Khoảnh khắc rồng Komodo bật nhảy cao 2 mét, đớp gọn dơi trên cây
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 08:11, 07/04/2022
Rồng Komodo (tên khoa học: Varanus komodoensis) là sinh vật ăn thịt đầu bảng, không hề e ngại phải đối đầu với đối thủ nào, và chúng có thể ăn thịt bất cứ con mồi nào trong môi trường sống của mình. Thế nhưng tham vọng ăn thịt một con dơi đang đậu trên cây cao của nó liệu có quá sức?
Trong đoạn video, có thể thấy con rồng Komodo đã đánh hơi thấy con dơi đang bám cheo leo trên một thân cây. Đây là loài dơi ăn quả mũi ngắn (Cynopterus titthaecheilus), là một loài động vật đặc hữu của Indonesia.
Khi nhận thấy kẻ thù đang cố gắng leo lên để tóm lấy mình, con dơi cũng đã di chuyển lên cành cây cao hơn để "lánh nạn".
Ít ai nghĩ rồng Komodo với thân hình nặng nề và những cái chân ngắn, có thể gây nguy hiểm cho các loài động vật sống trên cây. Thế nhưng, con rồng cho thấy mình là một kẻ đi săn thượng thừa, khi nhiều lần dùng sức để đè mạnh vào thân cây, hòng khiến dơi mất thăng bằng, ngã xuống.
Khi chiến lược này bất thành, con rồng Komodo nhấc 2 chân trước, và cố gắng bật nhảy bằng 2 chân sau. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng nó đã thành công khi dùng hàm răng sắc nhọn của mình để đớp gọn con mồi ở độ cao khoảng 2 mét.
Con dơi tội nghiệp nhanh chóng bị nghiền nát trong miệng kẻ săn mồi. Chỉ trong khoảng nửa phút, rồng Komodo, với hàm răng sắc nhọn tựa như cá sấu, đã nuốt xong bữa trưa của nó.
Rồng Komodo mặc dù có thân hình to lớn, nhưng chúng chạy khá nhanh, có thể đạt đến vận tốc khoảng 20km/h. Ngoài ra, chúng còn có thể lặn dưới nước sâu 5m, và trèo cây như các loài thằn lằn khác. Tuy nhiên, chúng ít khi trình diễn khả năng bật nhảy ấn tượng của mình như trong đoạn video trên.
Chúng là loài ăn thịt, với con mồi ưa thích là động vật không xương sống, chim, động vật ăn cỏ và cả động vật có vú chủ yếu sống dưới đất. Các tài liệu khoa học cho rằng chúng có nọc độc ở dạng protein, tiết ra từ hai tuyến ở hàm dưới.
Không chỉ vậy, ngay cả nước bọt của rồng Komodo cũng chứa tới 50 loại vi khuẩn khác nhau. Chỉ cần một vết cắn của loài rồng này cũng có thể khiến con mồi nhiễm độc rồi tử vong trước khi bị rồng nuốt trọn.
Rồng Komodo là loài phàm ăn, khi có thể ăn tới 80% trọng lượng cơ thể của nó trong một bữa ăn. Sau khi ăn, rồng Komodo thường phải lê mình đến vị trí có nắng để tăng tốc độ tiêu hóa. Nguyên nhân là bởi thức ăn trong dạ dày chúng có thể thối rữa và gây ngộ độc cho rồng nếu để quá lâu.
Tuy nhiên, cũng chính bởi bản tính phàm ăn, kết hợp với môi trường sống bị thu hẹp, nên từ chỗ có số lượng khá đông đảo lên tới hàng nghìn con, rồng Komodo hiện đang đứng trước nguy cơ sắp bị tuyệt chủng.