Cai nghiện thuốc lá có dễ không?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 17:43, 15/04/2022

Mỗi ngày nước ta có đến hàng trăm người chết vì thuốc lá, đây cũng là nguyên nhân chính gây ra nhiều các loại bệnh nguy hiểm. Hiện đã có nhiều phương pháp tây y hỗ trợ bệnh nhân cai nghiện thuốc lá.
0thuoc..jpg
Mỗi năm nước ta có đến hàng trăm bệnh nhân chết vì thuốc lá - Ảnh: Internet

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta chi hơn 23.000 tỉ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá, tuy nhiên vẫn phải chi 22.000 tỉ đồng để tiếp tục mua thuốc lá về hút. Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm vì mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Cả người hút và người hít phải khói thuốc đều độc

Anh T.C. (38 tuổi, TP.HCM) hút thuốc lá từ ngày trẻ, anh luôn biết hút thuốc lá là có hại, cha mẹ anh cũng như vợ con đều khuyên anh bỏ thuốc. Anh từng nhiều lần muốn bỏ thuốc lá nhưng chỉ được khoảng 2-3 tháng sau lại hút lại.

Cách đây 3 năm, anh bị tràn dịch màng phổi, gia đình đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Lần này anh bỏ thuốc lá được 11 tháng. Trong một lần ngồi nhậu với các bạn mà phần lớn đều hút thuốc nên anh lại tiếp tục hút.

PGS.TS.BS Phan Thu Phương - phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết trung bình mỗi ngày có 100 người Việt Nam chết vì thuốc lá. 90% bệnh nhân ung thư phổi và 75% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng có lý do tương tự. Khói thuốc còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động.

Trong khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học khác nhau, trong đó có 69 chất gây ung thư, nhiều chất gây nghiện, chất độc cho tế bào và gây đột biến gen (tác nhân gây bệnh ung thư).

Hút thuốc thụ động (hay còn gọi là hít khói thuốc thụ động, tức hít phải khói thuốc từ những người hút thuốc mà không trực tiếp hút thuốc lá), khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy trong cơ thể có thể trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên hơn 25 loại bệnh tật trên cơ thể, không chỉ là ảnh hưởng đến hô hấp hay tim mạch.

Bên cạnh đó, thuốc lá gây nhiều bệnh lý từ đầu đến chân người hút thuốc lá chủ động hay thụ động, các bệnh dễ gặp ở nhóm này là rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, bệnh vảy nến...

Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn, hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ tiến triển từ nhiễm lao tiềm ẩn sang bệnh lao hoạt động.

anh-minh-hoa-hut-thuoc-la-dien-tu.jpeg
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại bệnh - Ảnh: Internet

Phụ thuộc vào quyết tâm của người bệnh

TS.BS Trần Thái Hà - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương (Bộ Y tế) - cho rằng việc cai nghiện thuốc lá không bao giờ dễ dàng. Hành vi hút thuốc lá tiếp tục ngay cả khi người nghiện biết rõ hay thậm chí là bị các tác hại do thuốc lá gây ra. Hiện có nhiều phương pháp tây y hỗ trợ cai nghiện thuốc nhưng kết quả còn thấp và tỉ lệ tái nghiện thuốc lá vẫn còn cao.

ThS BS. Thái Thị Thùy Linh - khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết cai thuốc lá có hai biện pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc. Hai biện pháp này bắt buộc phải đi song hành với nhau.

Cai thuốc lá không cần dùng thuốc là bác sĩ phải tư vấn cho người bệnh vượt qua những rào cản mà khi ngưng thuốc lá sẽ xảy ra. Khi cai thuốc lá hội chứng cai thuốc lá sẽ xuất hiện làm người bệnh khó chịu như tăng cân, thèm thuốc...

Khi đó, nếu người bệnh gặp phải vấn đề tăng cân, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh ăn ít đi, hạn chế những món ăn có nhiều đường, chất béo, những nước uống có gas, bia, rượu...

Ngoài ra, bác sĩ còn tư vấn cho người bệnh cần tăng cường vận động nhiều hơn lúc trước khi cai thuốc như tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, đi xe đạp hay chơi các môn thể thao... để tiêu tốn năng lượng, hạn chế việc tăng cân.

Khi thèm thuốc lá, người bệnh nên xem tivi, đọc sách hay chơi một môn thể thao, nhai kẹo... để quên đi cơn thèm thuốc.

Những người cai thuốc lá còn hay bị huyết áp tăng, thấy người bứt rứt, khó chịu, không tập trung, cáu gắt... Đây là hội chứng thèm thuốc lá. Lúc đó, bác sĩ sẽ cung cấp thuốc cho người bệnh. Tùy từng tình trạng người bệnh hút thuốc lá ít hay nhiều bác sĩ sẽ dùng đơn trị liệu hay phối hợp thuốc với nhau.

Việc cai thuốc lá thành công hay không phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của người bệnh. Người bệnh sẽ chiếm hơn một nửa trong thành công cai được thuốc lá, phần còn lại thuốc sẽ hỗ trợ người bệnh trong quá trình cai thuốc lá.

"Muốn thành công trong cai thuốc lá, tự người bệnh phải quyết tâm tránh xa môi trường khói thuốc lá; còn nếu người bệnh không quyết tâm cai thuốc lá thì cho dù bác sĩ có dùng thuốc tốt mấy đi chăng nữa cũng không thể thành công vì người bệnh cai thuốc lá rất dễ tái nghiện", bác sĩ Linh nhấn mạnh.

ANH ĐÀO (tổng hợp)