Những chướng ngại "ngáng đường" Nga - Ukraine đi tới thỏa thuận hòa bình

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:30, 08/04/2022

Khi chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tuần thứ 6, và ngay cả khi 2 bên đã bắt đầu hiểu được mong muốn của nhau thì triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.

NHỮNG CHƯỚNG NGẠI "NGÁNG ĐƯỜNG" NGA - UKRAINE ĐI TỚI THỎA THUẬN HÒA BÌNH

Khi chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tuần thứ 6, và ngay cả khi 2 bên đã bắt đầu hiểu được mong muốn của nhau thì triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.

Ngày 29/3, tức là ngày thứ 33 của chiến sự Nga - Ukraine, phái đoàn 2 nước đã tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau vài giờ đồng hồ đàm phán, 2 nước được xem đã đạt được một số kết quả quan trọng trong cuộc trao đổi được xem là ý nghĩa nhất kể từ 24/2, bao gồm việc Nga tuyên bố thu hẹp chiến dịch quân sự tại Ukraine bằng cách rút quân ở Kiev và Chernihiv.

Phía Nga cho biết Ukraine cam kết không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài hoặc binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ, không tìm cách sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Nga sẽ không phản đối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai.

Nhiều nhà quan sát đánh giá, những diễn biến trên được xem là tín hiệu mở lối thoát cho 2 nước khi chiến sự đã bước sang tuần thứ 6. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, giữa 2 nước vẫn còn những "nút thắt" lớn, chưa thể tháo gỡ có thể đẩy việc đàm phán thỏa thuận hòa bình vào thế bế tắc lâu dài.

Vấn đề chủ quyền, lãnh thổ

Những chướng ngại ngáng đường Nga - Ukraine đi tới thỏa thuận hòa bình - 1

Vòng đàm phán ngày 29/3 đã mang lại những tín hiệu cụ thể về thỏa thuận Nga - Ukraine nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc phía trước (Ảnh: Reuters).

Theo Washington Post, vấn đề chủ quyền, lãnh thổ được xem là một trong vấn đề khó khăn nhất mà chính phủ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải đối mặt.

Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cũng như các quan chức cấp cao Nga trong thời gian qua đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga sẽ chỉ dừng chiến dịch khi Kiev chấp thuận các điều kiện mà Moscow đưa ra, trong đó có cam kết trung lập, không gia nhập liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ và công nhận tình trạng của Crimea và Donbass.

Khái niệm công nhận tình trạng của Crimea và Donbass ở đây là chính là việc Ukraine phải thừa nhận Crimea đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014 và công nhận độc lập 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở Đông Ukraine.

Nga tỏ ra rất kiên quyết với yêu cầu này, trong khi Ukraine đặt ra mục tiêu rõ ràng là "tìm cách để thoát khỏi tình hình (chiến sự) hiện tại và không để mất lãnh thổ".

Theo Keith Darden, giáo sư về khoa học chính trị đại học American, Tổng thống Zelensky đang rơi vào tình huống được xem là khó xử, khi ông giờ đây bị đặt vào thế phải tìm ra một thỏa thuận chính trị với Moscow để chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng tốt và thỏa thuận này phải được người dân Ukraine chấp thuận.

Trong thời gian qua, tinh thần của người dân Ukraine được xem đã tăng lên mức cao trong các nỗ lực đối phó Nga, trong đó Tổng thống Zelensky được xem là người đã liên tục phát đi những thông điệp thúc đẩy người dân. Bất cứ một nhượng bộ nào về vấn đề chủ quyền và lãnh thổ sẽ trở nên rất khó khăn để được người dân Ukraine chấp thuận.

"Ông Zelensky đã dựa vào cảm xúc mãnh liệt của chủ nghĩa dân tộc của người dân để đối phó với Nga trong chiến sự, nhưng đó chính xác là điều khiến cuộc chiến này trở nên vô cùng khó khăn để chấm dứt", giáo sư Darden nhận định.

Những chướng ngại ngáng đường Nga - Ukraine đi tới thỏa thuận hòa bình - 2

Thế khó của Ukraine hiện tại là phải tìm được một phương án để kết thúc chiến sự càng nhanh càng tốt mà vẫn đảm bảo được vấn đề về chủ quyền (Ảnh: Reuters).

