Tác dụng của cần tây đối với người cao huyết áp
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 11:52, 10/04/2022
Cần tây có tính hơi lạnh, vị ngọt đắng, giàu protein, cacbohydrat, caroten, vitamin B, canxi, photpho, sắt,… Lá và thân còn chứa apigenin, bergamot lacton và tinh dầu bay hơi... Các bộ phận rễ, thân, lá và hạt của cần tây đều có thể dùng làm thuốc.
Do cần tây rất giàu kali nên có tác dụng nhất định trong điều trị tăng huyết áp và các biến chứng, đồng thời có tác dụng điều trị bổ trợ đối với bệnh nhân xơ cứng mạch máu và suy nhược thần kinh.
Cần tây có hàm lượng canxi và phốt pho cao nên có tác dụng an thần và bảo vệ mạch máu nhất định, có tác dụng làm chắc xương, phòng chống trẻ em còi xương. Đồng thời, cần tây chứa nhiều sắt và là loại rau tốt cho bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt.
Nước ép cần tây còn có thể trung hòa axit uric và các chất chua trong cơ thể, có tác dụng phòng và điều trị bệnh gút rất tốt. Ngoài ra, lá và thân của cây cần tây có chứa chất dễ bay hơi, có mùi thơm, có tác dụng tăng cường cảm giác thèm ăn cho con người.
Lượng lớn chất xơ thô trong cần tây cũng có thể kích thích nhu động đường tiêu hóa, có tác dụng thúc đẩy đại tiện nhất định.
Nếu so sánh về chất dinh dưỡng thì hàm lượng của lá cần tây cao hơn so với thân. Hơn nữa, trong số các loại rau thì hàm lượng vitamin E và bốn khoáng chất magiê, mangan, đồng và phốt pho trong lá cần tây đứng đầu.
Các chuyên gia tim mạch nước ngoài đã chỉ ra rằng ăn rau cần tây có tác dụng hạ huyết áp rất tốt. Lấy lá và thân cần tây tươi rửa sạch rồi ăn sống, ngày 2 lần, mỗi lần 20 gam. Có thể chế biến cần tây theo sở thích. Ăn liên tục như vậy trong một tuần có thể có tác dụng đáng kể trong việc hạ huyết áp.