đáng sợ cả. Dạy con cách chấp nhận thất bại và cùng con sửa sai, để mai này con lớn lên với sự tự tin, vững vàng cần có.
Không khó để nhận ra một đứa trẻ nhận được tình yêu thương và một đứa trẻ bị phụ thuộc vào công nghệ từ bố mẹ, nó đến từ cách đứa trẻ đó cư xử với những người xung quanh, thái độ với bạn bè và cách phản ứng với môi trường.
Một đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương sẽ biết cách lễ phép với người lớn, đối đãi với bạn bè cùng trang lứa bằng thái độ nhã nhặn, lịch sự, tự tin khi đứng trước người lạ hay một tình huống nào đó. Bởi khi đó, đứa trẻ ấy biết bản thân có một điểm tựa tinh thần từ bố mẹ.
Ngược lại, bạn cũng dễ nhận thấy một đứa trẻ lớn lên với công nghệ nhiều hơn là tình thương, chúng sẽ không chủ động chào hỏi người lớn, chỉ khi nghe lời nhắc từ cha mẹ. Khi gặp khó ở một vấn đề, đứa trẻ đó sẽ khóc đòi cha mẹ giúp đỡ. Chúng cũng thiếu ý thức khi ở trong đám đông. Bạn không ngạc nhiên đâu khi nhiều đứa trẻ vào rạp xem phim, hất đổ nước, làm rơi bắp tứ tung nhưng nghiễm nhiên cho rằng việc lau dọn là của người lao công và không một lời xin lỗi.
Thỏa hiệp với con cái là việc đơn giản nhất, ai cũng có thể làm được vì sẽ đỡ mất thời gian. Nhưng yêu thương con đó là một lựa chọn, dù có thể nó sẽ khiến bạn không kiếm được nhiều tiền.
Ai đó từng nói làm cha mẹ là công việc không lương, nhưng có trách nhiệm đến suốt đời. Chẳng sai một chút nào. Chúng ta, những người làm cha mẹ, chỉ có thể yêu thương con cái vô điều kiện (dĩ nhiên khác với nuông chiều) bởi khi đưa con trẻ đến với cuộc sống này, chúng ta không ai có thể hỏi liệu chúng có muốn hay không. Nhưng một khi đã tạo nên một đứa trẻ, người lớn phải có trách nhiệm yêu thương, cho con cái một cuộc sống hạnh phúc, ít nhất là đến khi chúng trưởng thành.