Bầu cử tổng thống Pháp: Ông Macron lại ‘tiến bước’?
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:14, 10/04/2022
Liệu ông Macron sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống để tiếp tục dẫn dắt nước Pháp? (Nguồn: ABACA/PA) |
Với chiến thắng trong bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 cùng đảng Tiến bước!, ông Emmanuel Macron, với sự thông minh, lòng nhiệt huyết nhưng không kém phần khôn khéo, đã trở thành một hình mẫu tiêu biểu cho phe trung dung lúc đó.
Chiến thắng này càng ý nghĩa hơn khi tại thời điểm ấy, chủ nghĩa tự do đang đối mặt vô vàn thách thức. Nước Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU). Ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Khắp châu Âu, phe dân túy chiếm ưu thế trong thăm dò dư luận, dù là tại Thụy Điển, Đan Mạch hay Đức. Phe cực tả nắm quyền tại Hy Lạp. Chính phủ liên minh tại Italy kêu gọi từ bỏ đồng Euro và xem xét lại việc nhận người tị nạn.
5 năm sau, ngày 10/4/2022, Tổng thống Emmanuel Macron một lần nữa đối mặt với cử tri Pháp. Liệu lần này, ông có thể một lần nữa cùng nước Pháp “tiến bước”?
Theo giới chuyên gia, thành tựu lớn nhất mà chủ nghĩa trung dung của ông Macron mang lại nằm trong lĩnh vực kinh tế. Trước khi nắm quyền năm 2017, ông cho rằng nước Pháp nên mở cửa hơn với tiến trình toàn cầu hóa và quan trọng hơn, giúp người dân có các kỹ năng cần thiết để thích ứng với xu hướng này.
Cải cách về thị trường lao động ít lâu sau đó đã phản ánh triết lý này, đồng thời cho thấy một số tín hiệu tích cực về tỷ lệ việc làm và khởi nghiệp tại Pháp. Dưới thời ông Macron, Paris cũng thúc đẩy việc đào tạo nghề và giáo dục mầm non.
Song thực tế cho thấy, ông Macron còn nhiều việc phải làm nếu tái cử. Theo giới chuyên gia, Tổng thống Pháp đã quá dựa vào quyền hành pháp, dù là kiểm soát giá điện hay quản lý các hệ thống đại siêu thị. Ông cũng không thể thuyết phục được các cử tri có thu nhập thấp khi nỗ lực cải tổ hệ thống lương hưu chưa thành.
Tương tự, mong muốn thay đổi nền chính trị Pháp của ông vẫn còn bỏ ngỏ. Thậm chí, 5 năm qua còn cho thấy phe trung dung tại nước này đang ngày một suy yếu.
Năm 2017, ông Macron đánh bại bà Marine Le Pen với tỷ lệ 66 – 34% số phiếu. Trong cuộc bầu cử tới, nếu như bà Le Pen có thể vào tới vòng 2, khảo sát cho thấy ông Macron vẫn có thể giành chiến thắng với tỷ lệ 53 – 47%. Có tới 51% cử tri Pháp cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc hoặc phản tư bản, nhiều hơn so với 5 năm về trước.
Trên bình diện khu vực và quốc tế, Pháp đã nỗ lực thúc đẩy việc thiết lập quỹ NGEU của EU trị giá 750 tỷ Euro (818 tỷ USD) để hỗ trợ các nền kinh tế yếu hơn của khối vực dậy sau khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.
Trước thách thức từ Trung Quốc và Nga, ông Macron đã đề cao vai trò của EU, ngay cả khi điều đó khiến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thấy khó chịu.
Đặc biệt, thay vì đối đầu, ông Emmanuel Macron đã kêu gọi đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đạt kết quả. Trong khi đó, NATO, tổ chức ông coi là “chết não”, lại đang chứng minh vai trò then chốt trong xung đột Nga-Ukraine.
Tương tự, nỗ lực của Pháp nhằm đánh bại lực lượng Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahel là đáng khen, nhưng chưa thể gặt hái thành công. Tiến trình đàm phán với một nước Anh thời hậu Brexit vẫn còn nhiều sóng gió.
Một khảo sát mới đây của The Economist cho thấy ông Emmanuel Macron có tới 98% tiến vào vòng 2 cuộc bầu cử ngày 24/4 và 78% tái cử. Nếu chiến thắng, ông sẽ trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tái cử với đa số tại Quốc hội sau 57 năm, kể từ cố Tổng thống Charles De Gaulle.
Đây rõ ràng là một thành tích đáng nể.
Tuy nhiên, thành tích sẽ ấn tượng hơn nếu ông Macron có thể kết thúc nhiệm kỳ thứ hai thành công, hoàn thành các cam kết, qua đó đưa nước Pháp thực sự “Tiến bước!” như tên đảng chính trị cầm quyền do ông sáng lập.