Rối loạn chức năng tiểu tiện, căn bệnh của đàn ông khi bị lão hoá
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:00, 15/04/2022
Cách đây khoảng 4 tháng, ông Nguyễn Văn Sỹ (56 tuổi, ngụ ở tỉnh Đồng Nai) liên tục đi tiểu về đêm, khiến ông mệt mỏi vì mất giấc ngủ. Vì lo lắng cho sức khoẻ, ông Sỹ đã tới bệnh viện khám tổng quát và khám luôn triệu chứng đi tiểu nhiều lần của mình.
Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông bị rối loạn chức năng tiểu hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt.
“Tôi có tiền sử là bị sỏi thận nhiều năm nay rồi, cũng biết chức năng thận của mình kém nhưng tôi trước đó không xuất hiện tiểu đêm như vậy. Nghe bác sĩ nói cũng thấy lo lắng nhưng bác sĩ chấn an tinh thần là bệnh lành tính, vì lớn tuổi nên cơ quan tiết niệu bị lão hoá chỉ cần uống thuốc và theo dõi là ổn”, ông Sỹ chia sẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca giới mắc phì đại tuyến tiền liệt ở tuổi 60 chiếm 59%; 70 tuổi chiếm 76,9%; trên 80 tuổi chiếm trên 90%. Hiện nay, tuổi thọ người dân cao hơn nên số người mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt cũng tăng cao.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân – Trưởng khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Ở bệnh lý này khi bệnh nhân bị rối loạn chức năng đi tiểu sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau như: tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu không kiểm soát. Trong y khoa có ba nhóm cơ bản là tiểu chứa đựng nước tiểu, tống xuất nước tiểu và sau khi tiểu có triệu chứng”.
Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân, estrogen và entrogen đều xuất hiện trong cơ thể cả nam và nữ. Nếu như nữ estrogen nhiều hơn, thì ở nam giới lượng testosterone nhiều hơn. Khi chức năng tiểu bị rối loạn, tức là cơ quan tiết niệu bị lão hoá, mất cân bằng estrogen ở nam giới khiến bệnh phát triển mỗi ngày.
Hiện nay y học hiện đại, việc chẩn đoán và điều trị phì đại tuyến tiền liệt dẫn đến rối loạn chức năng tiểu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân khi có triệu chứng lại không đi khám mà chịu đựng, khi đến bệnh viện thì bệnh diễn tiến nặng, chuyển qua giai đoạn suy thận, thậm chí là ung thư tiền liệt tuyến.
“Thực tế hiện nay, bệnh này nếu phát hiện và điều trị sớm, chúng tôi ban đầu sẽ cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc tại nhà. Trong trường hợp bệnh nhân uống thuốc không thuyên giảm triệu chứng, sẽ được cân nhắc để mổ”, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân cho biết thêm.