Kế hoạch B của Nga sau 40 ngày xung đột tại "chảo lửa" Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:25, 07/04/2022
KẾ HOẠCH B CỦA NGA SAU 40 NGÀY XUNG ĐỘT TẠI "CHẢO LỬA" UKRAINE
Sau hơn 5 tuần Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột này sẽ sớm chấm dứt và Moscow dường như đã thay đổi mục tiêu trong giai đoạn chiến sự tiếp theo.
Trong bài phát biểu hôm 25/3, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoy tuyên bố "các mục tiêu chính trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự tại Ukraine đã hoàn tất" và từ bây giờ, Nga sẽ tập trung vào mục tiêu "giải phóng Donbass". Thông báo này là tín hiệu cho thấy sự chuyển hướng của Moscow nhằm củng cố các nỗ lực tác chiến ở miền Đông Ukraine, nơi lực lượng Nga có thể giành được nhiều lợi thế hơn.
Các nhà quan sát cho rằng, Nga dường như đã từ bỏ mục tiêu ban đầu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine là kiểm soát thủ đô Kiev. Thay vào đó, Moscow đang thúc đẩy đà tiến công ở miền Đông và Nam Ukraine.
Giới phân tích nhận định "kế hoạch B" của Nga được đưa ra sau khi vấp phải sự phản kháng của lực lượng vũ trang Ukraine và những rào cản về mặt quân sự. Tuy nhiên, Moscow vẫn đặt ra nhiều mục tiêu cho chiến dịch tại Ukraine, đồng nghĩa với việc xung đột có nguy cơ kéo dài hơn và gây thiệt hại nhiều hơn.
5 mục tiêu trong kế hoạch B
Giới quan sát cho rằng có 5 mục tiêu mà Nga đang hướng đến trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tại Ukraine.
Chiến thắng biểu tượng
Một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin rất muốn thông báo về một số thành công của chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 9/5. Miền Đông Ukraine là mặt trận khả quan nhất cho kế hoạch này của Moscow.
Ngày 9/5 tới là dịp kỷ niệm 77 năm ngày chiến thắng phát xít Đức hay còn gọi là Ngày Chiến thắng. Ngày Chiến thắng là một trong những ngày lễ lớn ở Nga và thường diễn ra các lễ diễu binh trên khắp cả nước. "Nga sẽ diễu binh vào Ngày Chiến thắng bất kể tình hình xung đột hay diễn biến hòa đàm ra sao", một quan chức quốc phòng châu Âu bình luận.
"Tổng thống (Nga Vladimir) Putin coi trọng những ngày tháng mang tính biểu tượng và mang dấu ấn lịch sử nên ông ấy rất cần một chiến thắng trước ngày 9/5", Alexander Grinberg, nhà phân tích tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem (JISS), cho biết.
Sergei Karaganov, chủ tịch danh dự của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Moscow, đồng thời là cựu cố vấn của Điện Kremlin, cho rằng Nga "không thể chấp nhận thua cuộc, vì vậy Nga cần một chiến thắng" trước Ukraine.
Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, việc Nga rút quân khỏi một số thành phố như nước này tuyên bố không đồng nghĩa với việc Ukraine đã giành chiến thắng. Xét về tương quan lực lượng vũ trang, Nga vẫn áp đảo hơn Ukraine.
"Chúng ta có thể thấy họ đang chững lại hoặc không tiến xa hơn, nhưng không có nghĩa là họ bị đánh bại về mặt quân sự", Samuel Charap, chuyên gia về các vấn đề an ninh Nga của tổ chức tư vấn và nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation, cho biết.
Kiểm soát Mariupol
Trong khi lực lượng Nga dường như đang di chuyển khỏi Kiev và các khu vực khác ở phía Bắc Ukraine, Moscow không có động thái nào như vậy xung quanh Mariupol - thành phố cảng chiến lược bị bao vây trong nhiều tuần qua ở Đông Nam Ukraine.
Kiểm soát Mariupol sẽ là bước quan trọng đối với Nga trong việc hiện thực hóa mục tiêu thiết lập hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với vùng Donbass ở miền Đông Ukraine. Năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea sau một trưng cầu dân ý, bất chấp sự phản đối của Ukraine và phương Tây.
"Tôi dự đoán giao tranh vẫn dữ dội cho đến khi lực lượng kháng cự của Ukraine rút khỏi Mariupol", chuyên gia Grinberg nói.
Phía Bắc Mariupol có 2 khu vực ly khai thân Nga là Donetsk và Lugansk (hay còn gọi là Donbass), vì vậy việc kiểm soát Mariupol sẽ giúp Moscow kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Đông Ukraine.
