Bầu cử tổng thống Pháp: Thành tích kinh tế có thể 'giữ chân' Tổng thống Macron ở lại Điện Elysée?

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:08, 13/04/2022

Liệu thành tích kinh tế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vượt trội hơn hai người tiền nhiệm có phải là yếu tố giúp ông giữ được ghế tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai?
Bầu cử Pháp Tổng thống
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP)

Từ năm 2017, chính phủ Pháp đã "bơm" thêm sức mua cho dân, đẩy lùi thất nghiệp, cải tổ thị trường lao động, tô điểm hình ảnh nước Pháp với doanh nhân nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều kế hoạch cải tổ vẫn bế tắc, mục đích tự chủ về năng lượng còn xa vời và một phần công luận bất mãn vì những bất bình đẳng trong xã hội.

Trong chưa đầy 2 tuần nữa, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen hay Tổng thống Emmanuel Macron sẽ trở thành người nắm giữ chìa khoá Điện Elysée trong 5 năm sắp tới?

Nữ ứng cử viên Le Pen của đảng Tập hợp Quốc gia hứa hẹn một mô hình xã hội công bằng, tăng sức mua cho người dân, đặc biệt là cho những thành phần có thu nhập thấp, cho người nghèo bị “bỏ rơi”.

Những nỗ lực hiệu quả

Nhưng có thực là người dân Pháp đã nghèo đi trong 5 năm vừa qua hay không?

Cơ quan quan sát về tình hình kinh tế Pháp (OFCE) ngày 17/3 vừa qua công bố nghiên cứu cho thấy, ông Macron thành công hơn hai người tiền nhiệm là Tổng thống François Hollande (nhiệm kỳ 2012-2017) và Nicolas Sarkozy (2107-2012), cả hai đều chỉ điều hành đất nước trong một nhiệm kỳ.

Chỉ số sức mua của các hộ gia đình và chỉ số thất nghiệp, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 25 tuổi, khẳng định điều này.

Tháng 5/2017, ông Macron lên cầm quyền, 9,5% người Pháp trong độ tuổi lao động không có việc làm. Theo Viện thống kê Quốc gia (INSEE), cuối năm 2021, tỷ lệ đó giảm xuống còn 7,4%. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 15 năm vừa qua. Thêm vào đó là hàng loạt chính sách khuyến khích thanh thiếu niên đi học nghề để có được một chỗ đứng trên thị trường lao động.

Trên đài phát thanh France Inter, cựu Thị trưởng Paris Bertrand Delanoë, người của đảng Xã hội cánh tả, cho biết: “Trong 3 năm cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Emmanuel Macron chứng tỏ ông là một vị tổng thống có tầm cỡ. Ông bảo vệ rất tốt người dân Pháp vào lúc mà chúng ta đang trải qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, từ phong trào nổi dậy Áo vàng đến khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 gây nên".

Giá xăng dầu, khí đốt tăng cao, bởi Nga là nguồn cung cấp chính cho toàn khối châu Âu, lương thực thực phẩm càng lúc càng đắt đỏ bởi thế giới bị mất đi hai nguồn cung cấp lớn là Nga và Ukraine. Lạm phát càng là mối lo của từng nhà và là cơ hội tốt để các đối thủ chính trị của ông Emmanuel Macron khai thác trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống 2022.

Tuy nhiên, 3 tuần trước bầu cử vòng một, báo cáo của OFCE cho thấy, từ năm 2017 tới nay, sức mua của dân Pháp đã tăng lên. Báo kinh tế Les Echos cho biết: “Thống kê gần đây nhất của OFCE cho thấy, với 10% thành phần có thu nhập thấp nhất ở Pháp, dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, sức mua của họ đã tăng lên hơn 600 Euro và riêng trong năm 2021 sức mua của thành phần này không hề bị sụt giảm”.

Trong khi lạm phát ở Mỹ tăng lên thêm 7,5% trong một năm, của châu Âu là hơn 5%, Pháp may mắn hơn khi trong 12 tháng qua, đời sống dù có khó khăn hơn, nhưng tỷ lệ lạm phát là 4,4%.

The New York Times đánh giá cao chính sách kinh tế của Tổng thống Pháp và cho rằng, trong việc khắc phục hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây nên, những nỗ lực của Paris “hiệu quả nhất”.

Nhiều vấn đề còn tồn tại

Dù vậy, trong mắt nhà kinh tế hàng đầu của Pháp Thomas Piketty, người đang giảng dạy tại Học viện kinh tế Paris, vẫn còn nhiều vấn đề mà Tổng thống Macron mới chỉ đưa ra những biện pháp nửa vời.

Ông Thomas Piketty đưa ra ví dụ về chính sách trợ giá năng lượng. Vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Macron, biện pháp đánh thuế carbon là chủ đề khiến một phần dân chúng đổ xuống đường. Nhưng rồi đến cuối nhiệm kỳ, Pháp vẫn trong thế thụ động, bất lực mỗi khi giá năng lượng, xăng dầu tăng cao. Chính phủ chỉ đưa ra các biện pháp vá víu nhưng không giải quyết dứt điểm vấn đề này, tránh để bị lệ thuộc vào những biến động trên thị trường năng lượng quốc tế.

Về câu hỏi liệu cách biệt giàu nghèo tại Pháp có được thu hẹp lại hay không trong 5 năm qua? tổ chức nghiên cứu độc lập IPP của Pháp tháng 11/2021 đã đưa ra câu trả lời là không.

Theo tổ chức này, đành rằng sức mua của người dân Pháp nhìn tổng thể đã tăng lên thêm so với hồi đầu nhiệm kỳ, nhưng đối với 5% người dân có thu nhập thấp nhất thì không. Sức mua của những người này trái lại đã bị giảm mất 0,5% từ 2017 đến cuối 2021.

Trong khi đó, 1% những người giàu có nhất đã giàu thêm. Theo nghiên cứu của viện IPP, những người có thu nhập trung bình 10.500 Euro/tháng có mức sống được nâng cao lên thêm; và nhất là thành phần cực giàu, sức mua của họ đã tăng lên thêm đến 4% trong năm 5 vừa qua.

Jean Hervé Lorenzi, sáng lập viên Tổ chức các nhà kinh tế, tập hợp khoảng 30 chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu cho rằng, Tổng thống Macron còn nhiều việc phải làm để đem lại một làn gió mới cho kinh tế Pháp. Ông nói: “Sẽ còn phải giải quyết vấn đề nhà ở, cần cải thiện thị trường lao động và khả năng cạnh tranh của quốc gia, cũng như là phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình tái công nghiệp hoá cỗ máy kinh tế của Pháp”.

Để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Macron chỉ có hơn 10 ngày. Vẫn còn rất nhiều những chương trình cải tổ từ y tế đến giáo dục hay hệ thống lương hưu còn dang dở. Giới phân tích cho rằng, chưa có gì chắc chắn "những thống kê về thất nghiệp, về lạm phát, về số việc làm được tạo thêm dưới thời Tổng thống Macron có sức thuyết phục hơn những lời đường mật của phe dân túy".

Vy Anh