Hai nguyên tắc vàng để bé không ‘tổn thương’ khi có em

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:26, 10/04/2022

Nếu ai đó đùa với con bạn: ‘có em rồi ba mẹ sẽ cho con ra rìa’, hãy ngay lập tức phản đối câu đùa tai hại này. Rất nhiều trẻ nhỏ bị tổn thương bởi lời nói của người lớn để rồi ám ảnh và có tâm lý ghét bỏ em mình, nghiêm trọng hơn, có trẻ còn có hành vi xấu gây nguy hiểm cho em.

Thái độ của cha mẹ giữ vai trò quyết định đến tình cảm và hành vi của trẻ.

Khi trẻ ghét em

Khi có thêm em bé, nhiều gia đình trở nên vất vả hơn khi vừa phải chăm sóc bé mới sinh, lại phải dành thời gian để quan tâm tới bé lớn bởi bé thường xuyên khóc đòi mẹ, tranh giành mẹ với em và thậm chí có bé còn đòi đánh em. Nhiều vụ việc đau lòng cũng xảy ra chỉ vì trẻ ghét bỏ và làm tổn thương em. Cha mẹ nếu không có ứng xử khéo léo dễ khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, tưởng mình bị bỏ quên.

jealous-girl-56a147933df78cf7726921e5_780x560_11zon.jpg
Nếu cha mẹ ứng xử không khéo léo, trẻ có tâm lý ghét em vì mất vị trí 'độc tôn'. Ảnh minh họa

Đang từ vị trí được cha mẹ yêu thương nhất, trẻ thấy mình mất vị trí 'độc tôn' và muốn tìm cách gây chú ý trở lại bằng cách khóc lóc, vòi vĩnh, “cạnh tranh” với em mọi lúc mọi nơi. Có trẻ lén đánh hoặc cấu em. Nhiều trường hợp bé ghét em kéo dài đến tận lúc em lớn hơn.

Có những trẻ tính cách hướng nội, thấy cha mẹ quấn quýt bên em nhỏ, trở nên buồn bã và thu mình lại, dễ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm và tự kỷ, tới lúc cha mẹ phát hiện ra thì đã muộn. Chính vì vậy, trước và sau khi trẻ có em, chính cha mẹ chứ không phải ai khác là người gỡ những nút thắt, dẫn dắt để trẻ hiểu và yêu thương em hơn.

2 nguyên tắc vàng

Đứa trẻ nào cũng muốn cha mẹ quan tâm tới mình. Cha mẹ nào cũng muốn tình cảm anh em khắng khít. Điều này làm được không hề khó nếu cha mẹ có phương pháp và dùng tất cả trái tim ứng xử với con mình.

Dưới đây là những nguyên tắc vàng cha mẹ cần nhớ để áp dụng khi dạy con:

- Chuẩn bị tâm lý cho trẻ:

Đây là bước quan trọng các cha mẹ thường không chú ý nhiều khi mang thai lần hai. Ngay từ trước khi lên kế hoạch có thêm thành viên mới, hãy chia sẻ điều này cùng con và hỏi ý trẻ. Điều này thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng mà cha mẹ dành cho trẻ, tạo cho trẻ có cảm giác mình là người quan trọng. Trong suốt quá trình mang thai, cha mẹ hãy cùng cho trẻ tham gia chăm sóc em từ những hành động đơn giản nhất.

me-sinh-em-be_31640065191_11zon.jpg
Tập cho bé làm quen với em ngay từ trong thai kỳ. Ảnh minh họa

Trẻ được làm quen và chứng kiến quá trình lớn lên của em trong bụng mẹ sẽ dễ chấp nhận sự có mặt và có những mối dây gắn kết, yêu thương em.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ: “Phụ huynh cần chuẩn bị cho con lớn của mình từ sớm : cho cháu xem tranh ảnh có hình em bé ngộ nghĩnh, đáng yêu. Làm quen với em bé thật của những gia đình thân quen. Tập cho cháu tiếp xúc với em bằng cách cho chạm vào bụng mẹ khi thai kỳ đã lớn. Thường xuyên trò chuyện với cháu về em bé. Tạo điều kiện và hướng dẫn trẻ biết thăm hỏi em, mẹ “đóng vai” em bé để trò chuyện với anh/chị . . .

newborn-baby-and-his-older-sister-lying-on-the-bed-picture-id1132888595-1-.jpg
Cha mẹ tin cậy và cho bé tham gia vào việc chăm sóc em bé để tạo tình thân. Ảnh minh họa.

Nếu cháu còn quá nhỏ, cần sự phân công trong gia đình gần gũi với cháu nhiều hơn. Tránh để cháu ngủ, chơi hoặc phải ở một mình thường xuyên. Nên cho cháu lớn tham gia vào quá trình chuẩn bị chào đón em bằng những việc làm cụ thể : cùng đi mua sắm đồ dùng cho em, bố trí nơi sẽ đặt nôi, trang trí góc cho cháu lớn và góc của em bé. Luôn động viên, khuyến khích trẻ về vị trí làm anh/chị. Tỏ ra tin cậy và khen ngợi khi trẻ làm điều tốt cho em. Tránh những câu nói đùa dễ làm cháu mặc cảm, tủi thân”.

- Dùng trái tim yêu thương để hiểu và uốn nắn con

Trẻ dễ có tâm lý hụt hẫng, lo sợ bị ra rìa khi có em bé. Biểu hiện quấy khóc, lì lợm thậm chí đánh em chỉ là phản ứng tự nhiên. Cha mẹ không nên la mắng hay trách phạt, chỉ nên nhẹ nhàng dỗ dành và cho trẻ tiếp cận em bé một cách từ từ.

z3324572514305_24d97b5152a473755a0c3ba1b828f54d.jpg
Được chơi cùng em, được ở gần cha mẹ sẽ giúp trẻ quên đi sự ganh tỵ. Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, cha mẹ hướng dẫn cho trẻ chơi với em, ngắm em ngủ, cùng mẹ tắm em, cho bé ăn . . . Đừng nghĩ trẻ còn nhỏ không biết gì và gạt con ra ngoài lề. Hãy giao cho con những việc trong khả năng để trẻ thấy mình không bị bỏ rơi.

Khi trẻ tham gia và luôn được ở cạnh mẹ cùng em bé, lại được mẹ trò chuyện hỏi han, nhờ cậy, khen ngợi sẽ khiến trẻ thích thú, và dần quên đi sự ganh tỵ.

stocksy_txp1af57c20iff100_medium_1071873-583367a95f9b58d5b191e798.jpg
Tình thương, cách đối xử của cha mẹ có vai trò quyết định đến tình cảm và hành vi của trẻ. Ảnh minh họa

Trẻ ghét em là do cha mẹ cho con cảm giác mình bị ra rìa. Nếu dùng tình yêu và những ứng xử khéo léo đồng hành cùng con, trẻ sẽ dễ dàng vượt qua được tâm lí nhà có thêm thành viên mới. Bằng tình yêu thương vô bờ đối với con cái, mỗi bậc cha mẹ cần biết cách tổ chức, sắp xếp và chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho con để trẻ cảm nhận được mình có thêm một em bé là có thêm niềm vui.

Hà Lam