Đây được xem là tình thế khó cho chính quyền Ukraine, vì cuộc chiến có thể tiếp tục kéo dài nếu ông Zelensky cho rằng ông chưa nhận được sự ủng hộ đủ lớn từ công chúng để thực hiện các nhượng bộ về lãnh thổ. Ngoài ra, việc ký vào hiệp định hòa bình có điều khoản bất lợi cho Ukraine cũng có thể sẽ khiến sự ủng hộ với chính phủ Kiev xói mòn nghiêm trọng.

Trong một động thái để "gỡ rối" cho thế khó này, ông Zelensky hôm 5/4 tuyên bố rằng, việc giải quyết đồng thời tất cả vấn đề liên quan tới vùng lãnh thổ ly khai Donbass, bán đảo Crimea và chấm dứt xung đột với Nga là "khó khăn và không thể xảy ra".

Vì vậy, ông muốn gác lại vấn đề Donbass, Crimea trong đàm phán với Nga. Ông Zelensky cũng bác khả năng giành lại bán đảo Crimea bằng vũ lực, và đề nghị xử lý thông qua ngoại giao nhưng không phải trong lúc này, mà trong tương lai.

Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn báo Economist tháng trước, ông Zelensky đã thể hiện sự linh hoạt và cái nhìn thực tế, theo Washington Post.

Ông định nghĩa "chiến thắng" với Ukraine là "cứu được mạng sống càng nhiều người càng tốt". "Đất đai cũng quan trọng, nhưng cuối cùng nó cũng chỉ là lãnh thổ", ông nói. Mặc dù vậy, ông cũng tuyên bố sẽ chiến đấu với Nga "tới thành phố cuối cùng".

Đây dường như là vấn đề lớn với Ukraine, khi Nga nhiều lần tuyên bố vấn đề Crimea và Donbass là "không thể đàm phán". Trong khi đó, Ukraine đến lúc này vẫn dứt khoát quan điểm khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ mà Ukraine có được khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, đồng thời nhấn mạnh không thể thỏa hiệp về điểm này.

Serhiy Leshchenko, cựu nghị sĩ Ukraine và hiện đang là cố vấn cho chánh văn phòng của ông Zelensky cho biết, dù nhiều người Ukraine vẫn có quan điểm kháng cự tới cùng, nhưng có một số người ít có cơ hội lên tiếng hơn vẫn đang mong muốn và cần một thỏa thuận để chấm dứt chiến sự.

"Những người đang mắc kẹt trong chiến sự ở Mariupol, Kharkov và Chernihiv có ít sự tiếp cận với mạng xã hội hơn những người ở khu vực an toàn. Mọi người muốn chiến sự kết thúc. Mọi người muốn cuộc sống bình thường trở lại, nhưng mọi người cũng không muốn mất lãnh thổ", ông Leshchenko nêu ra thế khó của phía Ukraine lúc này.

Đảm bảo an ninh cho Ukraine

Những chướng ngại ngáng đường Nga - Ukraine đi tới thỏa thuận hòa bình - 3

Chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky muốn một cơ chế đảm bảo an ninh giống, thậm chí mạnh hơn Điều 5 Hiến chương NATO (Ảnh: Reuters).

Một trong những vấn đề mà Ukraine nêu ra trong cuộc đàm phán ngày 29/3 chính là việc họ muốn được đảm bảo an ninh quốc tế tương tự quy chế phòng vệ tập thể theo Điều 5 của Hiến chương NATO. Anh, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Italy, Ba Lan và Israel có thể là những nước đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Thậm chí, trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia nói với The Kyiv Independent rằng, các bảo đảm an ninh mà Kiev mong muốn thậm chí còn mạnh mẽ hơn Điều 5.

Sau đó, ông Zelensky tuyên bố rằng, Ukraine cần một nhóm quốc gia "sẵn sàng cung cấp bất kỳ vũ khí nào trong 24 giờ. Chúng ta cần các quốc gia mà chính sách trừng phạt thực sự có hiệu quả. Theo đó, trong thời khắc đầu tiên khi chúng tôi cảm nhận được mối đe dọa từ Nga, các quốc gia này sẽ đoàn kết lại và trong vòng 3 ngày sẽ cung cấp mọi thứ cùng một lúc, phong tỏa mọi thứ".

