Thực hư thông tin dùng đũa, thớt mốc gây ung thư gan

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 09:03, 07/04/2022

Thông tin thớt, đũa mốc là thủ phạm gây ra ung thư gan khiến nhiều người lo sợ, thực hư chuyện này thế nào?

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học Hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa học đã chứng minh, trong các loại ngũ cốc bị mốc như: gạo, lạc, đỗ, ngô, các loại hạt… có chứa độc tố aflatoxin.

Aflatoxin là một loại độc tố vi nấm được sản sinh một cách tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Ngoài việc gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính, nấm mốc Aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan. Theo tài liệu nghiên cứu của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, nấm mốc Aflatoxin hoạt động rất bền bỉ với nhiệt. Hoá chất này dạng tinh thể trắng, không bị phân huỷ khi đun nấu thông thường nên rất khó xử lý.

Ví dụ, những hạt lạc bị mốc được rang với nhiệt độ rất cao sẽ làm cho các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Chính vì thế, khi lạc bị mốc thì nên bỏ đi, dù có chế biến ở nhiệt độ cao, ăn vào vẫn gây nguy hiểm.

Còn đối với các sản phẩm đũa mốc, thớt mốc hoặc các vật dụng không sạch nếu dùng sẽ dễ mắc bệnh lý cấp tính và ngộ độc khác. “Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy trong đũa mốc, thớt mốc có chứa độc tố aflatoxin”, PGS.TS Phạm Cẩm Phương thông tin.

Thực hư thông tin dùng đũa, thớt mốc gây ung thư gan - 1

Bác sĩ lưu ý, vệ sinh thớt sạch sẽ, khô ráo để tránh ngộ độc cấp tính.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương cũng lưu ý, khi dùng đũa, thớt, thìa gỗ, người dân nên vệ sinh sạch, phơi khô để tránh ngộ độc cấp tính, mạn tính do có nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng…

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học Hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư gan ở giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Ung thư gan có triệu chứng rõ ràng thường đã ở giai đoạn muộn. Triệu chứng điển hình gặp ở đa số bệnh nhân là đau tức hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn.

Ở giai đoạn tiến triển muộn hơn người bệnh sẽ đau tăng ở vùng hạ sườn phải và có tình trạng gan to, vàng da, vàng mắt, bụng chướng do có dịch ổ bụng…

PGS.TS Cẩm Phương cho biết, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan thường gặp ở người xơ gan do nhiễm viêm gan virus B, viêm gan virus C, hoặc bệnh nhân xơ gan do rượu, gan nhiễm mỡ, nhiễm độc aflatoxin, viêm gan B, viêm gan C.

Đối với những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư gan cần phải tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng và xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu là AFP, tại một số nơi có điều kiện có thể xét nghiệm AFP, AFP-L3, PIVKA II.

PGS Phương lưu ý, tất cả các trường hợp nam giới trên 40 tuổi có tình trạng xơ gan do bất cứ nguyên nhân gì nên tầm soát định kì ung thư gan. Ung thư gan nếu phát hiện sớm tỷ lệ sống trên 5 năm đạt tỷ lệ 70-80%.

“Về phương pháp điều trị ung thư gan, ở Việt Nam, các y bác sĩ cũng đã cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư gan từ thế giới. Đó là kỹ thuật ghép gan hay các phương pháp điều trị như đốt sóng cao tần, phương pháp nút mạch, xạ trị trong chọn lọc… Đặc biệt thời gian vừa qua, phương pháp điều trị ung thư gan toàn thân tiếp cận được với tiến bộ trong điều trị ung thư gan của thế giới. Vì vậy, người bệnh có thể yên tâm với đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam khi chẩn đoán, đánh giá giai đoạn từ đó lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân được tốt nhất”, PGS.TS Phương khẳng định.

(Nguồn: Vietnamnet)