Bác sĩ dùng 32 ốc vít giữ cột sống cho bé gái 11 tuổi

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:53, 09/04/2022

Bé gái bị vẹo cột sống bẩm sinh. Bệnh càng này càng nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động thể lực và việc học của em.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết bệnh viện vừa dùng hệ thống 1 thanh ngang, 2 thanh dọc, 32 vít chẹn và dải chỉ siêu bền để tái tạo, cố định lại hình hài cột sống cho bé gái 11 tuổi, quê Đồng Nai.

Bé gái bị tổn thương vẹo cốt sống bẩm sinh nặng. Lưng của em cong dần theo năm tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, hoạt động thể lực, học hành của bệnh nhi.

veo-cot-song.jpg
Cột sống bé gái 11 tuổi bị cong vẹo. Ảnh: BSCC.

Nhìn con, ba mẹ bé lo lắng vì triệu chứng ngày càng nặng, lưng đau khiến con gái chịu không nổi. Ban đầu, bé gái được điều trị nội khoa nhưng không đáp ứng. Họ quyết định đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị. Các bác sĩ tại bệnh viện đã hội chẩn, quyết định mổ ngay cho bệnh nhi.

Sau nửa tháng phẫu thuật, bệnh nhi giảm đau 8-9 phần, đi lại thoải mái, ngồi thẳng lưng đọc truyện, xem điện thoại cười sảng khoái.

Để cho bé một cột sống hoàn chỉnh, các bác sĩ Đậu Thế Canh, Nguyễn Dương Phi, Trần Nguyên Nhật đã nhanh chóng hội chẩn với nhau. “Ra quyết định mổ cột sống cho bệnh nhi chưa bao giờ là việc dễ dàng, phải đặt lên bàn cân nhiều yếu tố. Bởi, sau cuộc mổ, cuộc sống của bệnh nhi có thể thay đổi, nhưng cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Các bác sĩ đã sử dụng hệ thống 1 thanh ngang, 2 thanh dọc, 32 vít chẹn và dải chỉ siêu bền để tái tạo, cố định lại hình hài cột sống cho bé gái.

“Phẫu thuật xong, bệnh nhi thấy sức khỏe ổn, phối hợp vật lý trị liệu dần gập duỗi nghiêng hết biên độ, tập xoay người đủ kiểu vẫn không bị trật và đau như trước”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

32-oc-vit.jpg
Bác sĩ dùng 32 ốc vít để giữa cột sống cho bệnh nhi. Ảnh: BSCC.

Vẹo cột sống có nguy hiểm cho trẻ?

Vẹo cột sống bẩm sinh là sự cong vẹo, lệch bên của cột sống mà có căn nguyên từ khi sinh ra. Tỉ lệ trẻ sinh ra bị bệnh này là 1/10.000 trẻ.

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vẹo cột sống bẩm sinh xảy ra khi đốt sống hoàn thiện không đầy đủ trong quá trình phát triển của bào thai. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, từ triệu chứng nhẹ cho đến triệu chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Vì cột sống phát triển cùng thời điểm với cơ quan khác của cơ thể trong những tuần đầu tiên của bào thai, nhiều trẻ vẹo cột sống bẩm sinh có kèm theo dị tật của bàng quang, thận, hệ thần kinh, hệ tim mạch.

Mặc dù vẹo cột sống bẩm sinh có nguyên nhân từ thời kì bào thai, triệu chứng có thể không rõ ràng ngay sau khi sinh.

Thông thường triệu chứng của trẻ sẽ rõ dần cùng với sự phát triển của trẻ. Những triệu chứng hay gặp bao gồm: 2 vai không cân nhau; 2 hông không cân nhau; đầu không ở chính giữa so với cơ thể; khi trẻ cúi về phía trước, lưng sẽ cao thấp 2 bên không bằng nhau.

Trẻ bị vẹo cột sống bẩm sinh có thể có những triệu chứng khác, ví dụ như: Đám lông hoặc mảng sắc tố da bất thường, khối gồ lên ở xương sườn hoặc sau lưng. Đau, giật cơ chi dưới. Bàn tay, bàn chân dị tật, khó nghe, rối loạn cơ thắt bàng quang (bí tiểu, tiểu dầm).

Bác sĩ Sơn cho biết điều trị vẹo cột sống bẩm sinh phụ thuộc vào tuổi, mức độ nặng của đường cong vẹo. Một vài trẻ có góc cong vẹo nhỏ, triệu chứng nhẹ có thể điều trị bằng theo dõi định kì. Nếu đường cong tăng lên nhiều, tốc độ tăng lớn trẻ có thể phải điều trị bằng phẫu thuật. Áo nẹp có rất ít tác dụng với vẹo cột sống bẩm sinh.

Về điều trị, tùy thuộc vào tuổi, mức độ cong vẹo và tốc độ tiến triển cong vẹo, các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp với bệnh của trẻ. Nẹp tăng trưởng: Áp dụng cho trẻ nhỏ tuổi (thường dưới 10).

Bác sĩ sẽ đặt vít, nẹp có khả năng giãn theo sự phát triển của trẻ. Mỗi 6 -12 tháng trẻ sẽ được giãn nẹp tùy theo quá trình thăm khám tiếp theo của bác sĩ. Có thể cắt nửa thân dị tật, chỉnh vẹo bằng nẹp vít.

Ngọc Hân