Điều 5 được xem là nền tảng hoạt động của NATO, với quy định rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các nước trong khối. Các nước thành viên sẽ cam kết bảo vệ lẫn nhau và thể hiện tình đoàn kết trong liên minh trước cuộc tấn công của đối thủ, bao gồm phương án sử dụng vũ trang. Theo History.com, dù quy định như vậy nhưng Điều 5 không ràng buộc các quốc gia phải làm gì khi kịch bản trên xảy ra và mức độ đóng góp cụ thể của từng nước thành viên sẽ do chính họ tự quyết định.

Các nguồn thạo tin nói với truyền thông Mỹ rằng, Washington và các đồng minh đang cân nhắc xem phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh thay thế như thế nào nếu nước này từ bỏ tham vọng gia nhập NATO như một nhượng bộ để Nga kết thúc chiến tranh.

Tuy nhiên, cả các nguồn tin và giới chuyên gia đều nhận định rằng, khó có khả năng Mỹ và các đồng minh sẽ cung cấp cho Ukraine các biện pháp bảo đảm có tính ràng buộc pháp lý mà Kiev đang yêu cầu.

Phía Ukraine đã tuyên bố họ sẽ không mắc lại "sai lầm" của Biên bản ghi nhớ Budapest. Biên bản này được ký vào năm 1994 nhằm buộc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và đổi lại họ sẽ được bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, thỏa thuận này không có tính ràng buộc pháp lý và phía chính quyền Ukraine nhiều lần chỉ trích nó không có tác dụng.

Những chướng ngại ngáng đường Nga - Ukraine đi tới thỏa thuận hòa bình - 4

Một ngôi nhà ở Ukraine bị phá hủy do chiến sự (Ảnh: Reuters).

Một số quan chức phương Tây nói với CNN rằng, bất cứ phương án nào thiếu đi sự cam kết đầy đủ về việc bảo vệ Ukraine sẽ không đủ để nước này hài lòng. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng một thỏa thuận kiểu Biên bản ghi nhớ Budapest sẽ không có ích trong trường hợp này.

Một số nước phương Tây có cách tiếp cận khá hoài nghi sau khi Ukraine thông báo gửi dự thảo đảm bảo an ninh tới nhiều nước khi nhiều bên cho rằng, hiện vẫn còn rất sớm để thảo luận về bất cứ trường hợp nào có thể xảy ra khi các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành.

Mỹ và một số nước hiện vẫn duy trì quan điểm chưa rõ ràng về đề xuất của Ukraine khi nói rằng họ ủng hộ động thái của Ukraine, nhưng từ chối đưa ra bình luận hoặc chỉ đưa ra phát biểu chung chung về chi tiết của cơ chế đảm bảo an ninh.

Theo Wall Street Journal, trên thực tế, Mỹ và nhiều đồng minh hiện vẫn chưa sẵn lòng đưa quân vào Ukraine để đối phó trực tiếp với Nga trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, khả năng họ cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine với một cường quốc hạt nhân như Nga trong tương lai có thể là kịch bản khó có khả năng xảy ra.

"Ukraine không phải thành viên NATO. Chúng tôi sẽ không đối đầu quân sự trực tiếp với Nga", Phó thủ tướng Anh Dominic Raab trả lời BBC khi được hỏi về việc liệu Anh có đang chuẩn bị trở thành bên đảm bảo an ninh cho Ukraine hay không.

Một số quốc gia châu Âu như Ba Lan, Latvia, Bulgaria và Cộng hòa Séc thúc đẩy Ukraine gia nhập EU và tin rằng Liên minh châu Âu có thể có cơ chế bảo vệ Kiev trước nguy cơ về mặt an ninh trong tương lai.

Tuy nhiên, ngay cả những thành viên ủng hộ EU quyết liệt nhất trong quốc hội Ukraine cũng thừa nhận rằng trở thành thành viên EU là không đủ để bảo vệ an ninh của Kiev.

Nghị sĩ Ukraine Ivanna Klympush-Tsintsadze, Chủ tịch Ủy ban thuộc Quốc hội Ukraine có nhiệm vụ thúc đẩy Ukraine gia nhập EU, nhận định rằng EU sẽ không thể cung cấp sự bảo vệ cho (Ukraine) về mặt quân sự ngang bằng NATO.

