Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Yêu biển từ những điều nhỏ nhất
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:47, 07/04/2022
Biển và tôi hình như có duyên tiền định, đi qua nửa cuộc đời, dù ít dù nhiều, dù thưa dù nhặt, biển vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ và cuộc sống của tôi. Sinh ra và lớn lên trên làng chài nhỏ của vùng ven biển miền Trung, tuổi thơ tôi gắn liền với mùi biển mặn chát, với những lần theo ông ra kéo lưới khi trời còn tờ mờ sáng. Sau này lớn lên, tôi nên duyên với một chàng trai cũng gắn bó với biển trên những con tàu đêm ngày đi không biết mệt mỏi để bảo vệ chủ quyền của biển đảo quê hương. Có lẽ bởi vậy nên tôi yêu biển, yêu mùi muối mặn chát, yêu tiếng sóng ngày đêm vỗ rì rào không phút nào ngơi nghỉ.
Tôi còn nhớ thú vui của tụi tôi hồi đó là chiều chiều ra biển nhặt nhạnh từng miếng phao, xốp được sóng cuốn vào bờ, sau đó xâu thành từng vòng tròn hoặc một cây que dài để đưa ra biển tập bơi. Những chiếc “áo phao” tự chế tuy thô sơ nhưng cơ chế hoạt động cũng tốt không kém gì mấy áo phao đẹp đẽ đầy đủ sắc màu của bây giờ. Tắm xong, sau khi đã cất “áo phao” kỹ càng đảm bảo ngày mai đi tắm vẫn có dùng không phải đi nhặt lại, chúng tôi lại lang thang trên bờ cát để xem có gì hay ho được dạt vào bờ không.
Khi là cái bình rượu dạng hình hồ lô trong mấy phim kiếm hiệp của Trung Quốc mà các cao thủ hay dùng, khi là một chiếc bật lửa bật nắp như thời kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp mà mấy ông trong xóm hay đưa ra khoe với nhau mỗi tối khi cả xóm tụ họp quanh ấm nước chè xanh nghi ngút khói, có khi là một thứ đồ vật bắt mắt in dày hàng chữ nước ngoài mà chúng tôi cũng không biết là gì. Những thứ đó đều được chúng tôi tha về, cái nào dùng được thì rửa sạch sẽ hong khô, trụng qua nước sôi; thứ nào không biết là gì thì chờ bố mẹ về giao lại cho bố mẹ “nghiên cứu, xem xét”. Giờ có nhiều thứ vẫn được mẹ tôi giữ lại gác trên cái chái bếp cũ đã lâu không hoạt động như một cách để lưu giữ lại kỷ niệm của một thời đói khổ.
Giờ đây lâu lâu về quê, tôi đều đi ra biển, một mình lang thang trên bãi cát. Giờ đây, biển không còn “thanh vắng”, cũng không còn những thứ hay ho hồi xưa chúng tôi xem như “tài sản” quý. Giờ nhìn đâu cũng chỉ thấy chai lọ, bao bì ni lông, thi thoảng lẫn vào các mảnh phao vụn. Có nhiều lúc còn gặp cả một đống đồ ăn thừa của những người cắm trại để lại trên bờ biển sau một đêm tụ tập, ăn uống, hát ca. Tôi lại ngậm ngùi đi thu dọn từng thứ một, phân loại rõ ràng từng thứ vào các túi rác, sau đó đưa đến nơi tập kết rác.
