Cao ốc 11 tầng sẽ "thế chỗ" dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình có gì đặc biệt?

Xã hội - Ngày đăng : 13:02, 07/04/2022

Theo phương án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận, Công trình đa chức năng Postef thay thế dãy nhà xưởng Pháp cổ ở Ba Đình gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2017, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Công đã ký văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình). Đây là bản vẽ do Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) đề nghị.

Cao ốc 11 tầng sẽ thế chỗ dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình có gì đặc biệt? - 1

Phối cảnh góc phương án thiết kế kiến trúc Công trình đa chức năng Postef trên khu đất số 61 phố Trần Phú (Ảnh: Huy Thanh).

Về phương án kiến trúc, phần tầng hầm 6, 5, 4 lần lượt được bố trí các chức năng kỹ thuật; chỗ đỗ xe, khu kỹ thuật; tầng hầm 3 bố trí chức năng nhà hàng, văn phòng, dịch vụ (phòng gym) và kỹ thuật; tầng hầm 2 bố trí chức năng văn phòng, dịch vụ (massage) và kỹ thuật; tầng hầm 1 bố trí chức năng văn phòng và kỹ thuật.

Đối với phần tầng nổi, ở tầng 1 được bố trí chức năng sảnh, văn phòng và kỹ thuật; tầng 2, 3, 4 bố trí chức năng văn phòng; từ tầng 5 đến tầng 11 bố trí chức năng khách sạn.

Tổng chiều cao công trình khoảng 42,9 m (tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang trên mái tầng 11).

Bên cạnh đó, diện tích đất nghiên cứu khoảng 9.078 m2; trong đó diện tích đất thuộc phạm vi mở đường quy hoạch khoảng 1.555 m2; diện tích đất lập dự án khoảng 7.523 m2.

Về các chỉ tiêu quy hoạch, khu vực này được phép xây dựng công trình có diện tích khoảng 3.737 m2; mật độ xây dựng là 50 %. Tổng diện tích sàn xây dựng tầng nổi khoảng hơn 32.300 m2; tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng hơn 43.000 m2.

Cao ốc 11 tầng sẽ thế chỗ dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình có gì đặc biệt? - 2

Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng việc phá dỡ dãy nhà xưởng Pháp cổ để kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan (Ảnh: Hữu Nghị).

Trong đó, diện tích sàn thương mại, văn phòng và dịch vụ hỗn hợp khoảng hơn 33.860 m2; diện tích sàn khách sạn khoảng 19.454 m2; diện tích sàn tầng hầm để xe khoảng 16.674 m2; diện tích sàn tầng hầm kỹ thuật khoảng 7.373 m2.

Đối với các yêu cầu về kiến trúc công trình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội yêu cầu trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình theo góp ý của các thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, hội nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn thiết kế có năng lực để được tư vấn, góp ý, hoàn thiện hình thức kiến trúc công trình, đảm bảo phù hợp với chức năng sử dụng, có tính thống nhất với các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình theo quy hoạch chi tiết tại khu vực đã được phê duyệt.

Đến giữa tháng 6/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án này với tổng vốn và nguồn đầu tư khoảng hơn 1.574 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Đến năm 2018, UBND TP Hà Nội có quyết định cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Công trình đa chức năng Postef.

Him Lam liên quan thế nào đến dự án này?

Như Dân trí đưa tin, nhiều ngày qua, dư luận xôn xao khi hay tin các công trình cao tầng có kiến trúc kiểu Pháp, xây dựng vào năm 1925 (là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện) được phá dỡ để thi công dự án.

Ngay sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú.

Ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, tổ chức rà soát tổng thể, kiểm tra thủ tục liên quan đến dự án trên. Trong thời gian chờ kiểm tra, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng việc phá dỡ, thi công xây dựng, thực hiện đầu tư dự án này.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 7/4, đại diện Công ty Cổ phần Him Lam cho biết, dự án này có sự tham gia của đơn vị với vai trò "nhà tư vấn" và khẳng định không có việc "đứng sau" dự án này.

Nguyễn Trường