Điểm đặc biệt ít người biết về hai đền thờ Vua Hùng tại TPHCM

Dòng chảy - Ngày đăng : 10:22, 10/04/2022

Tại trung tâm quận 1, TPHCM có đến 2 đền thờ Vua Hùng, nhưng ít người biết được nơi đây có những điểm độc đáo và thú vị về ý nghĩa kiến trúc và các hiện vật được chọn để trưng bày.

Mỗi năm, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều hoạt động ý nghĩa liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được người dân cả nước quan tâm. Trong đó, việc dâng hương, dâng lễ là một trong những hoạt động nổi bật nhất.

Năm nay, các hoạt động văn hóa cộng đồng đã được mở cửa trở lại với nhiều chương trình lễ hội chào mừng Giỗ Tổ.

Điểm đặc biệt ít người biết về hai đền thờ Vua Hùng tại TPHCM - 1
Đền thờ Vua Hùng tại TPHCM (Ảnh: An Khê).

Tại TPHCM, trong khu trung tâm quận 1 có đến hai đền thờ Vua Hùng, một đền nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn và một đền nữa tại công viên văn hóa Tao Đàn.

Trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức diễn ra vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, rất nhiều người dân TPHCM đã dành thời gian đến hai đền thờ này để dâng hương.

Điểm đặc biệt ít người biết về hai đền thờ Vua Hùng tại TPHCM - 2
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lưu truyền từ thời Hùng Vương (Ảnh: An Khê).

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cũng tham gia các hoạt động về nguồn dịp Giỗ Tổ, gặp gỡ những người yêu văn hóa cội nguồn đến hành hương.

Nhân đó, anh đã dành thời gian chia sẻ nhiều thông tin thú vị liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được lưu truyền từ thời Hùng Vương.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang cũng phân tích ý nghĩa đặc biệt về những nét kiến trúc độc đáo của các đền thờ, hiện vật và cách trưng bày ở các nơi thờ tự theo đúng chuẩn mực của thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết, mỗi quốc gia đều có lịch sử kiến quốc rất riêng, có thể là huyền sử, dã sử nhưng đều là ý thức hệ của một dân tộc từ thời sơ khai được lưu truyền đến hôm nay.

Điểm đặc biệt ít người biết về hai đền thờ Vua Hùng tại TPHCM - 3
Nhiều quốc gia châu Á có sự tích mang đậm niềm tự hào dân tộc (Ảnh: An Khê sưu tầm).

Nếu như Hàn Quốc có tích thần Tangun, Nhật Bản có tích nữ thần mặt trời Amaterasu, thì Việt Nam có tích Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở 100 con, đó là nguồn gốc của hai tiếng "đồng bào" thân thương. Hai tiếng "đồng bào" ấy đã trở thành sức mạnh, nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc và tinh thần nguồn cội.

Chia sẻ về lý do đất nước ta chọn ngày mùng 10 tháng 3 làm ngày Giỗ Tổ, diễn giả Hồ Nhựt Quang nói: "Theo Kinh Dịch, tháng 3 là tháng ông Rồng, số 10 là số Tiên, nên có thể nói ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ý nghĩa đúng nhất với truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên" của Việt Nam".

Ở đền thờ Vua Hùng nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bên ngoài kiến trúc cung đình Huế được thiết kế theo kiểu mái chồng diêm, kết cấu đối xứng có đường trung đạo rất trang nghiêm và hoành tráng; hệ thống các ô cửa theo kiểu thượng song hạ bảng (tức là phía trên chấn song, phía dưới làm gỗ kín), cách điệu theo kiểu chữ "Thọ".

Có tổng cộng 12 cây cột trong chánh điện tượng trưng cho 12 con giáp theo ý niệm dân gian. Cặp trống đồng Đông Sơn được trưng bày rất trang trọng phía hai bên điện thờ, phần nào nhắc nhớ về những nét văn hóa nổi bật thời Vua Hùng.

Điểm đặc biệt ít người biết về hai đền thờ Vua Hùng tại TPHCM - 4
Trong khuôn viên đền thờ Vua Hùng (2B Nguyễn Bỉnh Khiêm) (Ảnh: An Khê).

Đặc biệt, trong khuôn viên đền thờ Vua Hùng (2B Nguyễn Bỉnh Khiêm) trưng bày hai đỉnh đồng mô phỏng mô phỏng theo Cửu Đỉnh ra đời vào năm 1836, dưới thời triều đình nhà Nguyễn là Cao Đỉnh và Anh Đỉnh.

Có tất cả 162 mảng hình, họa tiết trên 9 đỉnh đồng đều là những bức chạm độc đáo, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam hồi thế kỷ 19, có sự giao thoa giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Đó được xem như bách khoa thư về thiên nhiên, cuộc sống con người Việt Nam.

Tất cả các biểu tượng đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9, có thể kể đến là 9 vì tinh tú và hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ, 9 ngọn núi, 9 sông lớn, 9 con sông đào và sông khác, 9 loài chim, 9 loài cây lương thực, 9 loại rau củ, 9 loài hoa, 9 loại cây lấy quả, 9 loại dược liệu quý, 9 loại cây thân gỗ, 9 loại vũ khí chiến trận, 9 loại thuyền bè, xe cộ, cờ…

Tất cả những số 9 này hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên, sông núi, đất trời Việt Nam hùng tráng, biết bao thế hệ cảm thấy tự hào về non sông gấm vóc.

Điểm đặc biệt ít người biết về hai đền thờ Vua Hùng tại TPHCM - 5
Hai đỉnh đồng Cao Đỉnh và Anh Đỉnh được chọn trưng bày tại đây bởi họa tiết trên đó mang đậm nét văn hóa của miền Nam, như cây lúa nước, cây mít, sông Bến Nghé, kênh Vĩnh Tế… (Ảnh: An Khê).

Tại đền thờ Vua Hùng trong công viên văn hóa Tao Đàn, cảnh vật tổng thể mô phỏng theo đền thờ Vua Hùng tại vùng đất Phong Châu, Phú Thọ, nơi được xem là kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Điểm nổi bật nhất nơi đây chính là việc trưng bày cột đá thề được mô phỏng theo cột đá đánh dấu lời thề của vua Hùng Vương và An Dương Vương, nguyện một lòng bảo vệ giang sơn. Đối diện với cột đá thề là lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Phía sau điện thờ còn trưng bày nhiều tranh ảnh mô tả lại cuộc sống sinh hoạt của người dân thời Văn Lang.

Điểm đặc biệt ít người biết về hai đền thờ Vua Hùng tại TPHCM - 6

Rất đông người dân đã đến đền thờ thăm viếng, thắp hương (Ảnh: An Khê).

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang bày tỏ niềm vui khi có nhiều người trẻ đến viếng vua Hùng trong dịp Giỗ Tổ.

Điều này cho thấy, trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, việc tri ân nguồn cội, ôn cố tri tân, lịch sử kiến quốc là một hành động ý nghĩa để nâng cao niềm tự hào dân tộc, hun đúc những giá trị cao quý, nuôi dưỡng tâm - thể - trí của chúng ta hôm nay và thế hệ kế thừa.

Nhật Phương