Điều chưa biết về Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, người sẽ trở thành Thủ tướng Singapore hậu đại dịch

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:37, 17/04/2022

Sau nhiều tháng mong chờ, cuối cùng người dân Singapore hôm 14/4 đã được thông báo về việc Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long trở thành người lãnh đạo đất nước hậu đại dịch.

Theo một thông báo hôm 15/4, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, mọi thành viên nội các đã ủng hộ ông Lawrence Wong trở thành người đứng đầu nhóm lãnh đạo 4G (thế hệ thứ 4) của đảng Hành động Nhân dân (PAP) - đảng cầm quyền lâu năm của Singapore. Quyết định này cũng nhận được sự tán thành của toàn bộ 83 nghị sĩ của đảng PAP.

Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến sẽ sớm đưa ông Wong trở thành Phó Thủ tướng và vị thế của ông Wong trong đảng sẽ có thể được nâng cao trong cuộc họp thường niên vào cuối năm nay.

Dưới đây là 4 điều cần biết về Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, người sẽ lãnh đạo Singapore thời kỳ hậu đại dịch.

Tân Thủ tướng Singapore
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long trở thành người lãnh đạo của đảo quốc sư tử thời kỳ hậu đại dịch. (Nguồn: Reuters)

Khởi đầu khiêm tốn

Giống như nhiều quan chức trong chính quyền, ông Wong từng nhận được học bổng đại học của chính phủ Singapore.

Ông Wong theo học ngành Kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ). Theo tờ The Straits Times, ông Wong quyết định chọn "xứ cờ hoa" vì đây là “quê hương của các nhạc sĩ mà ông yêu thích”.

Không như những người bạn đồng trang lứa thường theo học các trường trung học nổi tiếng, ông Wong theo học tại một trường trung học gần nhà ở khu Marine Parade nơi ông từng sinh sống và trải qua thời niên thiếu. Theo ông, việc tiếp tục học ở gần nhà, nơi có nhiều bạn bè của mình là điều “hoàn toàn tự nhiên”.

Trong các tuyên bố riêng vào hôm 14/4, Thủ tướng Lý Hiển Long từng nhấn mạnh “quyền lãnh đạo không phải là sự kế thừa”. Thật vậy, ông Wong, người sẽ bước sang tuổi 50 vào tháng 12 năm nay, không xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị - nền tảng vốn được đánh giá là khá quan trọng cho vai trò lãnh đạo ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Cha của ông Wong sinh ở Hải Nam, chuyển đến Malaysia từ khi còn nhỏ rồi chuyển về Singapore làm công việc bán hàng. Mẹ của ông là người Singapore và là giáo viên tại trường tiểu học mà ông và người anh trai, hiện là kỹ sư hàng không vũ trụ, theo học.

Những ai đã từng xem video clip quay cảnh người đứng đầu ngành Tài chính Singapore gảy guitar điện và đệm nhạc cho bài hát cổ điển Wa Meng Ti trên mạng xã hội TikTok gần đây, hẳn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng ông đã chơi guitar từ năm 8 tuổi.

Tân Thủ tướng Singapore
Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong gảy guitar điện và đệm nhạc bài hát cổ điển "Wa Meng Ti" trên mạng xã hội TikTok. (Nguồn: singaporeuncensored.com)

Yêu nhạc Rock, Blues và Soul, ông Wong cũng vận dụng khá tốt kỹ năng âm nhạc trong những năm đại học khi từng đi hát rong với người bạn cùng phòng người Mỹ.

Thông tin về đời tư cá nhân của ông cũng rất hạn chế. Ông tái hôn sau một cuộc ly hôn văn minh, không có con cái.

Là một công chức trước khi bước vào chính trường, ông từng đảm nhiệm một số vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính của chính quyền - bao gồm vị trí khá uy tín là Thư ký riêng cho Thủ tướng. Ông đảm nhiệm vị trí này từ năm 2005 đến năm 2008.

Ông Lawrence Wong được đánh giá là cánh tay vững chắc trong chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long trong những năm qua. Ông giữ chức Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, sau đó là Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia từ năm 2012 đến năm 2020.

Sau cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2020 (được tổ chức trong bối cảnh đại dịch), ông Lawrence Wong đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Từ tháng 5/2021, ông Wong là Bộ trưởng Tài chính.

Ông Elvin Ong, Trợ lý giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết ông Wong từng đưa ra một số vấn đề gây tranh cãi nhưng “nhìn chung ông đã làm rất tốt”.

