Đau lưng hậu Covid-19, đi khám thì do ung thư 'ăn' vào cột sống

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:40, 14/04/2022

Tại nhiều bệnh viện, phòng khám, số bệnh nhân đến khám đã tăng trở lại. Sau gần 1 năm dịch bệnh hoành hành người dân e dè tới các bệnh viện khám dẫn tới nhiều bệnh lý phát hiện quá muộn trong đó có ung thư.


Trường hợp bà Nguyễn Thị Lên (quê Phú Thọ) sau mắc Covid-19 bà thường xuyên có cảm giác hụt hơi, khó thở, ho. Bà được con cái đưa tới BV Bạch Mai khám, sau khi hỏi bệnh và thăm khám, bệnh nhân được tiến hành các thăm dò xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh.

Kết quả cho thấy bệnh nhân có tổn thương phổi xơ mức độ nhẹ hai bên, đồng thời quan sát trên phim có hình ảnh nốt mờ thùy trên phổi phải kích thước 1 x 1,5 cm.

Bệnh nhân được tiến hành các thăm dò chuyên sâu khác, kết luận: Ung thư phổi biểu mô tuyến T1bN0M0 (giai đoạn IA theo TNM8) có đột biến gen EGFR.

Bệnh nhân sau đó được chuyển tới chuyên khoa Ung bướu để điều trị sớm. Với ung thư phổi ở giai đoạn này, tiên lượng thường tốt, với tỉ lệ sống trong 5 năm là trên 70%, thậm chí nhiều bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Bà Lên may mắn đi khám sớm và phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

Thực tế, có nhiều bệnh nhân ghi nhận ở giai đoạn rất trễ vì e dè không đi khám do sợ Covid-19.

Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một trường hợp ung thư vú đã di căn. Từ tháng 6 năm ngoái bệnh nhân đã sờ thấy có hạch vú và đi khám được chẩn đoán u xơ.

Sau đó người bệnh không đi khám lại vì sợ Covid-19. Càng ngày, khối u càng to, rắn đanh. Đến tháng 2/2022, bệnh nhân mới đến BV Bạch Mai khám. Lúc này bác sĩ chẩn đoán ung thư vú đã sang giai đoạn IV.

Đau lưng hậu Covid-19, đi khám thì do ung thư 'ăn' vào cột sống
Hình ảnh bong bóng phổi vì di căn do ung thư ở cơ quan khác tới.


BS Hồ Hoàng Phương – BV Đa khoa Tâm Anh chia sẻ sau dịch Covid-19, số bệnh nhân tới khám kiểm tra sức khoẻ có đủ mặt bệnh từ ung thư gan, thận, đại tràng... Có lúc, bác sĩ Phương tư vấn cả hai ca, trùng hợp giống y nhau, cả hai đều là phụ nữ trên 50 tuổi, trong nhà có mẹ bị ung thư phổi, đều là người thân của người làm ngành y nên kiểm tra sức khoẻ khá thường xuyên.

Thế nhưng, do dịch nên hơn 1 năm qua không đi khám ở đâu được vì ngại, rồi cũng tiêm đủ 3 mũi vắc xin và đã nhiễm Covid-19 nhưng triệu chứng nhẹ.

Sau Covid-19, bệnh nhân ho khúc khắc, lại thêm sụt cân, chụp X quang phổi ở địa phương thấy có vấn đề. Bệnh nhân đến Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Tâm Anh để kiểm tra thêm CT ngực, kết quả cả hai đều có chẩn đoán ung thư phổi, cùng thuỳ trên, và cùng bên phải.

BS Phương cho biết đây là điều đáng tiếc và không chỉ các triệu chứng sau Covid-19 khiến sức khoẻ người dân giảm sút mà đáng lo nhất đó là hậu quả của Covid-19 làm người ta chậm đi kiểm tra sức khoẻ định kì, đến khi phát hiện bệnh thì u đã quá to, bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Theo BS Phan Xuân Trung – Phòng khám Y khoa Hoà Hảo, TP.HCM, tại phòng khám này, số bệnh nhân đi khám bệnh tăng đột biến. Điều này có thể do các cơ sở đã gỡ bỏ quy định test Covid-19 trước khi vào khám.

Nhưng khi nhận các kết quả kiểm tra sức khoẻ định kỳ thì đều từ bệnh nhẹ thành nặng. BS Trung cho rằng do không được khám định kỳ trong thời gian dịch, nhiều ca ủ bệnh từ nhẹ thành nặng. Nhiều nhất là đái tháo đường và ung thư.

Với bệnh tiểu đường, bệnh nhân tự mua thuốc uống mà không kiểm tra các chỉ số đường nên không điều chỉnh liều thuốc. Đường tăng cao gây hư mạch máu nhỏ ở tim, não, thận, mắt.

Các ca ung thư thường đến ở giai đoạn trễ. BS Trung cho biết có ca rất trẻ, sau Covid-19 thấy đau lưng nên đi khám chụp X quang và CT thấy u phổi ăn vào cột sống.

Có trường hợp bệnh nhân đi tầm soát vì thấy húng hắng ho hậu Covid-19, chụp phim lên thấy hình ảnh bong bóng bay ở phổi, chỉ điểm tình trạng di căn đến phổi từ cơ quan khác như gan, tụy.

Với những bệnh nhân này nếu đi khám sớm thì chắc chắn sẽ được chẩn đoán sớm, điều trị sớm cơ hội sống cao hơn, điều trị cũng đỡ tốn kém hơn khi tình trạng bệnh đã sang giai đoạn di căn như hiện tại.

Bác sĩ cho rằng các triệu chứng hậu Covid-19  đáng sợ nhất đó là tình trạng người bệnh không đi khám bệnh khiến các bệnh mãn tính phát triển, ung thư cũng không được phát hiện sớm.