Sau khi kiểm soát Mariupol, các lực lượng Nga có thể "tiến lên phía Bắc để giành quyền kiểm soát phần còn lại của Donbass, đồng thời tiếp tục kiểm soát phía Nam Ukraine cũng như khu vực ven biển Azov", chuyên gia Pierre Razoux tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải cho biết.
Một quan chức châu Âu lo ngại thành phố Mariupol có thể thất thủ trong vòng một tuần, tạo cho lực lượng Nga một chỗ đứng vững chắc để từ đó tiến lên phía Bắc và liên kết với các lực lượng từ phía Nam.
Kiểm soát thêm lãnh thổ
Ngoài Mariupol, các chuyên gia nhận định Nga sẽ đặt mục tiêu kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ khác của Ukraine. Tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, cảnh báo Moscow có thể tìm cách chia cắt Ukraine thành các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và không bị chiếm đóng.
Hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk, nơi được Nga công nhận độc lập hồi tháng 2, hiện chưa thể kiểm soát toàn bộ phạm vi của 2 vùng lãnh thổ mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Đông Ukraine.
Moscow khẳng định chính quyền ly khai phải có toàn quyền điều hành và kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Ukraine. Đây dường như là một mục tiêu quan trọng trong chiến dịch quân sự của Nga.
Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), "cuộc chiến còn lâu mới kết thúc và Nga vẫn có thể xoay chuyển tình thế nếu quân đội nước này có thể tiến hành một chiến dịch thành công ở miền Đông Ukraine".
"Tôi nghĩ khu vực cần chú ý trong tương lai gần là trận chiến ở Mariupol. Tuy nhiên, trận chiến quan trọng hơn nhiều sẽ diễn ra ở Donbass khi Nga cố gắng bao vây lực lượng Ukraine. Nếu họ thành công, Ukraine sẽ mất đi đáng kể sức mạnh chiến đấu. Đó là mặt trận duy nhất mà lực lượng Nga đã đạt được tiến triển", Michael Kofman, chuyên gia về quân sự Nga tại trung tâm nghiên cứu CNA, nhận định.
Cuối tuần trước, Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào cảng phía Tây Odessa. Các nguồn tin phương Tây cũng không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tấn công đổ bộ của Nga vào thành phố này, mặc dù kịch bản đó khó xảy ra ở thời điểm hiện tại.
"Nếu một lệnh ngừng bắn được đưa ra theo nguyên tắc "ai kiểm soát gì là của người đó", Nga có thể duy trì quyền kiểm soát thêm một số vùng lãnh thổ mới của Ukraine", Ivan U Klyszcz, học giả tại Đại học Tartu, Estonia, cho biết.
Kéo dài thời gian
Chiến dịch quân sự đã gây ra tổn thất cả về nhân lực và khí tài cho lực lượng Nga sau một tháng rưỡi triển khai. Moscow được cho là vấp phải sự kháng cự mạnh hơn dự tính từ lực lượng vũ trang Ukraine.
"Xung đột còn lâu mới kết thúc. Các cuộc tấn công mới sẽ tiếp tục diễn ra", Gustav Gressel, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), nhận định, đồng thời cho biết rằng binh sĩ là "nguồn lực chính" mà Moscow đang thiếu hụt.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng cho rằng, một cuộc xung đột kéo dài sẽ dẫn đến rủi ro nhiều hơn cho Nga, trong bối cảnh Ukraine dường như thành công với chiến thuật phản công trong những tuần qua.
"Nếu xung đột rốt cuộc trở thành một cuộc chiến tiêu hao lực lượng kéo dài, Ukraine nhìn chung có vị thế thuận lợi hơn", Michael Kofman, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, cho biết.
Chia rẽ phương Tây
Cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài, Điện Kremlin được cho là sẽ càng áp dụng một trong những chiến thuật là tìm cách chia rẽ phương Tây, giữa những nước muốn có đường lối cứng rắn nhất chống lại Moscow và những nước có quan điểm hòa giải hơn.
Hôm 4/4, Tổng thống Putin đã nhanh chóng chúc mừng một trong những đồng minh thân cận nhất trong Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Hungary Viktor Orban, sau khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giúp ông đắc cử nhiệm kỳ thứ 4.
Phương Tây cũng bắt đầu có tín hiệu rạn nứt. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng ông Putin không nên tiếp tục nắm quyền, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "phản pháo" rằng những phát ngôn như vậy là vô ích.
Ông Macron hôm 4/4 cho biết EU sẽ xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với các ngành công nghiệp dầu mỏ và than đá của Nga, nhưng không đề cập đến khí đốt tự nhiên - nguồn năng lượng mà châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga.
