Có một cuộc chiến khác trong các bệnh viện Ukraine

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 13:10, 07/04/2022

'Chúng tôi cùng lúc đối phó với chiến tranh và với sự sống của những đứa trẻ bị ung thư', vị bác sỹ nói ngắn gọn nhưng ai cũng biết thật khó chu toàn hai việc cùng lúc, khi tiếng khóc của trẻ lẫn trong tiếng bom đạn.

Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt ở Kyiv là cơ sở nhi khoa lớn nhất Ukraine. Hình ảnh bác sỹ phẫu thuật Vitaly Demidov một bên đeo súng trường vừa ôm một đứa bé để hồi sức giành giật sự sống đã nổi tiếng toàn thế giới.

“Khi có còi báo động, chúng tôi phải cùng bệnh nhi và phụ huynh đi xuống tầng hầm. Năm hoặc sáu lần một ngày như vậy, xuống rồi lại lên", Demiov nói. Những bệnh nhi đang thở oxy không thể tạm ngưng, đồng nghĩa các y bác sỹ phải chạy cùng để vận hành máy thở bằng tay.

12_11zon-3-.jpg
Bên trong tầng hầm tránh bom của Bệnh viên Nhi đồng Okhmatdyt ở Kyiv. Ảnh: Chris McGrath/Getty

Những bức ảnh được Demidov và đồng nghiệp chia sẻ với Time cho thấy cảnh tượng kinh hoàng. Một cậu bé bị rách hết má phải. Một thiếu nữ nằm bất động với nẹp ở chân, ống quần rách toạc và tóe máu. Một cậu bé 10 tuổi thoi thóp thở, cha mẹ cậu vừa bị lính Nga bắn chết.

Giữa cuộc pháo kích, một cuộc phẫu thuật phức tạp đã được tiến hành để cứu cô gái 15 tuổi đến từ vùng Volyn ở phía tây bắc Ukraine, với chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho.

13_11zon-3-.jpg
Các bà mẹ thăm những đứa trẻ bị ung thư nằm tại Khoa Ung bướu bệnh viện Okhmatdyt. Ảnh: Chris McGrath/Getty

Ở tầng hầm , rất nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy và lọc máu. Khi đang soạn email kể với Time, Trưởng khoa chăm sóc đặc biệt của Trung tâm phẫu thuật tim và tim mạch nhi Vadym Tkachuk thẫn thờ nghe tin một đứa trẻ bị tim bẩm sinh vừa chết vì không kịp đến bệnh viện.

Giữa tất cả những khổ đau đó, các bác sỹ vẫn phải nâng cao tinh thần cho bọn trẻ. Họ hát và bày trò chơi khi ở bên trên đạn vãi như mưa. Có hai buổi sinh nhật thậm chí đã được tổ chức trong tầng hầm. Bác sỹ Natalia Karpenko không kìm nén được cảm xúc: “những đứa trẻ bất hạnh”.

14_11zon-3-.jpg
Nhân viên y tế vừa phục vụ bệnh nhân vừa kiêm luôn việc dọn dẹp hư hại ở các phòng bị pháo kích của bệnh viện. Ảnh: Evgeniy Maloletka/AP.

Trong bom bạn chiến tranh, những y bác sỹ gánh hi vọng từ bệnh nhân lớn hơn bao giờ hết. Kể từ khi đất nước bị người Nga tấn công, bác sỹ Roman Kizyma, Trưởng khoa ung thư tại Trung tâm Y tế chuyên khoa nhi Tây Ukraina ở Lviv, dành phần lớn thời gian của mình để làm quen với những thách thức mà ông chưa từng được đào tạo: vận chuyển những đứa trẻ vừa được cấy ghép tủy xương từ một bệnh viện khác cách đó 350 dặm trong một khu vực chiến sự nặng nề. Số bệnh nhi ung thư tăng gấp 3 lần số bệnh nhân ông thường điều trị tại bệnh viện. Chưa kể ông phải lên kế hoạch sơ tán hàng trăm bệnh nhi nặng đến các bệnh viện khắp châu Âu.

