Học sinh đến trường, hàng vạn người tập trung ở điểm du lịch, sao vẫn “5K”?
Tin Y tế - Ngày đăng : 06:58, 12/04/2022
Với việc cho phép toàn bộ học sinh đến trường, Việt Nam mở cửa du lịch và lễ hội đón khách, các dịch vụ như karaoke, massage, vũ trường… hoạt động trở lại, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện quy định 5K. Những tiêu chí chống dịch bất khả thi như "không tụ tập", "giữ khoảng cách", "khai báo y tế" không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Toàn bộ học sinh được đến trường, dịch vụ “nguy cơ” được mở
Từ ngày hôm nay (12.4), tất cả học sinh ở TPHCM sẽ đến trường học trực tiếp. Thành phố yêu cầu chú trọng công tác tổ chức bữa ăn bán trú giúp phụ huynh học sinh an tâm khi cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến trường.
Còn tại Hà Nội, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn đang có những chuyển biến tích cực, số ca F0 trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Do vậy, Hà Nội cho toàn bộ trẻ mầm non đến trường từ 13.4. Như vậy tính đến tuần này, 100% học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố đều được học trực tiếp.
Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều hoạt động từng bị đánh giá là "có nguy cơ" lây lan dịch COVID-19 như như karaoke, spa, massage, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim, sân vận động… đã được phép hoạt động trở lại.
Cụ thể, UBND TPHCM đã cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ ngày 10.1.
Còn tại Hà Nội, sau gần 1 năm đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19, ngày 18.3) phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm chính thức mở cửa trở lại để phục vụ người dân và khách du lịch. Từ ngày 8.4 thành phố đã cho karaoke, spa, massage… hoạt động trở lại, trước đó các hoạt động, dịch vụ khác cũng đã được mở cửa bình thường.
Không những vậy, từ ngày 15.3 vừa qua, Việt Nam mở cửa lại du lịch đón khách quốc tế, theo đó, hàng loạt các dịch vụ khác cũng được hoạt động trở lại. Ngoài ra, các lễ hội lớn trên cả nước cũng được mở cửa và ghi nhận lượng khách lớn dịp lễ.
Chống dịch "bình thường mới", chỉ 2K là đủ
Trong bối cảnh chống dịch "cởi mở" như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi trong việc thực hiện quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8.2021.
Về thực hiện thông điệp 5K hiện nay, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM nhận định, 5K không còn thực sự phù hợp trong bối cảnh F0 tại các địa phương giảm sâu như hiện nay và chúng ta cũng không theo đuổi mục tiêu "Zero COVID-19" mà chuyển sang thích ứng an toàn với dịch. Điều quan trọng là chúng ta cần kiểm soát tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong.
Theo BS Khanh, quy định 5K nên sửa xuống còn 2K. Chúng ta giữ lại "Khẩu trang" và "Khử khuẩn". 3K còn lại gồm "Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" chỉ nên khuyến khích người dân thực hiện thay vì bắt buộc. Bởi khi học sinh đi học, người đi làm, các hoạt động trở lại bình thường thì việc giữ khoảng cách, không tập trung là điều khó xảy ra.
Cũng theo chuyên gia y tế, người dân nhiều nước trên thế giới thậm chí đã bỏ cả khẩu trang đi đến các trung tâm thương mại, du lịch, khi đi xem đá bóng... Vì vậy, tùy theo hoàn cảnh nào mà thực hiện K nào. Trong đó cần thấy nguyên tắc nào là ưu tiên và phải linh hoạt trong từng hoạt động có tính chất đặc thù của mỗi ngành, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi công ty, xí nghiệp, nhà máy.
"Trong các nhà hàng, quán ăn, cơ quan, doanh nghiệp hay nhà trường việc yêu cầu giữ khoảng cách gần như là "bất khả thi". Bên cạnh đó, khi chúng ta không còn áp dụng những biện pháp truy vết, cách ly như trước đây, việc khai báo y tế cũng không còn cần thiết", ông Khanh nhận định.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: “Về các biện pháp phòng dịch hiện nay, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng vệ cá nhân, trong đó: Khẩu trang, sát khuẩn là quan trọng nhất.
Việc khai báo y tế là việc của giai đoạn trước, hiện chúng ta có thể bỏ qua. Bởi ngay cả trong thời kỳ cao điểm của dịch vừa qua, chúng ta cũng không tập trung vào việc truy vết nữa, nên việc khai báo là không cần thiết, và không còn nhiều ý nghĩa”.
Về việc hạn chế tụ tập, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, cũng cần cân đối giữa việc phát sinh ca bệnh, việc lây nhiễm với phát triển kinh tế xã hội. Về cơ bản, việc quy định hạn chế tụ tập đông người không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay vì sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, kinh doanh, đi lại, khôi phục kinh tế…
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết đến nay, mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn TPHCM đã trở lại giai đoạn bình thường. Tất cả các nhà máy xí nghiệp người lao động đã tập trung làm việc, ăn uống, sinh hoạt chung; học sinh các cấp học cơ bản đã được học tập bình thường, người dân đang nỗ lực để tái sản xuất phục hồi kinh tế, bù đắp cho giai đoạn suy thoái do dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, hiện nay quy định 5K chưa được thay đổi đang trở thành rào cản đối với các hoạt động xã hội. Ông Thượng cho biết, hiện địa phương đang chờ Bộ Y tế điều chỉnh quy định 5K.
Ông cũng cho rằng, việc giữ khoảng cách 2m theo quy định 5K hay không tụ tập đã không còn phù hợp hoặc việc khai báo y tế có thể điều chỉnh thu hẹp, tập trung những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao. “Trong 5K đã thực hiện thì sắp tới có thể sẽ được điều chỉnh còn 2K. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 6.4, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu rõ, trong bối cảnh mới, một số quy định phòng, chống dịch đã không còn phù hợp thực tiễn. Vì vậy, Sở đã báo cáo UBND kiến nghị Bộ Y tế để sửa đổi một số quy định và hiện đang đợi văn bản chính thức của Bộ Y tế.