Chàng trai 25 tuổi suýt chết vì ho ra máu hậu Covid-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 07:36, 09/04/2022

Khỏi Covid-19 được 2 tuần nhưng vẫn ho nhiều, thậm chí khạc ra máu, chàng trai 25 tuổi (Hà Nội) đi khám và bất ngờ khi phát hiện bị huyết khối hoàn toàn động mạch phổi phải.

Theo lời kể của bệnh nhân, các biểu hiện của anh ở giai đoạn mắc Covid-19 không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, 2 tuần sau khi khỏi bệnh anh vẫn ho nhiều, khạc ra máu nên đi khám.

Bác sĩ Đào Huy Hiếu, thành viên Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 cho biết bệnh nhân khá trẻ, cao 1m74 nặng 75kg, có tiền sử rối loạn lipid. Đặc biệt, các chỉ số cholesterol và đường huyết của bệnh nhân cũng rất cao.

Chàng trai 25 tuổi suýt chết vì ho ra máu hậu Covid-19 - 1

Bệnh nhân bị huyết khối hoàn toàn ở động mạch phổi phải.

Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm D-dimer (chỉ số huyết khối trong máu) và cho kết quả tăng khá cao. Ở người bình thường chỉ số này là 0-500 ng/mL thì của bệnh nhân lên tới 4.665 ng/mL.

"Chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân có huyết khối ở phổi nên chỉ định chụp CT. Kết quả cho thấy huyết khối hoàn toàn động mạch phổi phải. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết thành công", BS Hiếu cho biết.

Trường hợp trên may mắn nhờ chẩn đoán kịp thời nên đã thoát chết trong gang tấc. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định. Với những người bị huyết khối phổi nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, cục máu đông có thể gây hoại tử mô phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Bác sĩ khuyên F0 khi đã âm tính với virus SARS-CoV-2 mà vẫn ho kéo dài, không cắt được cơn, có nhịp tim nhanh kèm theo khó thở và đặc biệt ho ra máu thì nên đi khám càng sớm càng tốt để tránh biến chứng đáng tiếc. Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền (tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường...) thì nên đi khám trước khi có triệu chứng xảy ra.

Mọi người không nên chủ quan khi nhiễm bệnh mà cần theo dõi kỹ sức khỏe. Để giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khi mắc Covid-19, người bệnh nên tập thể dục thường xuyên, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cho máu lưu thông ổn định. Đồng thời, giữ cân nặng hợp lý để góp phần giảm bớt áp lực lên tĩnh mạch và giảm nguy cơ đông máu; uống nhiều nước...

Hậu Covid-19 là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 3 tuần mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Bệnh Covid-19 có thể để lại biến chứng tại tất cả các cơ quan trong cơ thể, không riêng gì đường hô hấp. Một số biểu hiện thường gặp ở tim là đau thắt ngực, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hồi hộp, đánh trống ngực; ở phổi là khó thở hoặc cảm giác hụt hơi, ho khan kéo dài, đau ngực, cảm giác khó chịu ở ngực; ở hệ thần kinh là rối loạn giấc ngủ, đau đầu chóng mặt, mệt mỏi kéo dài, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, lo âu, trầm cảm, vã mồ hôi ban đêm… Thống kê cho thấy có đến hơn 200 di chứng, nhưng nhiều di chứng rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ rất thấp dưới 1%.