Có nhiều đêm đang ngủ nghe tiếng mưa, tiếng nước biển dâng lên rào rạt, tôi lại giật mình mở mắt và tự nhủ ngày mai sẽ đi ra biển để xem sau trận mưa đêm, biển của tôi thế nào. Thương lắm khi nhìn thấy mặt biển dâng lên cơ man nào là rác, tôi cứ cần mẫn tha thẩn đi nhặt từng thứ một, huy động thêm cả mấy đứa con nít choai choai trong xóm, còn hứa với chúng sau khi làm xong sẽ cho mỗi đứa 10 ngàn mua bánh. Bao bì ni lông nhặt bỏ vào thùng riêng, rồi chai nhựa, chai thủy tinh để riêng, những thứ như rác lá cành cây thì dồn lại rồi đưa ra ngoài bãi rác cách đó không xa. Lâu lâu lại nghe thấy tiếng hò reo của tụi nhỏ vì thấy thứ gì đó lạ mắt, mới mẻ như chúng tôi hồi xưa, tôi bỗng thấy lòng bình yên đến lạ. Loay hoay cả một buổi sáng cũng góp được cả một đống lỉnh kỉnh nào là bao bì ni lông, rồi chai nhựa, chai thủy tinh… Lại huy động mấy đứa chở xe đạp đưa đồ về nhà, chai nhựa thì cho mấy đứa đưa ra bà ve chai đầu ngõ bán lấy tiền rồi chia hết mang về cho bố mẹ, những đồ còn lại không bán được như bao ni lông ướt hay một vài thứ chai lọ, tôi đưa về nhà hết, giặt giũ lau chùi sạch sẽ rồi hong khô cất đó cho mẹ dùng dần. Thế là cả tháng tiếp theo mẹ không cần ra chợ mua bao ni lông về đựng đồ, bỏ rác, không cần mua thêm chai thủy tinh mới để đựng rượu cho cha. Không phải những thứ trôi vào từ biển không có ích mà ngày nay mua những thứ đó quá dễ dàng nên con người ta không muốn phí thời gian vào việc đi nhặt đồ cũ để dùng lại.
Phải nói là so với một số vùng biển tôi đã từng đi qua thì biển quê tôi cũng được gọi là sạch sẽ vì ở đây vào các dịp hè khi mùa du lịch được khởi động, Đoàn Thanh niên địa phương sẽ phối hợp với các chi đoàn của khối THPT đóng trên địa bàn phát động phong trào “Làm sạch bãi biển”. Vào các dịp đó, màu áo xanh tình nguyện lại phủ xanh bãi biển, và khi họ rời đi, để lại một bãi biển không rác thải, sạch sẽ nguyên sơ. Nhưng mùa hè qua đi, khi các hoạt động như vậy không còn rầm rộ, bởi thiếu bàn tay con người nên biển lại đầy rác. Trong niềm băn khoăn đó, bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung - một đoàn viên có mặt trong dịp lễ phát động ra quân làm sạch biển chia sẻ: “Em thấy rất vui vì đã góp sức mình làm sạch biển quê hương. Hy vọng đoàn trường sẽ tổ chức hoạt động ý nghĩa như thế này nhiều hơn, thường xuyên hơn, dù không phải mùa hè và chúng em còn phải đi học nhưng chúng em sẽ cố gắng tham gia để mỗi bản thân chúng em đem việc giữ gìn bãi biển sạch sẽ in sâu vào trong tiềm thức”.
Thiết nghĩ tại sao chúng ta không dành một chút thời gian ra biển để làm sạch bờ biển quê mình thay vì dành thời gian để lướt facebook, tiktok, sao chúng ta cứ chỉ biết bắt trẻ em học bài trên sách vở mà không để chúng làm những việc thiết thực hơn như cái cách tôi đã nhờ bọn trẻ trong xóm. Những đứa trẻ đó, thỉnh thoảng vẫn dạo biển lượm đồ rồi đưa những thứ chai lọ đó bán lấy tiền mua nhãn vở, mua kẹo mút. Có đứa thay vì chơi xe nhựa hay súng nhựa, giờ luôn kè kè bên hông chiếc bình hồ lô nhặt từ biển sau bao lần ra biển tìm “vận may” sau khi nghe tôi cho xem chiếc bình hồi xưa tôi đã nhặt được trên biển. Vậy đó, đừng suy nghĩ về những gì quá lớn lao, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày để góp phần gìn giữ biển quê hương luôn xanh mãi một màu xanh như chúng ta từng lưu giữ trong ký ức suốt cuộc đời.
Khi việc giữ gìn biển xanh - sạch - đẹp không chỉ là khẩu hiệu mà nó đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con của biển, khi ta không xả rác ra biển, khi đi trên bờ cát thấy rác thải ta sẽ dành chút thời gian dừng lại nhặt lên bỏ vào thùng rác, không thờ ơ khi thấy người khác mặc sức xả rác ra biển… thì tương lai về một bãi biển không có rác sẽ không còn xa nữa.