Giữa vòng áp lực, sức mạnh của Bầu Hiển bất ngờ vượt lên

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:17, 14/04/2022

Ngân hàng SHB của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) được dự báo tăng trưởng lợi nhuận đột phá, gấp đôi lên 3.200 tỷ đồng trong quý I trong bối cảnh cổ phiếu này chịu nhiều áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán.

SSI Research vừa công bố ước lợi nhuận của một số doanh nghiệp đầu ngành, trong đó có Ngân hàng SHB của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển).

Theo SSI Research, Ngân hàng SHB dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định...

Nhiều ngân hàng khác cũng được SSI Research ước lợi nhuận tăng mạnh. VPBank (VPB) lợi nhuận ước đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA và tăng trưởng tốt tại bảng cân đối kế toán (tăng trưởng tín dụng và huy động đạt 7% và 12% so với đầu năm). Sacombank (STB) được ước tính có thể đạt 1.4001.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2022, tăng 40-50% so với cùng kỳ nhờ kiểm soát tốt chi phí dự phòng.

Techcombank (TCB) ước tính ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý I đạt 6.500-6.700 tỷ đồng (tăng 18-21% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm.

Lợi nhuận trước thuế trong quý I của BIDV ước đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (4,7% so với đầu năm,+14,7% so với cùng kỳ) và tối ưu hóa hệ số LDR (tiền gửi tăng 1,4% so với đầu năm) trong khi  tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 1%.

Ngân hàng có triển vọng tốt trong 2022.

SSI cũng trích nhận định của ban lãnh đạo Ngân hàng MBBank cho biết lơi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng này tăng 20% so với cùng kỳ, đạt ít nhất 5,5 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng trong quý I đạt khoảng 10-11% so với đầu năm.

Lợi nhuận của MSB ước tăng 31% so với cùng kỳ lên 1,5 nghìn tỷ đồng nhờ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức +9,5% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,3%. Kết quả lợi nhuận này chưa bao gồm lợi nhuận từ việc bán FCCom.

Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) được kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Doanh thu từ bancassurance tăng 8% lên 270 tỷ đồng trong khi NIM ổn định.

Nhìn chung lợi nhuận của các ngân hàng được ước tính tăng trưởng tốt trong quý I/2022. Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 20-30% lợi nhuận trong năm nay.

Trong năm 2022, nhiều đánh giá cho thấy, ngành ngân hàng có thể tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhiều yếu tố, trong đó có triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Kinh tế hồi phục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xu hướng tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện và duy trì ổn định trong nửa đầu năm nay, với tốc độ cao hơn các năm trước. VDSC dự báo mức tăng tín dụng có thể dao động trong khoảng 13,3-15,2%, trung bình là 14,3%.

Thực tế cho thấy, trong quý I/2022, tín dụng đã tăng trưởng khá tốt với mức tăng 5,04%, gấp 4 lần mức tăng trong quý I/2021. Đây là tín hiệu chứng tỏ nền kinh tế hồi phục tích cực. Doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.

Còn theo ACBS, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo có thể đạt 15%, cao hơn mức 13,53% trong năm 2021. Lợi nhuận của các ngân hàng có thể cao hơn nhờ áp lực trích lập dự phòng không còn lớn.

Ở chiều ngược lại, báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Chứng khoán SSI cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng có thể giảm trong thời gian tới do những chính sách thắt chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Dù vậy, tác động sẽ không nhiều do nhu cầu mạnh mẽ từ việc khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp sau đại dịch.

Rung lắc có thể xảy ra

Theo BSC, chỉ số VN-Index đang dao động trong biên độ lớn và hiện đối mặt với ngưỡng kháng cự quanh vùng 1.480; nếu trong những phiên tới chỉ số vượt qua được ngưỡng này thì sẽ loanh quanh tại đây trong thời gian ngắn để lấy động lực chinh phục ngưỡng kháng cự tiếp theo là 1.490.

Theo SHS, phía trước thị trường là ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.490 điểm có thể được thử thách trong phiên giao dịch 14/4 và những rung lắc có thể diễn ra tại đây. Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào trong phiên 13/4 khi thị trường test vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc gia tăng tỷ trọng nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên một lần nữa.

Chốt phiên giao dịch 13/4, chỉ số VN-Index tăng 21,95 điểm lên 1.477,2 điểm. HNX-Index tăng 6,44 điểm lên 427,45 điểm. Upcom-Index tăng 0,77 điểm lên 113,3 điểm. Thanh khoản đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 22,0 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Bước ngoặt nhà Bầu Hiển, ghế nóng quyền lực ở hay rút?

Bước ngoặt nhà Bầu Hiển, ghế nóng quyền lực ở hay rút?

Các đại gia ngân hàng lần lượt đưa con cái vào vị trí lãnh đạo cao cấp. Nhà ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) cũng đang ở bước ngoặt cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo tiếp theo.