5_11zon-2-.jpg
Sự hốt hoảng thể hiện rõ trên khuôn mặt của người đàn ông bế con rời khỏi bệnh viện tại Kyiv. Ảnh: Evgeniy Malotka/AP.

“Một quy trình phức tạp, chúng tôi chưa bao giờ làm điều này trước đây. Tôi nghĩ ở những nơi khác trên thế giới cũng không có nhiều kinh nghiệm chuyện này”. Nhưng Kizyma vẫn quyết tâm làm, như một cách vệ quốc. Vận chuyển bệnh nhân bình thường đã khó, bệnh nhân đang hồi phục sau cấy ghép tủy như Kizyma làm càng khó hơn. Vì “rất nguy hiểm đến khả năng sống sót”.

Ở bệnh viện của ông, nhiều bác sỹ từ Kyiv, Kharkiv và các thành phố lớn khác ở miền nam Ukraine đã di tản đến, tình nguyện giúp chăm sóc bệnh nhân. Mẹ của Kizyma cũng là bác sỹ chuyên khoa nhi và nằm trong nhóm chăm sóc bệnh nhi tại Lviv.

15_11zon-3-.jpg
Bé gái tên Alana được sinh mổ tại bệnh viện Mariupol khi thành phố vẫn đang bị bao vây. Mẹ của bé đã mất vài ngón chân trong khi sơ tán khỏi trận pháo kích của Nga. Ảnh: Evgeniy Malotka/AP.

Tính đến 15/3, Hệ thống giám sát các cuộc tấn công vào chăm sóc sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận 31 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, nhân viên y tế và xe cứu thương khiến 12 người chết, 34 người bị thương.

Theo điều 25 quy tắc nhân đạo quốc tế của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, nhân viên y tế làm nhiệm vụ phải được tôn trọng và bảo vệ trong mọi trường hợp. Nhưng một dòng trạng thái ngày 1/3 trên Facebook của Viktor Liashko, Bộ trưởng Y tế Ukraine, khiến người xem phải nhói lòng: Marina Kalabina, bác sĩ gây mê nhi khoa, đã thiệt mạng khi lực lượng Nga bắn vào xe của cô khi đang chở cháu trai của mình bị thương đến bệnh viện gần Kyiv.

20_11zon-4-.jpg
Anastasia Erashova ngồi ôm con khóc ở hành lang bệnh viện Mariupol. Một người con khác của cô gái này đã thiệt mạng sau cuộc pháo kích vào thành phố. Ảnh: Evgeniy Malotka/AP

Oksana Sulaieva – Giám đốc CSD, một trong những phòng thí nghiệm bệnh lý lớn nhất Đông Âu đã trải qua những ngày đầu chiến tranh trong một hầm trú ẩn dưới lòng đất cùng con gái 18 tuổi, con trai 15 tuổi và nhiều đồng nghiệp.

Sulaieva kể rằng cuộc ném bom của Nga đã phá hủy 2 khu văn phòng tại Kyiv nhưng rất may phòng thí nghiệm trung tâm của cô vẫn bình an. Khi đó là giữa tháng 3, bây giờ chẳng biết ra sao.

Cả nhà cô và các đồng nghiệp được lệnh sơ tán về Lviv, để thành lập một phòng thí nghiệm dã chiến nhằm hỗ trợ các bệnh nhân và bác sĩ trong những chẩn đoán chuyên khoa. Trên chuyến xe của CSD về Lviv, các thiết bị phòng thí nghiệm và vật tư y tế nhiều hơn người.

3_11zon-2-.jpg
Sản phụ Mariana Vishegirskaya lê xuống cầu thang bệnh viện với khuôn mặt bết máu để đến một bệnh viện khác và sau đó hạ sinh một bé gái. Ảnh: Evgeniy Malotka/AP.

Trước khi người Nga vào, ít nhất 2000 trẻ em Ukraine đang được điều trị ung thư. Carlos Rodriguez-Galindo, Phó Chủ tịch điều hành Bệnh viên nhi St Jude Global đang hoạt động tại Ukraine than thở: “Chúng tôi cùng lúc đối phó với chiến tranh và với sự sống của những đứa trẻ bị ung thư”. Ông không nói thêm nhưng ai cũng biết thật khó để chu toàn hai việc cùng lúc khi tiếng khóc của trẻ lẫn trong tiếng bom đạn.

