VNPAY bất ngờ nhảy sang cung cấp mạng di động ảo

Đi chợ công nghệ - Ngày đăng : 08:32, 14/04/2022

VNPAY vừa được phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) trên phạm vi toàn quốc.
VNPAY bất ngờ nhảy sang cung cấp mạng di động ảo
VNPAY bất ngờ nhảy sang cung cấp mạng di động ảo, tạo thêm sự sôi động cho thị trường này.

Mới đây, Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE VIệt Nam (thuộc VNPAY - Fintech hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam) đã chính thức được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và thiết lập mạng viễn thông công cộng.

Theo đó, Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE VIệt Nam được phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) trên phạm vi toàn quốc. Doanh nghiệp cần tuân thủ theo đúng các điều khoản về kết nối, kho số, tần số vô tuyến điện và những nghĩa vụ khác theo quy định tại giấy phép.

Doanh nghiệp được phép cung cấp trên mạng viễn thông di động mặt đất các dịch vụ viễn thông theo quy định trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, phải tuân thủ các điều khoản về phương thức cung cấp dịch vụ, hình thức thanh toán giá cước, kết nối và thuê kênh, tài nguyên viễn thông, giá cước, chất lượng dịch vụ, triển khai giấy phép và các nghĩa vụ khác.

VNPAY được thành lập tháng 3/2007 là đối tác cung cấp giải pháp thanh toán điện tử uy tín và tin cậy cho các đơn vị, tập đoàn lớn, bao gồm hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 150.000 doanh nghiệp. Nổi bật là dịch vụ VNPAY-QR cho phép khách hàng sử dụng tính năng QR-Pay/VNPAY-QR trên ứng dụng Mobile Banking hoặc ví điện tử để thanh toán các giao dịch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mỗi ngày.

Gần đây, thị trường viễn thông chứng kiến nhiều đại gia "tay ngang" nhảy vào lĩnh vực mạng di động ảo. Hồi tháng 9/2021, Tập đoàn Masan công bố mua lại cổ phần của mạng di động ảo Reddi, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Theo đó, Công ty TNHH The Sherpa - một thành viên của Tập đoàn Masan công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast, đơn vị đang sở hữu mạng di động ảo Reddi với số tiền là 295,5 tỷ đồng. Mạng di động ảo Reddi sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Masan đang sở hữu một số nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank, Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu giúp Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

Sau thương vụ này, Reddi sẽ được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là lợi thế giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và cho phép công ty dùng khoản tiết kiệm này tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số độc đáo và nền tảng trải nghiệm khách hàng cho người tiêu dùng Việt Nam, trong đó 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.

Trước đó, ngày 25/4/2019, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom đã ra mắt dịch vụ viễn thông di động đầu số 087 (mạng di động ITelecom). Đông Dương Telecom là doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình mạng di động ảo tại Việt Nam bằng việc ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn VNPT để sử dụng cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone. Đông Dương Telecom đã tung ra thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Ông Lưu Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Đông Dương Telecom cho biết, mạng di động ảo bước chân vào thị trường di động Việt Nam sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của nhà khai thác di động có hạ tầng như VinaPhone. Việc bán lại lưu lượng là phương thức hiệu quả để chia sẻ chi phí vận hành mạng và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Hơn nữa, mạng di động ảo có thể đem đến những mạng lưới phân phối bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến có khả năng thúc đẩy khách hàng qua những phương thức kinh doanh khác nhau. Khi các mạng di động ảo đưa ra những dịch vụ di động giá trị gia tăng, các đối tác cũng được hưởng lợi từ chia sẻ nguồn tài nguyên này.

Như vậy, cho tới thời điểm này, Việt Nam đang có 3 mạng di động ảo được cấp phép.

Thái Khang