38% người dùng Việt Nam gặp lừa đảo khi thanh toán số
Cuộc sống số - Ngày đăng : 14:22, 07/04/2022
Kaspersky Việt Nam vừa cho biết có gần 72% người dùng Đông Nam Á gặp phải ít nhất một cuộc tấn công mạng vào các phương thức thanh toán kỹ thuật số (ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking…).
Hơn một phần tư số người tham gia khảo sát đã gặp phải các trò lừa đảo phi kỹ thuật (Social Engineering) qua tin nhắn hoặc cuộc gọi (37%), trang web giả mạo (27%), các khuyến mãi giả mạo (27%) và một phần tư báo cáo đã nhận được các trò lừa đảo trực tuyến (25%).
Đáng chú ý, lừa đảo phi kỹ thuật là mối đe dọa hàng đầu đối với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia (40%), Malaysia (45%), Philippines (42%), Singapore (32%) và Việt Nam (38%). Duy chỉ có Thái Lan với mối đe dọa hàng đầu là trang web giả mạo (31%).
Tiếp xúc nhiều với các mối đe dọa mạng có thể liên quan trực tiếp đến mức độ nhận thức cao hơn. Lừa đảo phi kỹ thuật, trang web giả mạo, các khuyến mãi giả mạo là một trong những mối đe dọa thường gặp nhất, với tỷ lệ nhận biết cao lần lượt là 72%, 75% và 64%.
Về việc đo lường tác động tài chính của một sự cố mạng liên quan đến thanh toán kỹ thuật số, số tiền tổn thất chủ yếu được giới hạn từ dưới 100 USD đến 5.000 USD, với một tỷ lệ rất nhỏ những người trả lời báo cáo rằng đã bị mất hơn 5.000 USD.
Đa số người trả lời (52%) thừa nhận rằng họ bị mất tiền do lừa đảo tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng. Trong nhóm này, 23% mất dưới 100 USD, 13% mất từ 101-500 USD, trong khi 48% cho biết họ không mất đồng nào từ mối đe dọa này.
Tài khoản bị tấn công bởi vi phạm dữ liệu (47%), ứng dụng giả mạo và gian lận (45%), mã độc tống tiền ransomware (45%), và các khuyến mãi giả mạo (43%) cũng được liệt kê là 5 mối đe dọa hàng đầu dẫn đến tổn thất tài chính ở Đông Nam Á.
Tác động của một mối đe dọa mạng đối với thanh toán kỹ thuật số không chỉ tạo ra gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của họ.
Sau khi gặp sự cố mạng, hơn hai phần ba người trong khu vực (67%) nói rằng họ trở nên cảnh giác hơn. Hơn một phần tư (32%) cũng lo lắng về việc đòi lại số tiền đã mất của họ.
Người tiêu dùng cũng lo ngại về mức độ đáng tin cậy. Khoảng 36% cho biết họ vẫn tin rằng ngân hàng và nhà cung cấp ví di động sẽ giải quyết vấn đề, nhưng 18% cho biết họ ít tin tưởng hơn vào các nhà cung cấp thanh toán kỹ thuật số.
Hơn một phần tư (30%) số người trả lời đã tự trách mình vì sai lầm đó, trong khi một phần nhỏ (12%) thừa nhận rằng vì chúng mà họ xảy ra hiểu lầm với vợ/chồng, thành viên gia đình và bạn bè.
Khi nói đến hành động được thực hiện sau khi gặp phải các mối đe dọa, gần hai phần ba số người trả lời (64%) đã thay đổi mật khẩu và các cài đặt bảo mật khác trên ứng dụng ngân hàng và ví di động, một nửa trong số họ (50%) gọi đến ngân hàng hoặc công ty ví di động có liên quan, trong khi 45% thông báo cho các thành viên gia đình và bạn bè về vụ việc.
Người tiêu dùng cần chú ý nhiều hơn khi họ bắt gặp các mối đe dọa. Hơn một phần tư số người trả lời (26%) cho biết họ đã cài đặt các giải pháp bảo mật trên các thiết bị đã bị tấn công, trong khi tỷ lệ tương tự (26%) cho biết họ đã làm như vậy cho dù thiết bị của họ có bị tấn công hay không. Bắt đầu lại cũng là một lựa chọn, 15% người trả lời cho biết họ đã tải xuống ví di động mới và tạo tài khoản mới để an toàn.