Bầu cử tổng thống Pháp: Năm điểm nhấn sau vòng đầu
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:16, 13/04/2022
Ông Macron và bà Le Pen tái đấu trong vòng hai bầu cử tổng thống Pháp năm 2022 (Nguồn: Sudouest.fr) |
Ba mươi chưa phải là Tết
Trước hết, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã giành chiến thắng nhẹ nhàng hơn dự kiến khi chiếm tới 27,8% số phiếu bầu. Trong khi đó, bà Marine Le Pen, chính trị gia cực hữu Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp giành được 23,1% số phiếu.
Cả hai ứng cử viên đều đạt được sự ủng hộ cao hơn so với vòng đầu tiên năm 2017, song lần này khoảng cách giữa cả hai đã lớn hơn. Điều này giúp ông Macron có thêm động lực trước thềm vòng hai, sau nhiều tuần dư luận nghiêng về phía bà Le Pen.
Đặc biệt, người đứng ở vị trí thứ ba, ông Jean-Luc Mélenchon đã có thành tích ấn tượng khi vượt kỳ vọng 22% trước đó và liên tục bám đuổi bà Marine Le Pen. Thậm chí có thời điểm, khi các thành phố lớn kiểm phiếu vào đêm muộn, ông Mélenchon còn được đánh giá có khả năng vượt qua bà Le Pen vào vòng hai.
Là người đại diện cho tiếng nói của phe cánh tả đầy chia rẽ, chính trị gia này đã gây được tiếng vang lớn với giới trẻ qua chiến dịch vận động tranh cử cùng phong trào La France Insoumise (Nước Pháp bất khuất), trở thành ứng cử viên được lòng các cử tri từ 18 đến 34 tuổi nhất. Không may, đây cũng là nhóm cử tri ít đi bỏ phiếu nhất.
Ông cũng nhận được sự ủng hộ vào phút chót từ cử tri ủng hộ Đảng Xanh và Đảng Cộng sản. Do đó, bất chấp một số đề xuất chính sách có phần cực đoan, ông Mélenchon lại là ứng cử viên cánh tả duy nhất có cơ hội, song đã không thành công.
Trong vòng hai, ông Emmanuel Macron nhiều khả năng sẽ nhận được thêm lá phiếu từ phe cánh hữu chính thống, cánh tả và đảng Xanh. Tổng thống đương nhiệm cũng cần thêm sự ủng hộ của một số người từng bầu cho cho ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon. Trong khi đó, bà Marine Le Pen sẽ giành được phiếu từ cử tri ủng hộ ông Éric Zemmour. Sự thay đổi này sẽ khiến kết quả bầu cử vòng hai khó đoán hơn.
Phản ứng của ông Mélenchon sau khi công bố kết quả vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp năm 2022. (Nguồn: Shutterstock) |
Bối cảnh chính trị mới
Một điểm nhấn khác là sự chuyển mình của nền chính trị Pháp. Nó vốn đã bắt đầu vào năm 2017 khi ông Macron, chính trị gia trung dung lên nắm quyền. Điều này đã thay đổi gần như toàn bộ truyền thống bầu cử ở Pháp, vốn xoay quanh hai chính đảng truyền thống là đảng Cộng hoà và đảng Xã hội.
Năm năm sau đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Valérie Pécresse chỉ đạt 4,7% số phiếu. Ứng cử viên đảng Xã hội, thị trưởng Paris Anne Hidalgo, nhận được vỏn vẹn 1,7% số phiếu, thấp nhất trong lịch sử đối với một chính đảng từng nắm quyền tại điện Elysee, quốc hội và hầu hết các vùng một thập kỷ trước.
Giờ đây, nền chính trị Pháp chứng kiến sự nổi lên của tư tưởng tự do, thân châu Âu và chủ nghĩa toàn cầu hóa ở trung tâm. Trong khi đó, phe cực tả và cực hữu tiếp tục phân hóa thành những tư tưởng không đồng nhất và mức độ khác nhau như chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc.
Cử tri Pháp chia rẽ sâu sắc
Ngoài ra, cuộc bầu cử năm 2022 cũng cho thấy sự chia rẽ trong cử tri Pháp. Khoảng 53% lá phiếu được dành cho một ứng cử viên có quan điểm chống các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống. Trong bối cảnh đó, thách thức của ông Emmanuel Macron trong vòng thứ hai sẽ là thuyết phục đủ số cử tri rằng mặc dù họ có thể không thích ông, song họ e ngại bà Le Pen hơn.
Chiến dịch tranh cử của bà Le Pen đã khéo léo tập trung vào vấn đề sinh hoạt phí gia tăng, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Khi đó, ông Macron nhiều khả năng sẽ khai thác các kẽ hở trong đề xuất của chính trị gia cực hữu, bảo vệ thành quả kinh tế của mình và chia sẻ tầm nhìn về một tương lai tươi sáng.
Khảo sát của Ipsos cho biết 43% cử tri cho biết họ “rất hài lòng” khi bỏ phiếu cho ông Macron, so với 21% cho bà Le Pen. Ngược lại, 46% người được hỏi cho rằng họ “không hài lòng” đã bỏ phiếu cho bà Le Pen và chỉ 4% ông Macron.
Thị trưởng Paris - bà Anne Hidalgo, chỉ nhận 1,7% số phiếu trong vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp năm 2022. (Nguồn: AFP) |
Vấn đề Nga trong cuộc bầu cử
Đáng chú ý, trong khi những lập luận ủng hộ Điện Kremlin của ông Zemmour đã làm ứng cử viên này thất thế thì bà Le Pen, bất chấp lập trường thân Nga của mình, vẫn vững vàng. Việc nhanh chóng chỉ trích “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã khiến chính trị gia này không chịu nhiều nhiều tác động trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong khi đó, ông Emmanuel Macron đã tạo được ấn tượng tốt khi liên tục điện đàm và thực hiện ngoại giao con thoi với Moscow khi bùng phát. Các cuộc thăm dò cho thấy, cử tri quan tâm đến các vấn đề đối ngoại có xu hướng bỏ phiếu cho ông Macron.
Nỗ lực phút chót
Cuối cùng, trong hai tuần tới, ông Emmanuel Macron được cho là sẽ vận động tích cực hơn, với kế hoạch đến thăm miền Bắc và miền Đông nước Pháp và gặp mặt cử tri ở Marseille trong tuần tới, còn bà Le Pen sẽ gặp gỡ cử tri ở Avignon ngày 14/4.
Cả hai ứng cử viên sẽ xuất hiện trên một số chương trình tin tức trên truyền hình vào buổi tối trước sự kiện quan trọng của chiến dịch tranh cử. Cuộc tranh biện truyền thống giữa các ứng viên sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ tối ngày 20/04.
“Ngày im lặng” bắt đầu vào nửa đêm ngày 22/4, kể từ đó giới truyền thông sẽ bị cấm trích dẫn các ứng cử viên hoặc công bố các cuộc thăm dò ý kiến cho đến khi bầu cử mở cửa 8 giờ sáng ngày 24/4. Các dự đoán sớm về kết quả sẽ được đưa ra khi các cuộc thăm dò kết thúc lúc 8 giờ tối theo giờ địa phương.