Quảng cáo là thần dược giảm cân nhưng lại chứa chất cấm có thể gây tử vong
Tin Y tế - Ngày đăng : 19:34, 12/04/2022
Suýt chết vì giảm cân
Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã điều trị cho một bệnh nhân nữ vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.
Qua lời giới thiệu của bạn, người phụ nữ 37 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội đã mua 1 hộp cafe giảm cân (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói. Sản phẩm này được quảng cáo giảm cân rất hiệu quả, có vị ngọt thơm như cà phê sữa, uống 1 tuần có thể giảm được 4 kg.
Thế nhưng, khi uống đến ngày thứ 3, bệnh nhân thấy mệt, cảm giác khó thở, sang ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát, háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh, rồi rơi vào trạng thái bất tỉnh, toàn thân co giật, sùi bọt mép, tiểu tiện không tự chủ. Kết quả chụp cắt lớp tại bệnh viện cho thấy não bệnh nhân bắt đầu bị tổn thương.
Nhờ được chuyển đến bệnh viện kịp thời, bệnh nhân được cứu sống sau 10 ngày điều trị.
Điều đáng chú ý, gói cà phê giảm cân còn lại của bệnh nhân đã được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm và kết quả cho thấy có chứa sibutramine- một loại chất cấm.
Ngay sau đó, Công an TP.Hà Nội đã vào cuộc xác minh vụ việc. Cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 1.950 hộp Cafe Hoàng Gia hỗ trợ giảm cân nghi có thành phần chất cấm sibutramine. Toàn bộ số hàng được cất giấu dưới hầm ngầm sâu trong lòng đất, được ngụy trang rất tinh vi bằng các pallet nhựa và bao bì hàng hóa các loại.
Chất cấm được quảng cáo như "thần dược"
Theo các bác sĩ, hiện nay giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều chị em đã tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như "thần dược", tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Các thực phẩm chức năng, các đồ uống quảng cáo với tác dụng hỗ trợ giảm cân hiện nay thì hiệu quả thường không rõ ràng, về tác dụng và độ an toàn không thể kiểm chứng. Tuy nhiên các thực phẩm chức năng lại được quảng cáo, đồn thổi và được bán với giá rất cao. "Thật đáng lo ngại hơn nếu các sản phẩm đó lại chứa chất cấm"- bác sĩ nói.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, chất sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến cố về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim cho nên cả Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ và cơ quan dược phẩm Châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010.
Phân tích cụ thể hơn về loại chất cấm này, dược sĩ Hà Văn Hòa (ĐH Dược Hà Nội) cho hay sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn. Hầu hết các loại thuốc cùng nhóm này có tác dụng trên các trung tâm nhận thức về đói và no. Lúc đầu, sibutramine được sử dụng như thuốc chống trầm cảm. Hiệu quả của sibutramine là làm giảm trung bình 5% trọng lượng cơ thể.
Theo dược sĩ Hòa, sibutramine bị cấm bởi có quá nhiều tác dụng phụ. Theo đó, người sử dụng có thể bị khô miệng, chán ăn, mất ngủ, táo bón, nhức đầu, đau lưng, hội chứng cúm, suy nhược; đau bụng, đau nửa đầu, đánh trống ngực, buồn nôn, khó tiêu, viêm dạ dày, nôn ói, rối loạn trực tràng, khát, phù nề toàn thân, đau khớp, đau cơ; lo lắng, trầm cảm, dị cảm, buồn ngủ, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, nhiễm Herpes simplex, mụn trứng cá, rối loạn vị giác, đau và rối loạn ở tai, rối loạn kinh nguyệt, nhiễm trùng tiểu, viêm màng não mủ, đau bụng kinh. Ngoài ra, thuốc còn có khả năng gây tử vong như các biến cố tim mạch và mạch máu não nghiêm trọng.
Sibutramine từng được bán tại Pháp từ năm 2001 và được giới vận động viên sử dụng vì họ có thể kiểm soát cân nặng và tạo ra sự hưng phấn, dẻo dai trong quá trình thi đấu. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc đã được biết đến ngay sau đó do có 2 ca tử vong tại Ý. Thuốc đã bị cấm bán tại Ý năm 2002 và cấm bán tại Pháp năm 2007. Còn tại châu Á, sibutramine được bán với các tên khác.
Tại Việt Nam, thuốc bắt đầu bán từ giữa năm 2010. Tuy nhiên, sau đó thuốc sibutramine cũng bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược và thực phẩm chức năng
Các chuyên gia khuyến cáo, cách giảm cân đúng đắn nhất là đầu tiên người dân chúng ta phải được khám, đánh giá và tư vấn của chuyên môn y tế, điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện phù hợp. Khi cần dùng thuốc giảm cân thì phải có bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, hoặc bác sĩ nội khoa khám và kê đơn chính thức, theo dõi sử dụng an toàn.