Mất soái hạm trên Biển Đen, Nga sẽ tăng cường trả đũa Ukraine

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:30, 16/04/2022

Chiến sự Ukraine sẽ ngày càng nóng sau khi Nga mất soái hạm trên Biển Đen gây ảnh hưởng tới cả hình ảnh và năng lực chiến đấu.

Cho tới nay Nga vẫn không thừa nhận chính tên lửa Ukraine đã đánh trúng và làm chìm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Song sau sự việc này dường như Nga sẽ tăng cường hành động trả đũa. Điển hình, vào ngày 15/4, một nhà máy sản xuất và sửa chữa tên lửa chống hạm ở thủ đô Kiev đã bị tấn công.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), phía Kiev tuyên bố tàu chiến Moskva của Nga đã bị chìm vào ngày 14/4 sau vụ tấn công bằng tên lửa của Ukraine. Sự việc đã gây ra tổn thất lớn cho Nga cả về mặt năng lực chiến đấu lẫn hình ảnh.

Mất soái hạm trên Biển Đen, Nga sẽ tăng cường trả đũa Ukraine
Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm trong Hạm đội Biển Đen của Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Tuy nhiên, vào ngày 15/4, thủ đô Kiev đã phải chứng kiến một số vụ nổ có quy mô lớn nhất kể từ khi quân đội Nga rút khỏi khu vực này cách đây 2 tuần.

Cụ thể, anh Kirill Kyrylo (38 tuổi), một công nhân làm việc tại xưởng sửa chữa ô tô ở Kiev, cho biết anh đã nhìn thấy 3 vụ nổ xảy ra ở một tòa nhà công nghiệp vào ngày 15/4 và nhà máy này đã bị hư hại một phần.

“Số lượng và quy mô các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào những mục tiêu ở Kiev sẽ còn gia tăng nhằm ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố, hoặc hành động phá hoại từ phía Ukraine ở Nga”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh trong tuyên bố.

Nhận định Nga sẽ tăng cường tấn công ở Ukraine trong thời gian tới hoàn toàn có cơ sở khi chính quyền Nga cáo buộc Ukraine làm bị thương 7 người và phá hoại khoảng 100 căn nhà sau cuộc không kích ở Bryansk, khu vực nằm giáp biên giới với Ukraine. Chính quyền một số khu vực khác ở Nga cũng cho biết Ukraine đã tổ chức tấn công vào ngày 14/4.

Về phần mình, Ukraine cho biết đã phóng tên lửa từ khu vực bờ biển để tấn công soái hạm Moskva của Nga. Nhưng Moscow vẫn không xác nhận tàu chiến Moskva bị tấn công, mà chỉ nói rằng con tàu bị chìm trong lúc được kéo về trong cơn bão lớn.

Nga cho hay tàu Moskva bị hư hại sau vụ cháy mà nguyên nhân là nổ kho đạn. Cũng theo Moscow, hơn 500 thủy thủ trên tàu đã được sơ tán, nhưng không nói rõ tình hình của đoàn thủy thủ.

Việc soái hạm Moskva bị chìm không chỉ gây tổn hại tới hình ảnh biểu tượng của hải quân Nga, mà còn ảnh hưởng đến năng lực tác chiến ở Biển Đen giữa lúc cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang trong giai đoạn quan trọng.

Tuyên bố khác nhau của Nga và Ukraine về sự việc của tàu Moskva đến nay vẫn chưa đươc nguồn tin độc lập kiểm chứng. Trong khi Kiev nói chiến hạm Moskva bị chìm vì bị tên lửa tấn công, Moscow lại cho biết con tàu bị chìm do thời tiết xấu trong lúc được kéo về cảng để sửa chữa.

Không thể phủ nhận việc tàu Moskva bị chìm đã khiến Nga “mất mặt”, nhưng lại là chiến thắng giành cho Ukraine. Bởi soái hạm Moskva đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận ngay từ đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine khi đối đầu với một nhóm binh sĩ Ukraine hoạt động trên đảo Rắn ở Biển Đen.

Bên cạnh đó, mất đi Moskva là tổn thất lớn với quân đội Nga. Dù được biên chế vào hải quân Nga từ năm 1982, nhưng tàu chiến Moskva đã được tu sửa vào năm 2010.

Con tàu tạo ra chiếc ô di động phòng không tầm xa cho toàn bộ Hạm đội Biển Đen, cũng như đóng vai trò kiểm soát và chỉ huy toàn hạm đội. Nói cách khác, những năng lực mà soái hạm Moskva sở hữu không dễ gì có thể thay thế.

“Moskva là lớp tàu duy nhất mà hải quân Nga đang sở hữu có hệ thống phòng không tầm xa. Khi hoạt động trên Biển Đen, Moskva có thể lùi lai và tạo ra một hệ thống phòng không cho toàn bộ tàu chiến trong Hạm đội Biển Đen, đồng thời cung cấp năng lực chỉ huy và kiểm soát”, ông Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại Viện Royal United Services Institute tại London cho hay.

Một quan chức phương Tây nhận định tuyên bố của Ukraine về việc tấn công tàu Moskva bằng tên lửa là đáng tin và thiệt hại này với Nga là rất lớn.

Ngoài Moskva, Nga còn có 2 chiếc thuộc Đề án 1164 là Varyag và Đô đốc Ustinov, nhưng chúng đều đang ở Địa Trung Hải chứ không hoạt động ở Biển Đen. Và 2 tàu chiến này cũng không thể vào Biển Đen vì theo quy định trong công ước Montreux năm 1963, Thổ Nhĩ Kỳ đang giới hạn các tàu hải quân Nga di chuyển qua eo biển Bosporus.

Trên thực tế, hải quân Nga đang đóng vai trò khá khiêm tốn trong cuộc chiến ở Ukraine, khi chỉ được xem là nguồn lực bổ sung để phóng tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.

Ngoài vai trò là soái hạm, Moskva còn là tàu mặt nước được trang bị dàn vũ khí và cảm biến uy lực nhất trong Hạm đội Biển Đen. Con tàu trở thành biểu tượng cho sức mạnh của hải quân Nga dài 186 m, rộng 21 m và có lượng giãn nước 12.000 tấn.

Chiến hạm Moskva đã tham gia nhiều hoạt động bao gồm chiến đấu, diễn tập và thăm cảng nước ngoài.

Như trong cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2014, tàu Moskva có nhiệm vụ phong tỏa hải đội Ukraine ở hồ Donuzlav trên bán đảo Crimea. Hay sau khi Nga chính thức tham chiến ở Syria vào năm 2015, Moskva đã được triển khai tới phía đông Địa Trung Hải để thiết lập chiếc ô phòng không di động bảo vệ cảng Latakia.

Minh Thu (lược dịch)