Mỹ cắt giảm 'quái thú trên không' F-35: Sai lầm lớn đi kèm giá đắt?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:21, 13/04/2022

Theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ cắt giảm 35% ngân sách mua máy bay F-35 vào năm 2023 so với kế hoạch trước đó. Động thái này đang gây nhiều lo ngại về an ninh quốc phòng.
Mỹ cắt giảm 'quái thú trên không' F-35: Sai lầm lớn đi kèm giá đắt?
Theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mỗi năm Mỹ chỉ đặt hàng 33 máy bay F-35. (Nguồn: 19fortyfive)

Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định trên không thể sai thời điểm hơn vì việc này có thể cản trở nỗ lực hiện đại hóa sức mạnh không quân của quân đội Mỹ.

Theo đề xuất, mỗi năm Mỹ chỉ đặt hàng 33 máy bay F-35. Với mức mua này, sẽ mất 53 năm để Mỹ đạt được mục tiêu 1.763 chiếc F-35 đã đề ra nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng.

Chuyên gia Loren Thompson* đã đưa ra 5 lý do cho thấy thời điểm hiện tại không thích hợp để cắt giảm chi tiêu đối với chương trình quân sự hiện đại bậc nhất thế giới này.

Thời điểm 'nước sôi lửa bỏng'

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện đang lo lắng hướng mắt sang phía Đông do xung đột Nga-Ukraine.

Nếu không có sự hỗ trợ của máy bay chiến thuật, phương Tây sẽ hoàn toàn thất thế trước Nga. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều nhà quan sát ủng hộ việc thành lập một vùng cấm bay để cản trở hoạt động của quân đội Nga.

Trong bối cảnh đó, quyết định cắt giảm sản xuất loại máy bay chiến đấu được mệnh danh “kẻ thay đổi cuộc chơi” là một quyết định sai thời điểm.

Lực lượng không quân Mỹ chưa bắt đầu quá trình triển khai F-35 tới châu Âu, và "người anh cả" của NATO đang rất cần sự hiện diện của những chiến đấu cơ này trên bầu trời các quốc gia thành viên để đối trọng với ưu thế quân sự của Nga.

Vì vậy, việc cắt giảm siêu tiêm kích F-35 trong trường hợp này sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm tới Nga và cả NATO.

Bỏ lỡ đơn đặt hàng hai từ đồng minh chủ chốt

Đã có rất nhiều cuộc đàm phán được tổ chức nhằm tìm kiếm sự thống nhất giữa các đồng minh NATO từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Và quyết định đặt mua máy bay chiến đấu của các thành viên chủ chốt là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy các đồng minh của tổ chức này thực sự nhất quán trong việc theo đuổi an ninh tập thể.

Riêng trong tháng 3, cả Canada và Đức đều tiết lộ rằng họ sẽ nhập thêm F-35 để hiện đại hóa năng lực quân sự của NATO.

Mặc dù vậy, vào đúng ngày Canada thông báo dự kiến ​​mua 88 siêu tiêm kích tàng hình F-35, Lầu Năm Góc đã đưa ra kế hoạch cắt giảm trên diện rộng các đơn đặt hàng đối với thiết bị quân sự này, bắt đầu từ ngày 1/10. Đây dường như lại trở thành một biểu hiện của sự thiếu đoàn kết đến từ các đồng minh khối NATO.

Ngân sách không ổn định dẫn đến mất hiệu quả sản xuất

Vào tháng 9/2021, Văn phòng chương trình hỗn hợp F-35 và nhà thầu chính Lockheed Martin đã đồng ý tái khởi động cam kết cung cấp 156 chiến đấu cơ mỗi năm cho quân đội Mỹ “trong tương lai gần”, bắt đầu từ 2023.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, chính quyền Mỹ đã đề những chính sách khiến con số này khó có thể thành hiện thực.

Các chuyên gia hàng không-vũ trụ từ lâu đã nhận thức được rằng, việc mua các hệ thống quân sự với số lượng ổn định sẽ ít tốn kém và dễ quản lý. Kế hoạch thắt chặt chi tiêu quốc phòng mới của Tổng thống Biden dường như đã chệch hướng nguyên tắc này.

Quá trình chính sách trên có hiệu lực sẽ chứng minh một điều rằng ngân sách không ổn định có thể dẫn đến mất hiệu quả trong sản xuất.

Mỹ cắt giảm 'quái thú trên không' F-35: Sai lầm lớn đi kèm giá đắt?
Chính quyền Tổng thống Biden công bố đề xuất cắt giảm chi tiêu quốc phòng khi chỉ còn 7 tháng nữa là diễn ra bầu cử giữa kỳ. (Nguồn: White House)

Ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Tổng thống

Đề xuất cắt giảm chi tiêu quốc phòng của chính quyền Tổng thống Biden chính là nét tương đồng trong chính sách so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Kế hoạch năm 2023 là cơ hội đầu tiên để Tổng thống Biden thể hiện tầm nhìn quân sự của mình. Vì vậy, việc cắt giảm chương trình không quân hàng đầu của Lầu Năm Góc khiến tổng thống có vẻ chưa thực sự "mạnh tay" trong chi tiêu quân sự.

Dù Nhà Trắng có thích hay không, F-35 vẫn là chương trình đầu tư nổi bật nhất, thể hiện sự ưu việt trên bầu trời của Mỹ và đồng minh từ giữa thế kỷ.

Đề xuất cắt giảm một lượng lớn siêu tiêm kích này khi lần đầu tiên nắm trong tay ngân sách quốc phòng sẽ là một quyết định không thực sự sáng suốt ngay cả khi chiến sự không nổ ra ở châu Âu.

Bầu cử giữa kỳ sắp đến

Chỉ còn 7 tháng nữa là diễn ra bầu cử giữa kỳ, trong đó chính quyền đương nhiệm đang cần mọi sự trợ giúp có thể. Ngân sách liên bang có thể đóng vai trò là một “tài liệu tham khảo” để Nhà Trắng và Quốc hội vạch ra kế hoạch nâng cao vị thế bầu cử.

Vì vậy, có hợp lý khi chính quyền ông Biden chọn thời điểm trước cuộc bầu cử giữa kỳ để cắt giảm chi tiêu một chương trình sử dụng gần 300.000 công nhân tại hơn 1.600 nhà cung cấp ở 47 bang?

Các khoản cắt giảm ngầm gửi đi thông điệp rằng các cố vấn của Tổng thống Biden không nắm bắt được khả năng gây bất ổn trong hệ thống chính trị, cũng như không ý thức được quyết định này sẽ lấy đi hàng nghìn việc làm trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Điều này cũng có nghĩa, chính quyền Tổng thống Biden có thể đã trao cho các thành viên đảng Cộng hòa đối lập một cơ hội để thể hiện sự mạnh mẽ trong chi tiêu quốc phòng.

Ở thời điểm hiện tại, khi an ninh toàn cầu là một điểm nhấn trong các chiến dịch tranh cử, những người ủng hộ đảng Cộng hòa trong Quốc hội chắc chắn sẽ dẫn đầu việc khôi phục kinh phí sản xuất cho máy bay chiến đấu tàng hình vốn được mệnh danh là "quái thú trên không" F-35.


* Loren B. Thompson là Giám đốc điều hành của Viện Lexington kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn Source Associates. Trước khi giữ các chức vụ hiện tại, ông là Phó Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh, giảng viên các khóa học cấp cao về chiến lược, công nghệ và các vấn đề truyền thông tại Đại học Georgetown, giảng viên tại Trường chính phủ Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ.

Nam Anh