Vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp: Đối thủ của ông Macron bứt phá ấn tượng

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:22, 11/04/2022

Việc ông Macron và bà Le Pen bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống năm nay đã tái hiện lại kịch bản cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cách đây 5 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ đối với bà Le Pen trong chặng nước rút bất ngờ tăng lên nhanh chóng.
Vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp: Đối thủ của ông Macron bứt phá ấn tượng - 1

Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu, bà Marine Le Pen (Ảnh: Reuters).

Dư luận quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào nước Pháp khi vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa kết thúc vào tối muộn hôm qua (tức rạng sáng 11/4 theo giờ Việt Nam).

Đúng như dự báo của giới phân tích, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu, bà Marine Le Pen - đối thủ của ông Macron đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất với tỷ lệ 28,4% cho ông Macron và 23,4% cho bà Marine Le Pen. Điều đáng chú ý là, dù Tổng thống đương nhiệm Macron đang dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay, nhưng ứng cử viên của phe cực hữu, bà Le Pen cũng đã giành số phiếu rất cao.

Kết quả đúng như dự đoán

Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp về cơ bản đã diễn ra đúng như những gì mà các cuộc thăm dò dư luận cũng như các phân tích của hầu hết giới quan sát tại Pháp và châu Âu đưa ra trước bầu cử. Nếu có thể nói về bất ngờ, thì đó chính là kết quả rất thấp của 2 ứng cử viên đến từ 2 chính đảng truyền thống lớn nhất nước Pháp, đó là bà Valérie Pécresse của đảng cánh hữu "Những người Cộng hòa" (LR), với chỉ 4,8% số phiếu và bà Anne Hidalgo của đảng "Xã hội" (PS) với 1,7%.

Đây là những kết quả kém nhất trong lịch sử của 2 ứng cử viên đến từ 2 chính đảng lớn nhất của nước Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Điều này khẳng định lại xu hướng đã manh nha từ kỳ bầu cử trước, đó là với sự xuất hiện của những nhân tố mới như ông Emmanuel Macron hay sự thăng tiến của các chính trị gia cực hữu, thiên tả như bà Marine Le Pen, ông Jean-Luc Mélenchon hay mới nhất là ông Eric Zemmour, các chính đảng truyền thống tại Pháp đang đứng trước nguy cơ tan rã và biến mất trên chính trường Pháp. Điều này đặc biệt đúng với đảng Xã hội, dù chỉ cách đây hơn 5 năm, đảng Xã hội vẫn đang nắm quyền với Tổng thống Francois Hollande và chiếm đa số tại Quốc hội Pháp.

Trở lại với cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen tại vòng 1. Cả hai đều đã giành các kết quả cao hơn vòng 1 cuộc bầu cử năm 2017, từ 2 - 3 điểm. Điều này cho thấy, bất chấp các nỗ lực ngăn cản từ các đảng phái và các đối thủ chính trị trong 5 năm qua, ông Macron và bà Marine Le Pen vẫn là 2 gương mặt áp đảo trên chính trường Pháp. Kết quả này đặc biệt ấn tượng đối với bà Marine Le Pen bởi sau cuộc bầu cử thất bại năm 2017, với màn tranh luận trên truyền hình bị coi là thảm họa trước ông Macron, uy tín của bà Marine Le Pen đã có một thời gian sa sút tương đối dài.

Đặc biệt, việc xuất hiện một nhân vật cực hữu khác là ông Eric Zemmour trong gần 1 năm qua khiến vị thế của bà Marine Le Pen trong nhóm cử tri cực hữu bị đe dọa. Đầu năm 2022, trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Eric Zemmour từng vượt lên trên bà Le Pen, nhiều nhân vật thân cận với bà Marine Le Pen thậm chí còn rời bỏ bà và gia nhập đội ngũ của ông Eric Zemmour. Đến tận ngày 15/03/2022, thăm dò dư luận cho thấy bà Marine Le Pen có thể chỉ giành được 14,5% phiếu bầu ở vòng 1, chưa bằng 1/2 số phiếu của ông Macron khi đó (30,5%). Vì thế, sự bứt tốc mạnh mẽ của bà Marine Le Pen trong vòng 1 tháng qua là rất ấn tượng. Không chỉ loại bỏ được trở ngại từ ông Eric Zemmour, bà Marine Le Pen cũng đã giành số phiếu nhiều hơn dự đoán để ngăn không cho ông Jean-Luc Mélenchon vượt qua, dù ông Jean-Luc Mélenchon cũng đã giành số phiếu cao chưa từng có là 22,2%, tức nhiều hơn cả năm 2017 (được 19,5%) và cao hơn đến 5 điểm so với các cuộc thăm dò trước bầu cử.

Nếu có điều gì đó tiếc nuối cho những người ủng hộ bà Marine Le Pen thì đó là việc khoảng cách giữa bà Marine Le Pen và Tổng thống Emmanuel Macron vẫn là gần 5 điểm, tức cao hơn dự đoán trước bầu cử. Chi tiết này cho thấy động lực thăng tiến của bà Marine Le Pen dù rất mạnh mẽ nhưng đối thủ của bà, ông Macron, cũng vẫn có được một nền tảng cử tri ủng hộ rất chắc chắn.

Đối thủ của Tổng thống Macron bứt phá ấn tượng

Kết quả vòng 1 là một thắng lợi của bà Marine Le Pen, với số phiếu giành được cao hơn cả năm 2017 (khi đó bà Marine Le Pen giành được 21,3%) bất chấp các thách thức từ các ông Eric Zemmour và Jean-Luc Mélenchon. Đây là thành quả của sự bứt phá mạnh mẽ của bà Le Pen trong 1 tháng cuối trước bầu cử.

Vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp: Đối thủ của ông Macron bứt phá ấn tượng - 2

Kết quả vòng 1 là thắng lợi của bà Marine Le Pen.

Trong sự bứt phá này, việc thay đổi tâm lý của cử tri đóng vai trò rất quan trọng. Càng đến sát ngày bầu cử, các vấn đề về dân sinh như sức mua, hưu trí, y tế… càng được cử tri Pháp quan tâm nhiều hơn, lấn át các chủ đề vốn là thế mạnh của Tổng thống Emmanuel Macron là quốc phòng - đối ngoại, cụ thể là lo ngại về cuộc chiến tại Ukraine.

Trong số các ứng cử viên, bà Marine Le Pen là người đưa ra các hứa hẹn mạnh mẽ nhất về việc cải thiện đời sống cho người dân, như việc giảm thuế VAT từ mức 20% hiện nay xuống chỉ còn 5%, tăng lương tối thiểu… Do đó, bà Marine Le Pen lôi kéo được sự ủng hộ lớn hơn so với ông Macron, đặc biệt khi ông Macron bị chỉ trích là tốn quá nhiều thời gian cho vấn đề Ukraine mà xem nhẹ, thậm chí là coi thường việc vận động tranh cử.

Tuy nhiên, về sâu xa, sự thăng tiến của bà Marine Le Pen là thành quả của nhiều năm thực thi chiến lược cải thiện hình ảnh của cá nhân bà cũng như đảng cực hữu nhằm xóa bỏ định kiến được tạo dựng từ khi cha bà là ông Jean-Marie Le Pen làm lãnh đạo. Việc đổi tên đảng cực hữu từ "Mặt trận quốc gia" thành "Tập hợp quốc gia" cách đây 4 năm là một bước ngoặt cho thấy bà Marine Le Pen đã từ bỏ chính sách vận động cử tri dựa trên sự bất mãn và chia rẽ mà thay vào đó bằng việc xây dựng hình ảnh như một chính trị gia biết tập hợp lực lượng từ mọi xu hướng chính trị khác nhau.

Chiến lược này của bà Marine Le Pen được củng cố sau sự kiện Áo vàng cuối năm 2018, cuộc bạo động xã hội lớn nhất tại Pháp trong nhiều thập kỷ làm suy yếu vị thế của Tổng thống Macron và gắn ông Macron với hình ảnh một chính trị gia chia rẽ nước Pháp, giữa một bên là tầng lớp "Áo vàng" là các lao động nghèo, những người sống khó khăn ở các vùng nông thôn, với một bên là các thành phần cư dân có điều kiện tài chính tại các thành phố lớn.

Từ chỗ là một chính trị gia gắn liền với các phát ngôn cực đoan, gây tranh cãi, bị xem là bài ngoại, phân biệt chủng tộc, đặc biệt thù địch với Hồi giáo và người nhập cư, bà Marine Le Pen đã "mềm hóa" hình ảnh rất nhiều trong vài năm qua. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, bà Marine Le Pen đã tập trung tiếp xúc với rất nhiều thành phần cử tri là lao động phổ thông, người dân nghèo ở các làng quê, chụp ảnh cùng các phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt, dù vài năm trước bà Le Pen là người chống đối quyết liệt việc phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt và khăn trùm đầu ở nơi công cộng tại Pháp.

Các nỗ lực này đã đem lại kết quả. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Eric Zemmour bị xem là nhân vật cực hữu "nguy hiểm" hơn bà Marine Le Pen. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng Elabe thực hiện cuối tháng 03/2022 cho thấy, bà Marine Le Pen là chính trị gia được ưa thích thứ 2 của dân Pháp, với tỷ lệ ủng hộ là 35%, chỉ sau cựu Thủ tướng Édouard Philippe. Số người tin rằng bà Marine Le Pen có tư cách Tổng thống cũng đã lên trên 50%. Có thể nói, sau nhiều năm mềm hóa hình ảnh, bà Marine Le Pen đang dần được cử tri Pháp chấp nhận.

Dự báo kịch bản vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp

Vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay sẽ chứng kiến màn tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen, dự kiến gay cấn hơn cuộc đua 5 năm trước. Tỷ lệ phiếu bầu sít sao trong vòng 1 vừa được công bố cho thấy ông Macron không thể chủ quan trước bà Le Pen như thời gian trước đây.

Tờ DW của Đức phiên bản tiếng Pháp cho rằng xu hướng cực hữu tại Pháp đang ở thời điểm cực thịnh và cơ hội của bà Le Pen đang lớn hơn bao giờ hết nếu nhận được sự ủng hộ từ cử tri của ông Eric Zemmour, một ứng cử viên cực hữu khác tại vòng 2.

Năm 2017, khi ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đọ sức với nhau tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Macron khi đó vẫn là một gương mặt tương đối mới lạ với các cử tri Pháp. Nhiều người khi đó coi ông Macron là một hiện tượng thú vị, đồng thời chấp nhận bỏ phiếu cho ông Macron chỉ vì muốn ngăn cản bà Marine Le Pen chiến thắng, chứ không thực sự ủng hộ ông Macron. Điều này đặc biệt phổ biến với các cử tri cánh hữu Pháp, sau khi ứng cử viên của cánh hữu khi đó là ông Francois Fillon thất bại đáng tiếc trong giai đoạn cuối vì dính vào các scandal cá nhân dù ông Fillon trong một thời gian dài được coi là ứng cử viên số 1 cho chức Tổng thống Pháp. Có thể nói, năm 2017 ông Macron được hưởng lợi nhiều từ các lá phiếu chống bà Marine Le Pen hơn là các lá phiếu ủng hộ ông.

Đây vẫn sẽ tiếp tục là một nguồn phiếu bầu quan trọng cho ông Macron tại cuộc bầu cử vòng 2 ngày 24/04. Ngay trong tối 10/04, hàng loạt các ứng cử viên như bà Valérie Pécresse, ông Jean-Luc Mélenchon, Yannick Jadot, Fabien Roussel đã lên tiếng kêu gọi cử tri ủng hộ mình bỏ phiếu ngăn chặn bà Marine Le Pen chiến thắng. Tuy nhiên, nguồn phiếu này có thể không còn lớn như năm 2017, đặc biệt tại cánh hữu.

Việc bà Valérie Pécresse, ứng cử viên của đảng cánh hữu "Những người Cộng hòa" chỉ giành được 4,8% phiếu bầu vòng 1 cho thấy, sức ảnh hưởng của các cử tri cánh hữu đã sa sút rất nhiều, khác hẳn năm 2017 khi ông Francois Fillon giành được tới trên 20% phiếu bầu. Đa số cử tri cánh hữu đã bị phân hóa mạnh trong vài năm qua và đã chuyển sang ủng hộ ông Eric Zemmour hay bà Marine Le Pen. Tiếp đến, các cử tri cánh tả của ông Jean-Luc Mélenchon cũng không chắc sẽ tự động ủng hộ ông Macron. Khác với năm 2017, hiện nay ông Macron đã có 5 năm nắm quyền, với một bảng thành tích gây nhiều tranh cãi và bị các đối thủ chính trị chỉ trích rất mạnh. Do đó, lá phiếu từ những ứng cử viên thất bại vòng 1 không tự động chuyển sang cho ông Macron. Nhiều cử tri có thể sẽ đơn giản là lựa chọn không đi bầu hoặc bỏ phiếu trắng.

Do đó, dù ông Macron vẫn đang có lợi thế hơn bà Marine Le Pen nhưng lợi thế này thực sự mong manh và bà Marine Le Pen hoàn toàn có cơ hội chiến thắng. Điểm mấu chốt với ông Macron giờ đây là phải tận dụng toàn bộ thời gian 2 tuần tranh cử tới để sửa chữa các sai lầm trong hơn 1 tháng qua. Thái độ có phần chủ quan, kiêu ngạo của ông Macron khi tuyên bố ra tái tranh cử rất muộn, chỉ 38 ngày trước bầu cử vòng 1, tiến hành các chiến dịch tranh cử ít ỏi và hời hợt, từ chối tranh luận với các đối thủ, không công bố chương trình tranh cử mới… khiến ông Macron mất điểm rất nhiều. Các lo ngại về dân sinh, đặc biệt là sức mua khi giá cả leo thang, độ tuổi về hưu bị kéo dài đến 65 tuổi, đã lấn át hình ảnh nổi bật của ông Macron về đối ngoại.

Rất nhiều chuyên gia chính trị Pháp nhận định, nếu không ngay lập tức đưa ra các cải thiện mạnh mẽ về an sinh xã hội trong những ngày tới nhằm xoa dịu tầng lớp cử tri bình dân, ông Macron có thể sẽ phải trả giá đắt trước bà Marine Le Pen.

Có lẽ ông Macron cũng đã ý thức được nguy cơ này. Ngay trong tối 10/4, ông Macron cũng đã có những phát biểu hết sức thận trọng dù giành số phiếu cao tại vòng 1, khi cho rằng 2 tuần tới sẽ là thời điểm có ý nghĩa quyết định đối với tương lai nước Pháp và châu Âu.