Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, xử lý bạo lực gia đình

Xã hội - Ngày đăng : 17:48, 16/04/2022

Nhiều khi bạo lực tinh thần còn nguy hiểm hơn bạo lực về thể chất. Phụ nữ và trẻ em là các đối tượng bị bạo lực tinh thần nhiều nhất", Chủ tịch Vương Đình Huệ trao đổi tại Phiên họp thứ 10, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chiều 16/4.


Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, xử lý bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát tổng thể các đạo luật liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ, khả thi với các đạo luật. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Cứ 3 phụ nữ, có 1 người bị bạo lực

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 15 năm thi hành, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật lĩnh vực này. Nhiều địa phương đã tổ chức các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, hiệu quả, huy động nguồn lực xã hội vào công tác này.

Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, nan giải, khá phổ biến với nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo thống kê năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục mà không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cũng cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ đã gây thiệt hại 1,8% GDP. Không chỉ với phụ nữ mà tình trạng bạo lực với người già, trẻ em cũng diễn ra phổ biến với nhiều vụ việc nghiêm trọng thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho xã hội. Nếu không giải quyết kịp thời, sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, làm suy yếu động lực phát triển xã hội, rào cản đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập như biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình hiện hành còn chưa cụ thể, chưa bao quát, nhiều biện pháp còn nặng về thủ tục hành chính, thiếu tính khả thi, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người khuyết tật.

TIN LIÊN QUAN
  • Đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

    Đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

  • Bộ VHTTDL thúc đẩy việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

    Bộ VHTTDL thúc đẩy việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Các biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình còn thiếu tính đặc thù, chủ yếu dựa vào các biện pháp, chế tài trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chưa có quy định về bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hoá công tác này chưa phù hợp…

Làm rõ một số hành vi liên quan đến giáo dục trong gia đình

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo, trong quá trình sửa đổi dự án Luật, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm.

Các vấn đề về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng cần được quan tâm xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh.

Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, xử lý bạo lực gia đình - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả nặng nề. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Góp ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị làm rõ một số hành vi liên quan đến giáo dục trong gia đình có phải là bạo lực như ép con em học đến 3-4 giờ sáng, bắt con phải đạt điểm 10 trong học tập, cưỡng ép việc học hành, thi cử và định hướng nghề nghiệp theo ý cha mẹ trong khi điều này vượt quá năng lực hay trái với nguyện vọng của con em mình.

Liên quan đến trách nhiệm của công an xã trong phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, dự thảo Luật có quy định 3 điều về trách nhiệm của công an xã, nhưng thẩm quyền của công an xã lại rất mờ nhạt. Điều 53 dự thảo Luật giao công an xã giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc. Đây là việc nặng nề, trong trường hợp người vi phạm không chấp hành thì công an sẽ xử lý thế nào?

Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệcho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với vấn nạn bạo lực gia đình hiện nay. Để luật đi vào cuộc sống khi được thông qua, cần nhận diện rõ và rà soát đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình hiện nay.

"Nhiều khi bạo lực tinh thần còn nguy hiểm hơn bạo lực về thể chất. Phụ nữ và trẻ em là các đối tượng bị bạo lực tinh thần nhiều nhất", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, luậtcần phải quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện và xử lý, cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợptrong việc phòng ngừa bạo lực gia đìnhđể quy trách nhiệm cụ thể bởi có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận lại do báo chí phát hiện, đưa tin, dư luận phẫn nộ.

"Những vụviệc như cháu bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu, việc phát hiện ngăn chặn, xử lý không kịp thời thì quy trách nhiệm cho ai?", Chủ tịch Quốc hội Huệ nêu vấn đề và cho rằng, nếu không quy định rõ trách nhiệm, ai cũng nghĩ việc chính của người khác thì hiệu quả công việc sẽ không cao.

Để luật khả thi trong quá trình áp dụng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát tổng thể các đạo luật liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ, khả thi với các đạo luật khác như: Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Bình đẳng giới, Luật Trợ giúp pháp lý… Đồng thời, đánh giá tính khả thi của một số quy định khi giao thẩm quyền cho cấp xã, phường xử lý.

Dự kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV vào tháng 5/2022.

Lê Sơn