Chuyên gia Ian Bond, người phụ trách về chính sách đối ngoại của Trung tâm Cải cách châu Âu (Anh), cho rằng vấn đề chính có thể ảnh hưởng tới đề xuất của Ukraine là không nước nào sẵn sàng đứng ra đảm bảo an ninh cho Kiev bằng cách triển khai lực lượng quân sự chống lại các động thái vi phạm thỏa thuận, giống như cơ chế của Điều 5 trong Hiến chương NATO.

Ông Bond cho rằng, về mặt bản chất, đề xuất đảm bảo an ninh của Ukraine không khác gì để Kiev có được tư cách thành viên NATO nhưng với một hình thức khác, điều mà Nga luôn phản đối trong nhiều năm qua.

Rebekah Koffler, một cựu quan chức tình báo Mỹ nói với Fox News, Nga sẽ không đồng ý với việc Ukraine tìm kiếm thỏa thuận đảm bảo an ninh là yếu tố để chấm dứt xung đột.

Khái niệm trung lập mà Nga và Ukraine đang theo đuổi thực chất là không trùng khớp nhau, nhưng bất cứ cơ chế trung lập nào của Ukraine cần phải có sự ủng hộ của Nga mới có thể hiệu quả. Điều này tạo ra khúc mắc trong đàm phán nếu 2 bên không thể thống nhất được cụ thể cơ chế trung lập có những yếu tố gì.

Ngoài ra, các diễn biến trên thực địa được xem là yếu tố tác động trực tiếp tới cục diện đàm phán Nga - Ukraine, khi bên nào có lợi thế hơn trên chiến trường có thể có vị thế tốt hơn khi thương lượng.

Những chướng ngại ngáng đường Nga - Ukraine đi tới thỏa thuận hòa bình - 5

Quân đội Ukraine ở Bucha ngày 6/4 (Ảnh: Reuters).

Gần đây nhất Nga cảnh báo rằng sự việc ở Bucha, ngoại ô Kiev có thể ảnh hưởng tới việc đàm phán giữa họ và Ukraine. Nga bị cáo buộc liên quan tới việc hàng trăm dân thường thiệt mạng ở Bucha, nhưng Moscow bác bỏ tuyên bố này, đồng thời cáo buộc ngược Ukraine dàn dựng để đổ lỗi cho Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây cố gắng làm "trật bánh" các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine bằng cách thúc đẩy những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga về sự việc ở Bucha. Ông Lavrov cho biết, khi đàm phán giữa Moscow và Kiev bắt đầu có những bước tiến sau vòng thương lượng ở Thổ Nhĩ Kỳ, các cáo buộc chưa có bằng chứng đầy đủ về sự kiện ở Bucha đang được tung ra ồ ạt để tác động tiêu cực tới tiến trình này.

Dù Ukraine cho rằng việc đàm phán với Nga sẽ trở nên khó khăn hơn sau sự kiện Bucha vì áp lực từ trong nước, nhưng Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận là ông không còn lựa chọn nào khác là vẫn phải đi theo con đường thương lượng với Moscow.

Mặt khác, Ukraine đã đưa ra dự đoán về diễn biến trên thực địa có thể tác động trực tiếp lên cục diện thương lượng với Nga. Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Oleksiy Arestovych, nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến ở thành phố cảng chiến lược Mariupol nằm giáp biển Azov. Ông cho rằng, việc lực lượng Ukraine bị thất thủ hay có thể đẩy lùi quân đội Nga ở thành phố này sẽ quyết định kết quả cuối cùng của cuộc chiến.

Theo quan chức trên, nếu Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực phía Đông và bảo vệ thành công Mariupol, Kiev sẽ có lợi thế trên bàn đàm phán trước Moscow. Ngược lại, nếu Nga giành được quyền kiểm soát Mariupol, Moscow sẽ mở được hành lang kết nối thẳng từ đất liền Nga tới bán đảo Crimea. Điều này sẽ giúp lực lượng Nga nhanh chóng nhận được tiếp tế hậu cần và tăng cường, ông Arestovych nhận định. Nếu Nga giành được quyền kiểm soát miền Đông và Nam Ukraine, Kiev sẽ có ít lợi thế hơn hẳn Moscow trên bàn đàm phán.

Đức Hoàng

Theo Washington Post, Wall Street Journal, BBC

08/04/2022