Những lý do trẻ em từ 5-11 tuổi cần được tiêm vaccine COVID-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 13:44, 18/04/2022

Khi chủng Omicron lưu hành thì tỉ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em tăng rất cao so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, đa số là nhẹ, chủ yếu là tình trạng sốt cao và ho là phổ biến trong khi các biến chứng nặng ít được ghi nhận nếu so với người lớn, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Những lý do trẻ em từ 5-11 tuổi cần được tiêm vaccine COVID-19

TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Tiêm vaccine cho trẻ em không phải là bắt buộc 

Trả lời thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ có phải là bắt buộc hay không, TS.BS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Tiêm vaccine cho trẻ em không phải là bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại nhưng mọi trẻ em đều cần vaccine để được bảo vệ trước bệnh COVID-19.

"Những bằng chứng khoa học cho thấy, vaccine không những bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh nặng và tử vong mà còn làm giảm nguy cơ bị hậu COVID-19 khi không may bị mắc bệnh"- bác sĩ Thái cho hay.

Theo Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, những trẻ có bệnh lý nền, có tình trạng sức khoẻ không tốt như béo phì hay bệnh lý bẩm sinh thì rất cần được tiêm và nên được ưu tiên tiêm trước. Chỉ có các trẻ có tình trạng dị ứng/phản vệ với liều tiêm trước hay thành phần của vaccine thì mới có chống chỉ định với vaccine này.

Ngoài ra, trẻ em đang có bệnh lý tiến triển hoặc mắc các bệnh cấp tính thì cần hoãn tiêm và khám chuyên khoa, chỉ khi không còn tình trạng bệnh cấp tính và các bệnh lý đang mắc được chẩn đoán là ổn định thì mới đủ tiêu chuẩn để được tiêm vaccine COVID-19.

Giảm các triệu chứng nặng, tử vong, giảm nguy cơ hậu COVID-19

Hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi có tỉ lệ mắc COVID-19 thấp, nếu mắc đa số là nhẹ, không đáng ngại như trẻ lớn và người lớn. Vì vậy, không ít phụ huynh băn khoăn không biết có nên cho con tiêm vaccine phòng COVID-19 không?

Trả lời câu hỏi này, TS.BS. Phạm Quang Thái cho rằng: Điều này chưa thực sự đúng, trong giai đoạn chủng Delta lưu hành, tỉ lệ trẻ em mắc thấp hơn so với người lớn nhưng đến khi số lượng người lớn được tiêm chủng ở mức cao thì số nhiễm, mắc bệnh ở trẻ nhỏ lại tăng cao hơn do chưa có được sự bảo vệ từ vaccine.

Khi chủng Omicron lưu hành, tỉ lệ mắc ở trẻ em tăng rất cao so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, đa số là nhẹ, chủ yếu là tình trạng sốt cao và ho phổ biến trong khi các biến chứng nặng ít được ghi nhận nếu so với người lớn, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Tuy nhiên, các bằng chứng tại một số quốc gia nơi lưu hành Omicron ở giai đoạn sớm lại cho thấy, tỉ lệ biến chứng hậu COVID-19 lại tăng cao, có nơi ghi nhận tỉ lệ này lên tới 20% số mắc. Đây chính là điểm đáng ngại nhất bởi các biến chứng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng tới việc phát triển và học tập của trẻ em.

Trong khi đó, vaccine COVID-19 dù không chống được lây nhiễm nhưng vẫn đảm bảo việc giảm các triệu chứng nặng, tử vong cũng như giảm nguy cơ hậu COVID-19.

Ngoài ra, vaccine giúp trẻ phục hồi nhanh hơn sau nhiễm cũng như giảm thời gian tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, việc tiêm phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ vẫn cần thiết và nên được khuyến khích để nhanh chóng kiểm soát dịch và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường sớm hơn.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, trong ngày 16.4, có 182.326 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 209.483.478 liều.

Trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 192.227.208 liều: Mũi 1 là 71.422.066 liều; Mũi 2 là 68.533.814 liều; Mũi 3 là 1.505.636 liều; Mũi bổ sung là 15.063.168 liều; Mũi nhắc lại là 35.702.524 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.243.856 liều: Mũi 1 là 8.829.764 liều; Mũi 2 là 8.414.092 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 12.414 liều (mũi 1).

Thùy Linh