Về miền Tây đi xe ngựa, chèo thuyền ở cồn Thới Sơn
Du lịch online - Ngày đăng : 10:15, 10/04/2022
Tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre cách nhau một con sông Tiền. Ở phần sông đi qua hai tỉnh, có 4 dải đất “nổi lên” giữa sông gọi là các cồn, được đặt tên lần lượt là Long, Lân, Quy, Phụng. Trong đó, cồn Thới Sơn (cồn Lân) là rộng nhất với diện tích 1.200 ha thuộc tỉnh Tiền Giang, cồn Phụng có di tích ông Đạo Dừa nhỏ hơn với diện tích 58ha thuộc tỉnh Bến Tre.
Nhộn nhịp ghe xuồng di chuyển ở kênh rạch trong lòng cồn Thới Sơn.
Những chiếc thuyền đợi sẵn ở bến, cuộc dạo chơi thường không vội vì thuyền sẽ đi dọc theo cồn Thới Sơn, cho bạn ngắm nhìn dòng sông, xa xa là cầu Rạch Miễu và những chiếc lồng bè trên con sông mênh mông.
Du lịch Bến Tre chính nhờ sông nước và 4 cồn nổi mà rất nhiều người dân có công ăn việc làm. Tour của các công ty du lịch dẫu giống nhau về cách thiết kế, nhưng lại có cách tổ chức khác nhau để tránh sự tập trung đông người, nhất là trong mùa dịch.
Những chiếc thuyền trống đang đợi khách.
Con sông Tiền bao la dưới nắng buổi sáng, những đám lục bình ngóng đợi nước triều lên để đi ra biển cả. Chúng tôi ở trên thuyền nhìn dòng sông, trong khi anh hướng dẫn viên kể về trận đánh “Rạch Gầm - Xoài Mút” trên đoạn sông này. Trận đánh bằng thuyền vào đêm 19, rạng sáng 20/1/1785, là trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn và quân Xiêm, chỉ trong nửa ngày quân Xiêm đại bại. Lịch sữ đã đi qua con sông này như thế.
Cồn Thới Sơn trùng trùng cây cỏ, có những con đường nhựa đi qua những con đường làng, rất nhiều kênh rạch, bao quanh là những tán dừa nước. Trong cuộc hành trình dạo chơi, hai “món đặc sản” được khách ưa chuộng là đi xe ngựa và đi ghe qua kênh rạch. Lạ là vậy đó, giống như rủ bỏ cái thói quen phóng xe qua phố, nếm trải sự bình dị của một miền đất.
Đi xe ngựa băng qua những con đường vắng vẻ, mát mẻ.
Người đánh xe ngựa cho chúng tôi là một phụ nữ trạc 50. Chiếc xe ngựa chở được 4 người, con ngựa rất hiền, được cài lên đầu một bông hoa giả, sẵn sàng cho khách chụp hình chung với mình. Chị đánh xe ngựa cho biết sau đại dịch, giờ trên cồn chỉ còn 5 chiếc, trong khi trước kia có khoảng 20 chiếc. Những người đánh xe ngựa là người làm thuê, mỗi chuyến được từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng, đa phần sống nhờ tiền tip của du khách.
Con đường xe ngựa đi khá đẹp, những ngôi nhà ẩn khuất trong cây, mùi cỏ cây chen thơm, tiếng vó ngựa thật êm. Có lẽ bao nhiêu năm nay, rất lâu rồi tôi mới ngồi trên xe ngựa di chuyển gập gềnh như thế. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe ngựa khác để trong bãi, không có ngựa, như trải qua một cuộc bể dâu.
Lắng nghe đờn ca tài tử với tiếng đàn, giọng hát trong trẻo.
Những “món ăn chơi” cho một tour du lịch sông nước ở Bến Tre còn có nghe đờn ca tài tử. Chúng tôi đến quá sớm, nhưng những người biểu diễn còn tới sớm hơn. Đợi họ trang điểm, thay trang phục để biểu diễn giữa không gian là ngôi nhà lá đơn sơ, những bông hoa giả để trên bàn cho khách gắn tiền vào trao tặng.
Tôi tiếp tục ra bến sông, bên dưới có rất nhiều thuyền đang chờ khách. Có cả trăm chiếc ghe nhỏ len trên con kênh nước triều đang rút. Cả trăm chiếc nhưng lượng khách ít nên rất nhiều chiếc chống mái chèo đợi. Mỗi chiếc xuồng có hai người chèo ngồi ở phía trước và sau, chở được bốn khách ngồi ở các thanh gỗ ở giữa thuyền.
Cồn Phụng với di tích ông Đạo Dừa tại Bến Tre.
So với các con thuyền ở Tràm Chim thì thuyền ở đây chật hẹp hơn, cảnh quan cũng không mênh mông, mà chỉ là đi chen giữa con kênh nhỏ, hai bên bờ thỉnh thoảng có những chỗ để khách có thể dừng lại, nước rút lộ ra lớp đất bùn, có những con cá thòi lòi chui ra khỏi nơi ẩn nấp ngó.
Cảm giác ngồi trên thuyền đi giữa con kênh vui, thuyền chèo trả khách quay về chào thuyền có khách, còn chúng tôi thì thoải mái chụp ảnh. Cuộc mưu sinh chèo xuồng ở Cồn Thới Sơn cũng sống nhờ tiền tip của khách, bởi một vòng chèo như thế chỉ 15.000 đồng tượng trưng, tất nhiên khách nào cũng gởi thêm tiền cho con thuyền mình vừa đi.
Cá thác lác chiên xù hấp dẫn, đưa cơm.
Khép kín một vòng dạo chơi trên sông nước Bến Tre là một trái dừa trên thuyền, vì tới xứ dừa phải uống dừa là điều tất nhiên. Còn bữa cơm bao nhiêu năm nay cũng rất “đặc sản” để khách nhớ mãi cuộc hành trình: bông điên điển xào tép, củ hủ dừa xào thịt, bánh xèo bông điên điển và luôn có món cá tai tượng chiên xù hấp dẫn.