Tác động của xung đột Nga-Ukraine: Khả năng về chiến tranh lạnh mới

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:41, 07/04/2022

Trong trao đổi với TG&VN, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, đã nêu quan điểm về những tác động của xung đột Nga-Ukraine.
Một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề xung đột giữa Nga-Ukraine. (Nguồn: AP).
Một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề xung đột giữa Nga-Ukraine. (Nguồn: AP)

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu quốc tế lâu năm, ông đánh giá thế nào về tác động của xung đột Nga-Ukraine đến Nga trong các cơ chế đa phương?

Từ góc nhìn của tôi, thế giới sau ngày 24/2 là một thế giới khác với những thay đổi căn bản, đặc biệt liên quan đến vị thế của Nga ở châu Âu và trên thế giới, cũng như quan hệ giữa các nước lớn và cục diện thế giới.

Tôi nhìn tác động của xung đột Nga-Ukraineđến quan hệ giữa Nga và các đối tác trong các diễn đàn song và đa phương, trong bối cảnh Mỹ và phương Tây cùng các đồng minh áp đặt lệnh cấm vận hết sức ngặt nghèo, dưới bốn góc độ:

Một là, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), các hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế LHQ, vị thế của Nga có bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể do Nga là thành viên thường trực HĐBA và có quyền phủ quyết.

Hai là, tại các diễn đàn như Tổ chức Hợp tác an ninh Thượng Hải (CSO), nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi)... trong đó không có sự tham gia của Mỹ và phương Tây, nhưng có sự tham dự của các đối tác gần gũi của Nga như Ấn Độ, Trung Quốc thì vị thế của Nga hầu như không bị sứt mẻ gì.

Ba là, tại các diễn đàn hợp tác khác, trong đó Nga chỉ là thành viên tham gia bình thường, còn Mỹ, các nước phương Tây và đồng minh của họ chiếm đa số thì hợp tác với Nga, cũng như ảnh hưởng của Nga bị sụt giảm đáng kể. Điển hình là đề xuất gần đây của Mỹ và một số nước phương Tây về việc loại Nga ra khỏi cơ chế G20, nhưng đã bị Trung Quốc và chủ nhà Indonesia phản đối.

Bốn là, tại các diễn đàn hợp tác Nga đóng vai trò chi phối, chủ yếu là các diễn đàn hợp tác trong “không gian hậu Xô viết” như Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU)... thì Nga thậm chí còn thắt chặt quan hệ với các nước thành viên trong các tổ chức này hơn trước.

Đấy là vị thế về mặt ngoại giao của Nga. Tuy nhiên, khi hợp tác kinh tế, thương mại với Nga, các quốc gia đều phải tính toán kỹ lưỡng để không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt.

Ông đánh giá thế nào về việc Nga bị loại dần ra khỏi các định chế quốc tế và các hệ quả và tác động?

Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, thế giới mới chứng kiến việc một cường quốc lớn như Nga bị Mỹ và các nước phương Tây “nhất hô, bá ứng” tìm cách áp đặt các biện pháp cấm vận và phong tỏa khắc nghiệt nhất, thậm chí còn hà khắc hơn cả những biện pháp cấm vận áp đặt đối với Iran và Venezuela. Tôi thấy việc này có một số hệ quả sau:

Một là, thực tế cho thấy việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với các quốc gia như Iran, Cuba Triều Tiên, Venezuela... gây ra những khó khăn về kinh tế và chính trị, nhưng hầu như không buộc được họ phải thay đổi chính sách. Do vậy, việc phương Tây hy vọng Nga sẽ thay đổi chính sách do tác động của các lệnh cấm vận là điều khó khả thi.

Hai là, với các lệnh cấm và đòn trừng phạt mang tính “hội đồng” của phương Tây hiện nay, chắc chắn sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng ngoại giao của Nga tại châu Âu và thế giới sẽ bị giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, cần thấy rằng Nga là nước lớn, có ảnh hưởng đối với thế giới trên ba vấn đề quan trọng: Quyền bỏ phiếu veto tại HĐBA, vũ khí hạt nhân và nguồn cung cấp tài nguyên cho thế giới. Do đó, thế giới cũng không thể trở nên an toàn và ổn định nếu không có Nga.

Ba là, có thể nói khủng hoảng Nga-Ukraine là cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, và tác động sâu rộng đến an ninh châu Âu, quan hệ giữa các nước lớn, cục diện thế giới trong hàng thập kỷ tiếp theo.

Cuộc khủng hoảng này có thể đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, đồng thời có khả năng tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và phương Tây một bên và bên kia là Nga và Trung Quốc.

Ảnh hưởng của cuộc chiến tới kinh tế thế giới?

Nhìn bên ngoài, tổng GDP của Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng trên 2% tổng GDP của thế giới và dường như có ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, do Nga là nước lớn, giàu tài nguyên, đặc biệt là gas, khí đốt, than đá, uranium và cả hai nước là đều là “rổ bánh mì”, cung cấp hàng trăm triệu tấn ngũ cốc hàng năm cho thế giới. Do đó, kinh tế thế giới đang và sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng:

Một là, giá cả năng lượng như dầu lửa, than đá, khí đốt, sắt, thép, kim loại màu, các kim loại quý hiếm, ngũ cốc... đều tăng chóng mặt. Điều này sẽ kéo theo tình trạng “siêu lạm phát” trên phạm vi thế giới.

Hai là, cộng với đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể đẩy nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái.

Sự suy thoái này bắt nguồn từ một loạt lý do như: giá cả hàng hóa cơ bản, lạm phát tăng nhanh hơn mức tăng tiền lương và tăng trưởng kinh tế; đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí giao thông đắt đỏ do phải tránh không phận và hải phận của Nga; chi phí giao dịch tăng do cấm vận; khan hiếm hàng hóa do mất nguồn cung các kim loại quý hiếm từ Nga như nickel, cobalt, uranium...

Đâu là chiều hướng giải quyết cuộc xung đột?

Tổng thống Putin và lãnh đạo Nga đã nêu ra bốn điều kiện để chấm dứt cuộc chiến, đó là: (i) Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga, công nhận hai nước cộng hòa tự xưng là Luhansk và Donetsk, đồng thời khôi phục việc sử dụng tiếng Nga; (ii) Ukraine không được gia nhập NATO; (iii) Ukraine phải “phi phát-xít hóa” và “trung lập hóa”.

Cho đến nay, Nga chưa thay đổi các điều kiện của mình. Các cuộc đàm phán chủ yếu xoay quanh chi tiết các đề nghị của Nga.

Do Nga là bên phát động chiến dịch quân sự, nên họ cũng sẽ là bên chủ động tuyên bố “chấm dứt” khi đạt được các mục tiêu đề ra. Nhìn tổng thể diễn biến trên chiến trường và các cuộc đàm phán hiện nay, ta thấy Nga đã đạt được phần lớn mục tiêu của mình.

Do đó, trong thời gian tới, nếu hai bên không sớm đạt được giải pháp thông qua thương lượng, thì Nga cũng sẽ đơn phương tuyên bố đạt được mục tiêu và kết thúc chiến dịch.

Xin cảm ơn ông!

XUÂN THÔNG