Thực hư rau cải và đậu giúp thay đổi chức năng tuyến giáp không?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 05:00, 14/04/2022
Những triệu chứng của bệnh có thể rất mờ nhạt, thậm chí tiến triển âm thầm không có triệu chứng. Một bộ phận người bệnh xuất hiện cảm giác nuốt vướng không rõ ràng, đau tức nhẹ ở vùng cổ, tự thăm khám thấy khối u vùng cổ trước, hoặc chỉ phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ. Ngoài các thông tin về tình trạng bệnh của mình, một trong những khía cạnh nhiều người bệnh rất quan tâm đó chính là chế độ ăn khi mắc bệnh tuyến giáp lành tính.
Người đi khám bệnh thường "truyền miệng" nhau những thông tin không chính thống về việc phải kiêng các loại rau họ cải và đậu phụ nếu bị mắc tuyến giáp. Vậy điều này là đúng hay sai, có cần kiêng tuyệt đối hai loại rau kể trên không?
Rau họ cải
Rau họ cải ở đây được định nghĩa là những thực vật thuộc chi Cải, không chỉ rau cải xoăn mà còn bao gồm một số rau xanh hay gặp trong bữa ăn hàng ngày của người Việt như súp lơ, cải bắp, bông cải trắng, cải búp, cải chíp… Những loại rau này chứa nhiều glucosinate, chất sản sinh ra sunforaphane, phenethyl và isothiocyanate có đặc tính chống ung thư. Glucosinate cũng có tác động đến quá trình tổng hợp chức năng tuyến giáp, nói cách khác ăn quá nhiều rau cải có thể giảm hormone tuyến giáp hay giảm chức năng tuyến giáp.
Tuy vậy, chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ ăn bao nhiêu rau cải thì chức năng tuyến giáp sẽ thay đổi, hay khuyến cáo rằng không người bệnh không nên ăn loại rau này. Trong khi đó không thể phủ nhận những tác dụng tốt rau cải mang lại cho sức khỏe, do vậy người bệnh nên giữ một chế độ ăn hợp lý, cân đối và không cần kiêng tuyệt đối thực phẩm này.
Đậu nành
Đậu nành hay đỗ tương, đậu tương là loại cây họ đậu có chứa nhiều protein, được trồng làm thức ăn cho người và gia súc. Sản phẩm từ cây đậu nành được sử dụng rất đa dạng, dùng trực tiếp hạt thô hoặc sản phẩm đã qua chế biến. Những sản phẩm từ đậu nành rất đa dạng và quen thuộc trong cuộc sống của người Việt như sữa đậu nành, đậu phụ, nước tương, bánh kẹo… đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Trong đậu nành có chứa isoflavones, chất này có thể ức chế hoạt động của peroxidase tuyến giáp, vốn cần để tổng hợp hormone tuyến giáp.
Người ta cho rằng ăn đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giáp, hoặc những người đang phải điều trị hormone tuyến giáp tổng hợp sẽ phải dùng liều cao hơn bình thường.
Tuy vậy một số nghiên cứu chỉ ra rằng trên những người vốn có chức năng tuyến giáp bình thường và không bị thiếu iod, isoflavones không làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Các tài liệu còn cho rằng thực phẩm từ đậu nành còn làm tăng liều hormone cần thiết trên bệnh nhân suy giáp.
Chính vì vậy, khẩu phần ăn chứa một hàm lượng đậu thông thường được coi là an toàn. Người bệnh bị suy giáp cũng không cần thiết phải kiêng đậu, điều quan trọng là phải đảm bảo cơ thể không bị thiếu iod.
Bác sĩ Nguyễn Việt Cường
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội