Đãi ngộ mới cho nhân viên y tế TPHCM: Người vui, kẻ buồn
Tin Y tế - Ngày đăng : 09:55, 11/04/2022
Bà Lê Thị Hồng Canh, 62 tuổi, vốn là kỹ thuật viên nội soi khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115. Bà về hưu năm 2015 và tham gia công tác dân phố tại phường 12, quận 10.
Dịch Covid-19 bùng phát, bà xung phong vào đội hình y tế lấy mẫu, tiêm vắc xin, chăm sóc F0 tại nhà. Dịch hạ nhiệt, bà vẫn không rời bỏ vị trí, xách túi đồ nghề đi làm nhiệm vụ với đồng nghiệp trẻ tuổi.
"Hồi đầu dịch, chúng tôi tham gia vì nghĩ mình có chuyên môn, trạm y tế lại đang thiếu người. Mấy hôm nay thấy thành phố nói sẽ có đãi ngộ, tôi nghe cũng vui. Nhưng thực lòng, tôi mong nhân viên trạm y tế được quan tâm hơn, các em mới thật sự vất vả".
Bà Canh cho biết, bà đã làm việc ở bệnh viện hạng nhất của TP và nay là ở trạm y tế phường. Vì thế, bà hiểu rõ sự vất vả của đồng nghiệp trẻ ở tuyến cơ sở, khi họ vẫn phải thuê trọ, chi tiêu, tích cóp với thu nhập 5-6 triệu/tháng giữa đô thị lớn nhất nước.
"Thật lòng chia sẻ thì ở trạm, anh em vẫn ăn cơm nấu từ gạo ủy ban phường cho. Tôi còn có lương hưu, có nhà, có đãi ngộ. Ở trạm này, các em không có gì đâu, thương lắm. Độc thân còn đỡ, nếu lập gia đình thì không biết họ xoay sở ra sao với thu nhập này", bà Canh ngậm ngùi.
Ngày 7/4 vừa qua, TP.HCM lần đầu tiên thông qua chính sách đặc thù giúp củng cố nâng cao năng lực trạm y tế trên địa bàn. Sở Y tế TP đánh giá, đây là tín hiệu tích cực cho thấy y tế cơ sở sẽ khởi sắc khi thu hút và giữ chân được nhân viên y tế.
Về mức hỗ trợ cụ thể, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế nhận 60 triệu đồng trong 18 tháng, điều dưỡng và hộ sinh nhận 30 triệu đồng trong 9 tháng.
Nhân viên y tế về hưu có chuyên môn bác sĩ tham gia các trạm y tế hưởng lương 9 triệu đồng/tháng, người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, TP cũng sẽ hỗ trợ nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế 5,5 triệu đồng/tháng.
TP.HCM dự trù mỗi năm chi khoảng 138 tỷ để thực hiện các chính sách trên, thí điểm đến hết năm 2025.
Tuy nhiên, một số nhân viên trạm y tế tâm tư khi cho rằng, các chính sách mới dường như… bỏ quên những người đã gắn bó và đang cống hiến ở 310 trạm y tế phường, xã toàn TP.
Họ cho rằng, bác sĩ trẻ được quan tâm là đúng vì sự năng động, sáng tạo, đặc biệt nhanh nhạy về công nghệ thông tin. "Thế nhưng người đã làm việc 5-7 năm với trạm, lăn xả trong đại dịch mà chế độ vẫn không khác gì trước đây thì khó tránh được tủi thân", một bác sĩ nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, những chính sách y tế nhằm nâng chất, tạo nguồn lực cho y tế cơ sở của TP vừa qua là tích cực nhưng chưa bền vững
Ông phân tích, cán bộ y tế khi về hưu không thể gắn bó lâu dài với công việc do tuổi tác, sức khỏe. Bác sĩ trẻ vừa ra trường được đãi ngộ với kinh phí lớn nhưng chưa hẳn sẽ ở lại trạm sau khi hoàn thành việc lấy chứng chỉ hành nghề.
"Như vậy, gắn bó nhất với trạm y tế chính là những nhân viên y tế đang cống hiến. Muốn bền vững chúng ta cũng phải quan tâm đến những người đang làm hoặc cam kết gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở", ông nói.
Cũng theo PGS Đỗ Văn Dũng, trạm y tế cần được nâng cao vị thế trong mắt người dân cũng như trong chính ngành y tế, bằng việc được trao quyền, nâng cao tay nghề, được mở rộng danh mục kỹ thuật, tăng thuốc men về cho trạm…Từ đó, y tế cơ sở tạo được người dân tin tưởng, nhân viên có nguồn thu nhập tốt, tay nghề cũng được nâng cao.
"Hy vọng trong thời gian tới, TP sẽ có thêm chính sách đặc thù cho tất cả nhân viên y tế, đặc biệt là đối với các trạm y tế, để họ có thu nhập ổn định, an tâm chăm sóc sức khỏe người dân", đại diện một Trung tâm Y tế tại TP.HCM cho hay.
Theo Linh Giao
Vietnamnet