Khoảng 400 bệnh nhi mắc bệnh ung thư đã được chuyển từ Ukraine đến các bệnh viện ở các nước châu Âu để nhờ điều trị.

WHO nhiều lần bày tỏ lo ngại nguy cơ xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm như sởi, bại liệt, COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác tại Ukraine, vì các yếu tố như phá hủy cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh, tiêm chủng không đầy đủ, di tản đông người.

16_11zon-2-.jpg
Bác sỹ đang thăm khám cho một người phụ nữ bị mảnh bom cắt cụt chân phải khi ngôi làng của cô đang bị Nga kiểm soát. Ảnh: Getty

Bác sỹ Oksana Zayachkivska, chủ nhiệm khoa sinh lý học tại bệnh viện ĐH Y khoa Quốc gia Lviv, luôn bị ám ảnh về một em bé sơ sinh chết vì viêm phổi sau thời gian cùng gia đình trốn chạy giao tranh. Bà nói: “không thể có chuyện trẻ sơ sinh ở thế kỷ 21 chết vì viêm phổi”.

Đồng nghiệp của bà, bác sỹ tim mạch Nelya Oryshchyn, ám ảnh với trường hợp một bệnh nhân trưởng thành bị thuyên tắc phổi khi di tản từ Kyiv đến Lviv. Toa tàu hôm đó có 4 giường nhưng phải nhét đến hàng chục người. Bệnh nhân xấu số đã lên cơn đau ngực ngay trên tàu và không có cơ hội để gặp bác sỹ tại Lviv.

11_11zon-3-.jpg
Trong cảnh thiếu thốn vật tư, thiết bị y tế, một cuộc phẫu thuật dã chiến vẫn diễn ra để cứu mạng một người đàn ông. Ảnh: AP

Chồng Oryshchyn cũng là bác sĩ gây mê, đã phải hoãn toàn bộ lịch phẫu thuật để chuyển sang chăm sóc các bệnh nhân ung thư. Lviv không bị ảnh bom đạn nhiều như Kyiv vì thế số bệnh nhân từ nơi khác dồn về tăng gấp 3 lần. Nhưng cứ khi có báo động, các nhân viên y tế sẽ kiêm luôn công việc chuyển bệnh nhân xuống tầng một hoặc tầng hầm để trú ẩn.

Nhưng những vất vả đó không đáng sợ bằng việc thiếu thuốc men, thiết bị, vật tư y tế để cứu người. Sự thiếu hụt nguồn cung cấp đã buộc Oryshchyn và các đồng nghiệp phải đơn giản hóa quy trình điều trị. Chẳng hạn, họ vẫn có thể mở động mạch vành bị tắc bằng bóng nhưng không có stent để giữ cho động mạch mở. “Tất nhiên còn hơn không”, bà nói.

Nhiều bệnh nhi động kinh phải co ro trong tầng hầm lạnh lẽo, những cơn co giật ập đến mà không có thuốc chống động kinh.

9_11zon-2-.jpg
Một tình nguyện viên đang thống kê thiệt hại ở một bệnh viện sau khi bị trúng bom. Ảnh: AP

WHO đã chuyển khoảng 150 tấn vật tư y tế thông qua các đường cung cấp được thiết lập từ nhà kho ở Lviv đến các vùng khác của Ukraine. Nhưng tình hình hiện tại chẳng có gì đảm bảo viện trợ y tế sẽ đến được với bệnh nhân.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng: “sự gián đoạn các dịch vụ và nguồn cung cấp trên khắp Ukraine do chiến tranh đang gây ra nguy cơ cao đối với những người mắc bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, HIV và lao, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Ukraine”.

Một bức ảnh của AP về các nhân viên cấp cứu khiêng một sản phụ trên cáng bên ngoài bệnh viện sau vụ tấn công của quân Nga đã lan truyền khắp thế giới. Hình ảnh bi thương đó, có đủ đánh động lương tri thế giới?

Bình An (tổng hợp)