Các tỉnh thành triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:27, 16/04/2022

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tung ương, mặc dù chúng ta thành công trong nhiều chiến dịch tiêm vaccine cho người lớn, nhưng với nhóm tuổi trẻ nhỏ, việc triển khai tiêm cần hết sức cẩn thận.
Các tỉnh thành triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: 900.000 liều vaccine Moderna đầu tiên đã được phân bổ
Vaccine Moderna được sử dụng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Ảnh: Hải Nguyễn

Tiếp nhận vaccine và tổ chức tiêm ngay

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có Quyết định phân bổ 921.600 liều vaccine Moderna phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi cho 63 tỉnh, thành phố. Số vaccine này do Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam. Trong đó TPHCM được phân bổ số lượng vaccine nhiều nhất đợt này. Cụ thể, TPHCM được phân bổ 87.500 liều; Hà Nội được phân bổ 72.700 liều.

Tiếp đến là các tỉnh: Thanh Hóa được phân bổ 35.700 liều; Nghệ An nhận 34.000 liều; Đồng Nai nhận 31.000 liều; Quảng Ninh nhận 20.000 liều; Bình Dương nhận 19.700 liều; Bắc Giang nhận 18.600 liều; Hải Dương nhận 18.200 liều; An Giang nhận 17.000 liều; Nam Định nhận 17.600 liều; Kiên Giang là 16.500 liều; Gia Lai là 16.200 liều… Các tỉnh, thành phố còn lại được phân bổ từ khoảng 4.000 - 15.000 liều.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp nhận vaccine và tổ chức tiêm ngay số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đưa ra lưu ý, vaccine Moderna phân bổ đợt này (rã đông lúc 20h ngày 8.4.2022) được sử dụng để ưu tiên tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6) với liều lượng 0,25ml mỗi trẻ. Trường hợp trẻ đủ 12 tuổi sẽ tiêm liều 0,5ml theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 14.4, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine Moderna cho học sinh lớp 6.

Ngày 15.4, Sở Y tế TPHCM chính thức có văn bản triển khai chi tiết tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và tổ chức họp trực tuyến để chuẩn bị tốt công tác tiêm ngừa bắt đầu từ ngày 16.4.

Cụ thể, TPHCM sẽ thực hiện tiêm theo lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ đang học lớp 6 và hạ dần theo độ tuổi tùy theo tiến độ cung ứng vaccine. Đối với trẻ đã từng mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau 90 ngày kể từ ngày mắc bệnh.

Đối với mũi 1, TP bắt đầu từ ngày 16.4 đến ngày 30.4. Cụ thể, ngày 16.4, triển khai tổ chức tiêm cho trẻ đang học lớp 6 tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Riêng đối với trẻ đang học lớp 5, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất chọn 5 trường tiểu học để tiêm thí điểm, gồm: Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1; Trường tiểu học Bàu Sen, Quận 5; Trường tiểu học Dương Minh Châu, quận 10; Trường Tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận; Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.

Sau khi tiêm thí điểm 5 trường sẽ sơ kết và triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ ở 22 quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, từ ngày 18.4 đến 28.4. Từ ngày 29 và 30.4 sẽ tổ chức tiêm vét tại các điểm tiêm cộng đồng do quận, huyện bố trí.

Đối với mũi 2, TPHCM dự kiến tiêm trong vòng 14 ngày khi đủ thời gian và khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội dự kiến triển khai tiêm vaccine COVID-19 Moderna cho nhóm trẻ 5-11 tuổi vào ngày 16.4 theo kế hoạch. Ước tính, Hà Nội có khoảng 950.000 trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi. Theo lộ trình, Hà Nội sẽ triển khai tiêm theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine.

5-11-tuoi.jpg
Ngày hôm nay, các tỉnh thành ở nước ta tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ. Ảnh: HCDC.

Khẩn trương nhưng vẫn cần thận trọng

Trong tuần qua, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế các điểm tiêm cố định và lưu động về sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí một số phản ứng sau tiêm.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - liều lượng tiêm cho trẻ được nhà sản xuất xem xét, nghiên cứu, báo cáo, đã được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho phép triển khai tiêm và nhiều quốc gia ở Châu Âu đã tiêm song song với Pfizer. Cùng với báo cáo của một số nước và từ các chiến dịch tiêm chủng trước của Việt Nam đều chưa ghi nhận trường hợp có phản ứng nặng với viêm cơ tim.

Bà Hồng khuyến cáo phụ huynh cần chia sẻ với bác sĩ tại điểm tiêm chủng về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ để bác sĩ hướng dẫn tiêm tại bệnh viện hay điểm tiêm tại trường. Trước khi tiêm chủng, phụ huynh cần phải được biết con tiêm vaccine gì và các phản ứng ra sao. Sau tiêm, trẻ cần ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi sát các phản ứng phản vệ. Liên tục theo dõi trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm.

“Sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cần theo dõi các triệu chứng bất thường như: Phát ban, li bì, sốt... Nếu các biểu hiện thông thường này ngày càng tăng lên cần đưa trẻ đi khám” - bà Hồng nói. TS-BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương - khuyến cáo: "Trong 3 ngày này, phụ huynh và giáo viên cần quan sát toàn trạng của trẻ, diễn biến sốt hay có thay đổi màu sắc da, niêm mạc mắt, trẻ có nổi ban hay không để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế chăm sóc.

Thùy Linh-Huyên Nguyễn