Chuyện chiếc nồi đất làng Cổ Đạm
Dòng chảy - Ngày đăng : 12:27, 15/04/2022
Du khách về Nghi Xuân nghe câu ví dặm “ Đất Đồng Môn dệt vải/ Đất Cổ Đạm vắt nồi” mà xao xuyến trong lòng mỗi người. Câu hát ví được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. Không rõ ai là tác giả câu dặm miêu tả nghề vắt nồi đất truyền thống ở làng Chuầy dưới chân núi Mồng Gà, dãy núi Hồng Lĩnh.
Nghề vắt nồi đất ở Cổ Đạm có từ bao giờ? Ông tổ nghề là ai ? Có đền thờ tổ nồi đất không? Người dân nơi đây không còn nhớ nữa. Họ chỉ nhớ nghề vắt nồi đất có đến 700 - 800 năm, do một ông ở Thanh Hóa truyền nghề. Người Cổ Đạm khẳng định, nghề vắt nồi đất có từ lâu lắm rồi. Sách Nghi Xuân địa chí của tác giả Lê Văn Diện, viết vào năm 1842 cũng chép rõ: “ Đồi đất sản xuất ở Cổ Đạm, Mỹ Dương”.
Làng nghề sản xuất nồi đất Cổ Đạm ở Kỳ Ba, ( nay là thôn 3 và thôn 7) liền kề làng Giáo Phường, quê hương ca trù, nơi có đền xứ thờ Tổ sư Ca trù của nhiều phủ, huyện ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nghề làm nồi Cổ Đạm thịnh hành nhất vào giai đoạn 1954 – 1980. Lúc đó quy mô có đến trên 200 hộ ở Kỳ Tây, Kỳ Đông và Hoa Phú. Thời đó, nước bạn Lào cử người đến Cổ Đạm học nghề làm nồi đất. Rồi thị trường công nghiệp phát triển, các loại nồi nhôm, nồi điện …tràn ngập thị trường làm nồi đất lép vế, làng nghề thủ công Cổ Đạm hầu như giải nghệ. Hiện nay, nghề vắt nồi Cổ Đạm chỉ vài ba người như là chị em bà Sinh, bà Thành ở thôn 7 đang nắm giữ nghề. Thỉnh thoảng có khách đặt hàng mới làm, không thì gác bàn xoay dài dài. Nghề vắt nồi Cổ Đạm đang có nguy cơ bị xóa sổ như những nghề đúc đồng, đúc gang ở Nghi Xuân một thời nổi tiếng.
Trước đó, nồi đất Cổ Đạm được chở bằng thuyền, hoặc gánh bộ đưa đi bán ở nhiều chợ quê trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Nồi Cổ Đạm lên tận Hương Sơn, Hương Khê, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, ra tận Thanh Hóa, cạnh tranh với nồi đất Diễn Châu. Ngày ấy, nồi Cổ Đạm là lựa chọn số một trong các đồ vật nhà bếp. Làng nghề sản xuất nồi lớn, nồi bé, ấm gánh nước, chõ hông xôi, siêu trắc thuốc…
Cá biển mà nấu nồi đất Cổ Đạm thì ngon tuyệt, không loại nồi nào sánh bằng. Nồi đất nấu cơm nếp, hầm khoai lang, luộc ngô cũng thơm ngon, tuyệt diệu. Đặc sản cơm niêu không thể thiếu nồi đất. Ở Nghi Xuân, nồi đất Cổ Đạm được đi vào trò chơi dân gian đập mặt nạ trong những dịp tết nhất, hội hè vui nhộn. Nồi còn được dùng chứa đựng nông sản, thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày của mọi gia đình, làng mạc từ nông thôn đến thị thành.
(Theo Đặng Viết Tường/ nghixuan.hatinh.gov.vn)
Phim Tài liệu "Chuyện chiếc nồi đất làng Cổ Đạm"