Trong lời chúc mừng gửi tới ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Bộ Y tế Ong Ye Kung khẳng định: “Ông ấy đã đặt cả trái tim và tâm hồn vào những gì ông ấy làm và không bao giờ là người tìm kiếm sự tín nhiệm hay phô trương”.

Khó có “sự thay đổi lớn” về chính sách đối ngoại

Các nhà phân tích cho rằng, ông Lawrence Wong khả năng sẽ không đi chệch hướng nhiều so với các nhà lãnh đạo của Singapore trong quá khứ, và các chính sách đối ngoại cũng không ngoại lệ.

Felix Tan, nhà phân tích chính trị từ Đại học Công nghệ Nanyang cho biết, có thể sẽ không có bất kỳ “sự thay đổi lớn nào”, đồng thời lưu ý rằng các chính sách đối ngoại của Singapore thường được quyết định bởi tính trung lập và dựa trên lợi ích quốc gia.

Người đứng đầu ngành Tài chính Singapore thường xuyên có các giao dịch với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ. Ông từng là Bộ trưởng phụ trách thành phố sinh thái Thiên Tân-Singapore, một trong ba dự án quan trọng giữa Bắc Kinh và đảo quốc sư tử.

Tân Thủ tướng Singapore
Các chuyên gia cho rằng, chính sách đối ngoại của Singapore dưới thời ông Lawrence Wong sẽ không đi chệch hướng so với những người tiền nhiệm. (Nguồn: AFP)

Eugene Tan, nhà quan sát chính trị và luật lâu năm tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết các nhà lãnh đạo Singapore sẽ tiếp tục mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc, ngay cả khi nước này đang ngày càng quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình những năm gần đây.

Tuy nhiên, Chong Ja Ian, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng vẫn cần chờ xem liệu ông Lawrence Wong, vốn được nhìn nhận là “người có xu hướng giữ nguyên hiện trạng”, có năng lực lèo lái đất nước ra khỏi giai đoạn xáo động hay không?

“Vì thế giới đang ở thời khắc căng thẳng leo thang và tiềm ẩn những biến đổi, câu hỏi ai tốt hơn - người muốn duy trì hiện trạng hay người có thể phản ứng nhanh để chớp thời cơ - vẫn chưa có câu trả lời”, ông Chong bình luận.

Xây dựng nội các

Elvin Ong cho rằng, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung và Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing có khả năng sẽ là những thành viên đầu tiên trong nội các của ông Lawrence Wong.

Ông cũng không loại trừ một nhân tố nổi lên từ nhóm các chính trị gia trẻ tuổi, “có thể sẽ là một phụ nữ hoặc một thành viên từ nhóm dân tộc thiểu số”.

Còn theo nhà phân tích Felix Tan, ông Wong đang có sự ủng hộ “áp đảo” từ nhóm lãnh đạo 4G và đây là yếu tố quan trọng. Ông cho rằng, người lãnh đạo tương lai của Singapore cần phải xây dựng một đội ngũ tôn trọng các quyết định và ủng hộ các chính sách của mình.

Cải tổ nội các, sau đó là bầu cử?

Luật sư Eugene Tan cho biết, “gần như chắc chắn” ông Wong sẽ được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng từ ông Heng Swee Keat, người ban đầu được chọn để kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông Heng - cựu thống đốc ngân hàng trung ương - đã tuyên bố sẽ rút lui vì đảo quốc cần người trẻ trung hơn trong giai đoạn hậu đại dịch.

Tân Thủ tướng Singapore
Trong tương lai, ông Lawrence Wong cần xây dựng thương hiệu lãnh đạo cho riêng mình và dần thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Lý Hiển Long. (Nguồn: Bloomberg)

Cuối năm, PAP sẽ tổ chức một cuộc bầu cử, nơi các thành viên chủ chốt của đảng sẽ được bầu vào vòng trong. Các thành viên này có thể trở thành những nhân vật trong nội các của ông Wong khi ông đảm nhận chức vụ Thủ tướng.

Các nhà phân tích cho biết, họ không mong đợi một cuộc bỏ phiếu mới. "Thời gian là điều quan trọng để đưa ông Wong trở thành bộ mặt của đảng và chính phủ và dần thoát ra khỏi cái bóng của Thủ tướng Lý Hiển Long", chuyên gia Felix Tan cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, một số thách thức đang đặt ra trước mắt đối với ông Wong, đó là tăng cường sự ủng hộ của các công dân trẻ tuổi.

"Trong tương lai, ông Wong sẽ cần xây dựng thương hiệu lãnh đạo của riêng mình và tìm ra một điểm độc đáo mà người dân Singapore cảm thấy thoải mái và có thể ủng hộ", ông Felix Tan nói.

An Nguyên