Kinh nghiệm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi trên thế giới ra sao?

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:57, 13/04/2022

Đến thời điểm này, thế giới có 53 quốc gia đã triển khai tiêm hoặc có kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 mRNA cho trẻ em 5-11 tuổi, phần lớn ở các nước phát triển, đặc biệt là khu vực Châu Âu, Mỹ.

Thông tin trên được GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế tổ chức sáng 13/4. Theo GS Lân, đa số các nước nói trên bao phủ vắc xin cho người dân theo độ tuổi từ cao xuống thấp (tức triển khai tiêm phủ cho người lớn, tới trẻ 12-17 tuổi rồi mới tới nhóm 5-11 tuổi).

Ở các nước phát triển, luật pháp, quy trình phê duyệt vắc xin được tổ chức triển khai rất nghiêm ngặt, từ vấn đề chất lượng đến an toàn, hiệu quả.

Vắc xin được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sau đó thử nghiệm trên động vật rồi trải qua 3 giai đọan thử nghiệm lâm sàng mới bắt đầu đưa vào sử dụng. Sau đó, người ta vẫn tiếp tục theo dõi về hiệu quả, an toàn của vắc xin.

Đến nay, riêng 2 loại vắc Morderna và Pfizer đã tiêm hàng tỷ liều trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia đều có sự theo dõi và bất kể nơi nào có trường hợp phản ứng bất thường sau tiêm chủng đều được thông tin cho các tổ chức quốc tế.

GS Lân thông tin, kinh nghiệm từ nhiều nước đã triển khai tiêm chủng cho thấy, người đã mắc Covid-19 vẫn nên tiêm chủng. “Vì trong các đánh giá, người ta thấy rằng so sánh giữa nhóm F0 chưa tiêm chủng và F0 đã tiêm chủng thì với nhóm đã tiêm, hiệu quả mang đến tốt hơn nhiều, sinh kháng thể cao hơn, phòng lây nhiễm và giảm nặng, tử vong đều tốt hơn”, GS Lân cho hay.

Như vậy, nếu tỷ lệ phủ vắc xin của nhóm trẻ từ 5-11 tuổi ở Việt Nam cao thì chắc chắn miễn dịch có được (do vắc xin, do số trẻ đã mắc bệnh) sẽ giúp ích nhiều cho cộng đồng, đặc biệt là giúp những người có nguy cơ trở nặng cao giảm thiểu lây nhiễm. Bên cạnh đó, khi trẻ đã được tiêm thì nếu có mắc bệnh cũng được giảm nhẹ tình trạng. Từ đó, giảm quá tải cho các bệnh viện.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế tổ chức ngày 13/4 - Ảnh: Minh Tú

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hầu hết quốc gia đã tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi mới triển khai từ đầu năm nay. Nhà sản xuất cũng như các quốc gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về mức độ tồn lưu miễn dịch của trẻ em sau khi tiêm đủ 2 liều vắc xin. “Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật các thông tin mới nhất của WHO và nhà sản xuất về hiệu quả bảo vệ của vắc xin và vấn đề sau thời gian bao lâu, trẻ phải tiêm nhắc lại”, PGS Hồng nói.

GS.TS Phan Trọng Lân thông tin, qua báo cáo của 63 tỉnh TP gửi về Bộ Y tế tới nay, cả nước đang có 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi. Trong đó, ước tính có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19, còn lại 3,6 triệu cháu có thể đã mắc.

Trong quý 2 này, Việt Nam sẽ triển khai tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 cho 8,2 triệu trẻ chưa mắc. Những trẻ đã mắc cần trì hoãn tiêm chủng tới 3 tháng sau nhiễm. Như vậy ước tính đến khoảng tháng 7, tháng 8 sẽ cố gắng tiêm tiếp cho nhóm 3,6 triệu trẻ còn lại.

GS.TS Phan Trọng Lân cũng cho biết qua khảo sát mới đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 60-80% người dân đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trái lại, khoảng 30% còn do dự. Nhận định về kết quả này, ông Lân chia sẻ, nhóm phụ huynh còn do dự trong thời gian tới sẽ cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan việc tiêm chủng trước khi đưa ra quyết định.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi sẽ có sự kế thừa từ việc tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn, nhóm nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên hay trẻ 12-17 tuổi trước đó. Quan điểm là tiêm rộng nhất, nhanh nhất và nhiều nhất, đồng thời đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ngành y tế sẽ rà soát tất cả đối tượng để đảm bảo mọi người dân đều được tiêm vắc xin.

GS Lân tái khẳng định, dù tỷ lệ không cao nhưng trẻ em vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng và phải nhập viện khi mắc Covid-19. Việc tiêm chủng giúp giảm nguy cơ này xuống mức tối thiểu, giúp trẻ yên tâm tới trường cũng như tham gia các hoạt động xã hội.

TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Bệnh viện Nhi Trung ương (đang phát biểu) cùng các chuyên gia Bộ Y tế tại buổi cung cấp thông tin - Ảnh: Minh Tú

TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn rất bài bản và kịp thời. Trong đó, có hướng dẫn sàng lọc nhóm trẻ được tiêm tại trường và bệnh viện.

Theo TS Ngãi, các nhà chuyên môn khuyến cáo những mốc thời gian quan trọng cần phải theo dõi trẻ gồm: 30 phút sau tiêm, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày đầu sau tiêm, 7 ngày sau tiêm và 28 ngày sau tiêm.

TS lưu ý phụ huynh trong 3 ngày đầu cần tránh cho trẻ vận động mạnh. Lý do bởi có những tai biến được biểu hiện bằng triệu chứng thay đổi nhịp tim, nhịp tim nhanh, đau ngực, khó thở,… Nếu hoạt động thể lực mạnh, trẻ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như trên, rất khó cho việc theo dõi đánh giá đâu là phản ứng tai biến sau tiêm, đâu là do vận động thể lực. Bên cạnh đó, việc hoạt động gắng sức cũng có thể kích hoạt các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng.

Nguyễn Liên