Tâm lý lo sợ hậu COVID-19, nhiều người mắc bệnh 'ảo'

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:51, 07/04/2022

Nhiều người bình thản khi nhiễm COVID-19 nhưng lại có tâm lý hoảng sợ với những triệu chứng hậu COVID-19, chính điều này phát sinh các bệnh 'ảo'.
46283d0593295d770438.jpg
Các bác sĩ tại TP.HCM đang thăm khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: ANH ĐÀO

Đổ thừa hậu COVID-19

Bà C.T.T. (65 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đã khỏi COVID-19 được 1 tháng, tuy nhiên bà T. hay đột ngột mất trí nhớ. Bà được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám vì nghĩ mình mắc hậu COVID-19. Tuy nhiên, sau khi thăm khám và T. được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer.

Còn chị C.Đ (18 tuổi, TP.HCM) sau khi khỏi COVID-19 khoảng 1 tuần vẫn còn ho nên luôn mang trong mình tư tưởng phổi bị xơ hóa phổi. Chị Đ. đến bệnh viện để thăm khám, tuy nhiên bác sĩ giải thích tình trạng này vẫn đang trong giai đoạn cấp tính của bệnh, bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn. Nếu ho vẫn kéo dài sau khi khỏi bệnh một tháng thì đó mới là di chứng COVID-19.

"Sau khi khám hậu COVID-19, về nhà thì 4 ngày sau tôi hết ho, hoàn toàn bình thường. Có lẽ do tôi lo lắng quá mức", chị Đ. bày tỏ.

anhdf-1407869186731.jpeg
Bệnh nhân mắc COVID-19 mới là nhóm nguy cơ mắc hậu COVID-19 cao - Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

Những trường hợp nào mới phải đi khám?

BS. CKII Phạm Minh Thành - trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - cho biết không phải ai nhiễm bệnh cũng bị hậu COVID-19. Với biến chủng Omicron, hậu COVID-19 không còn đáng sợ như biến chủng Delta.

Nhiễm siêu vi nào cũng vậy, giả sử sốt phát ban ảnh hưởng ngoài da sau khỏi sẽ hết, sốt do xuất huyết sẽ biến chứng gan, còn virus SARS-CoV-2 biến chứng lên phổi (thường gặp ở bệnh nhân mắc biến chủng Delta).

Với biến chủng Omicron cũng có nhưng rất ít gặp tổn thương phổi. Triệu chứng thường gặp sau COVID-19 ở biến chủng Omicron chủ yếu mang hình thái rối loạn cảm xúc lo âu là chủ yếu.

Theo BS Thành, nhiều bệnh nhân đến khám và cho rằng mình mắc hậu COVID-19 với những triệu chứng rất mơ hồ. Tuy nhiên khi thăm khám, xét nghiệm đều không có tổn thương thực thể. Các trường hợp này chủ yếu điều trị tâm lý như động viên, chia sẻ hoặc dùng thuốc để họ vượt qua cảm giác lo sợ.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, không phải tất cả mọi người sau khi khỏi COVID-19 đều cần đi khám hậu COVID-19. Tuy nhiên cũng không nên có tư tưởng chủ quan, hậu COVID-19 sẽ không sao.

Nhóm cần đi khám hậu COVID-19 là:

- Người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, từng nhập viện điều trị COVID-19, người có nhiều bệnh nền

- Người có triệu chứng bất thường sau một tháng khỏi bệnh mà không thể lý giải bằng nguyên nhân khác.

Với nhóm người khỏe mạnh thì tiếp tục tập thể dục, nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng, vận động, lắng nghe cơ thể.

ANH ĐÀO