"Mục đích trong chiến dịch (của Nga) cũng là để chia rẽ dư luận", chuyên gia Razoux nói.
Lối thoát xung đột
Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tiến hành ít nhất 5 cuộc đàm phán kể từ khi xung đột nổ ra. Các cuộc đàm phán đó cho đến nay mang lại rất ít kết quả khả quan, nhất là khi Nga tiếp tục không kích các thành phố của Ukraine.
Tuy vậy, ngoại giao vẫn được xem là cách duy nhất để kết thúc xung đột và thỏa thuận hòa bình vẫn là cách cuối cùng để Nga và Ukraine chấm dứt chiến sự. Chính quyền Ukraine cũng phải đối mặt với sức ép từ các nước lớn ở châu Âu trong việc đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga, vì cuộc xung đột càng kéo dài, nền kinh tế khu vực và toàn cầu càng bị tổn thất nặng nề, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Một thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở thời điểm hiện tại rõ ràng hơn rất nhiều so với cách đây hơn một tháng. Trong những ngày đầu xung đột, các cuộc đàm phán không đạt được nhiều tiến triển rõ ràng. Ukraine yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và muốn Nga rút quân.
Tuy nhiên, Nga có những quan điểm khá khác biệt với Ukraine. Moscow đã đặt ra một số yêu cầu cứng rắn, như việc Ukraine phải duy trì trạng thái trung lập và không gia nhập NATO, việc phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, việc bảo vệ người nói tiếng Nga ở Ukraine, việc Ukraine phải công nhận Crimea là một phần của Nga, đồng thời công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk, 2 vùng lãnh thổ ly khai được Nga công nhận độc lập ở Đông Ukraine.
Trong những ngày gần đây, một số tia sáng lạc quan đã xuất hiện. Ukraine đã đưa ra các đề xuất nghiêm túc, xoay quanh cam kết trung lập vĩnh viễn và thỏa thuận không gia nhập NATO, để đổi lấy các đảm bảo an ninh. Nga được cho là cũng đã nới lỏng một số yêu cầu trước đây của nước này, bao gồm "phi phát xít hóa" và "phi quân sự hóa" - dấu hiệu cho thấy sự phản kháng của Ukraine trên chiến trường cho đến nay đã thúc đẩy Điện Kremlin xem xét lại một số yêu cầu.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người đang giúp điều phối các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, mô tả cuộc đàm phán mới nhất giữa 2 nước là bước tiến "có ý nghĩa nhất" từ trước đến nay. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những bước tiến không chắc chắn và có thể không kéo dài.
"Chúng ta có thể thấy các bên đạt được lệnh ngừng bắn. Nhưng nó sẽ không kéo dài", Dmitri Alperovitch, chuyên gia an ninh mạng tại Silverado Policy Accelerator, nhận định.
Tuần trước, Nga tuyên bố sẽ "giảm mạnh" hoạt động quân sự xung quanh 2 thành phố Kiev và Chernihiv để tạo "sự tin tưởng lẫn nhau", mặc dù vẫn có thông tin về các cuộc pháo kích ở những khu vực này. Một số nước, bao gồm Mỹ và NATO, hoài nghi tuyên bố rút quân của Nga. Các nước này cho rằng Moscow có thể sử dụng các cuộc đàm phán với Ukraine để "câu giờ", từ đó bố trí lại lực lượng và tập trung mục tiêu vào các cuộc tấn công ở miền Đông và miền Nam Ukraine.
Những bất đồng lớn giữa Nga và Ukraine vẫn chưa được giải quyết. Vấn đề nan giải nhất có lẽ là tương lai của bán đảo Crimea, cũng như tình trạng độc lập của Donetsk và Lugansk, bởi Ukraine khó có thể chấp nhận việc bị chia cắt lãnh thổ. Ngoài ra, các vấn đề khác sẽ tiếp tục phát sinh, trong khi các nhượng bộ và đề xuất giữa 2 bên vẫn có thể thay đổi tùy theo diễn biến chiến sự.
Viễn cảnh về một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng giữa Ukraine và Nga vẫn khó xảy ra. Kịch bản khả thi nhất trong ngắn hạn là Nga và Ukraine cùng đưa ra một lệnh ngừng bắn, bao gồm thiết lập khuôn khổ cho một thỏa thuận chung. Sau đó, cả 2 bên sẽ tiếp tục thảo luận để xây dựng thỏa thuận chi tiết. Trong khoảng thời gian đó, xung đột vẫn tiếp tục nổ ra.
Thành Đạt
Theo CNA, Foreign Policy, Vox
07/04/2022