Trung Quốc hiện diện quân sự ở Solomon: Bài toán khó với Australia
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:56, 06/04/2022
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare tại Bắc Kinh năm 2019. (Nguồn: The Guardian) |
"Nguy cơ an ninh" hiện hữu
Thông tin dự thảo thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon với Trung Quốc có thể sớm thành hiện thực khiến Australia lo ngại rằng Trung Quốc có thể tận dụng Solomon để thiết lập một căn cứ quân sự ở cửa ngõ phía Bắc Australia.
Nếu được Quốc hội Solomon thông qua, thỏa thuận này có thể cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự và bán quân sự tại các đảo có vị trí chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương.
Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình Quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) lưu ý rằng, theo yêu cầu của Trung Quốc và với sự chấp thuận của Quần đảo Solomon, Bắc Kinh có thể đưa tàu cập cảng, bổ sung hậu cần, neo đậu và chuyển tiếp ở Quần đảo Solomon.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sử dụng các lực lượng liên quan để bảo vệ an toàn cho nhân lực cũng như các dự án lớn ở quần đảo này.
Theo thỏa thuận, có lẽ Bắc Kinh sẽ có quyền triển khai các tàu Hải quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và Hải cảnh Trung Quốc đến Quần đảo Solomon, và các tàu này sẽ được bổ sung vào lực lượng Trung Quốc đóng tại đó.
Những lực lượng này cũng có thể được sử dụng để bảo vệ các dự án lớn của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon.
Sự hiện diện quân sự hoặc bán quân sự dài hạn đòi hỏi Trung Quốc phải hỗ trợ thường xuyên. Điều đó có thể thực hiện thông qua máy bay chở hàng của Lực lượng không quân PLA và các tàu của Hải quân PLA. Đó sẽ là một sự hiện diện quan trọng.
Vậy Australia nên phản ứng như thế nào?
Canberra có thể ứng phó bằng cách kết hợp ngoại giao và đối thoại, đồng thời lập kế hoạch quốc phòng một cách thận trọng.
Một số học giả an ninh quốc tế cho rằng, tốt nhất Australia nên có một lộ trình thông qua đối thoại và ngoại giao.
Mục tiêu là bảo đảm rằng ngay từ đầu, dự thảo thỏa thuận trên sẽ không được Quốc hội Solomon thông qua.
Chủ động thay vì phản ứng
Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành ASPI, đã đưa ra một phương án thuyết phục về cách tiếp cận toàn diện hơn đối với an ninh tại các quốc đảo Thái Bình Dương - là chủ động thay vì phản ứng.
Cách tiếp cận này đòi hỏi Australia phải khẩn trương giải quyết những vấn đề mà các nước đó quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, ngay cả khi Trung Quốc tỏ ra thờ ơ với vấn đề sống còn này.
Điều quan trọng là Australia phải nâng cao năng lực quản lý quốc gia và thực sự tập trung giải quyết các vấn đề thách thức ở các nước nhỏ hơn.
Australia cần thận trọng trước khả năng Quốc hội Solomon có thể thông qua thỏa thuận với Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc sẽ nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự trong tương lai.
Thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon cách thành phố Brisbane (Australia) khoảng hơn 2.000 km. Như ông Jennings lưu ý, đây sẽ là một địa điểm lý tưởng để thu thập thông tin tình báo qua tín hiệu và thiết lập một hệ thống radar trong tương lai gần, để giám sát hoạt động hải quân.
Việc Trung Quốc khai thác các vùng nước sâu ngoài khơi, theo đó sử dụng công nghệ mảng sonar dưới đáy biển để theo dõi hoạt động của tàu ngầm Australia, Mỹ và Anh bên ngoài căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở bờ biển phía Đông Australia cũng là điều dễ đoán.
Từ việc hiện diện quân sự ở Honiara trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ có thể tác động đến các quốc đảo Thái Bình Dương khác, trong đó có Vanuatu, nơi Bắc Kinh vừa xây dựng một cầu cảng nước sâu ở Espiritu Santo.
Một nơi đồn trú ở Honiara có thể cho phép Trung Quốc hiện diện nhiều hơn và ảnh hưởng rộng hơn trên khắp khu vực này.
Trong thời điểm xung đột, một căn cứ của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon có thể đe dọa các tuyến hàng hải, đồng thời trực tiếp đe dọa bờ biển phía Đông Australia lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
Nếu một cơ sở như vậy được xây dựng, thì rõ ràng Australia phải tăng cường giám sát ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương.
Việc mở rộng Mạng lưới Radar tác chiến Jindalee theo kế hoạch là bước đi đầu tiên mà Australia đang tiến hành, song nước này cần có một cách tiếp cận linh hoạt hơn để giám sát hàng hải ở Tây Nam Thái Bình Dương, trong trường hợp xảy ra xung đột.
Điều đó có thể bao gồm cả việc mở rộng và tăng tốc tình báo, giám sát và trinh sát trên vũ trụ nhằm kết hợp các vệ tinh giám sát đại dương và cung cấp khả năng theo dõi các tên lửa hành trình đang bay tới, trong đó có cả các tên lửa siêu thanh.
Ngoài ra, việc tăng cường các năng lực phản ứng và tuần tra hàng hải, kết hợp máy bay trinh sát P-8A Poseidon và các máy bay không người lái MQ-4C Triton và MQ-9B Sky Guardian chưa được bàn giao (nhằm giám sát bất kỳ hoạt động nào của hải quân Trung Quốc ở Tây Nam Thái Bình Dương) cũng rất quan trọng.
Đối phó với một mối đe dọa đang ngày càng lớn ở vùng biển phía Đông Australia cũng đòi hỏi Canberra phải tính toán lại về năng lực của Lực lượng phòng vệ Australia.
Bất kỳ ai lên nắm quyền sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới tại Australia sẽ cần theo đuổi các đánh giá về cả năng lực quốc phòng, kế hoạch cơ cấu lực lượng năm 2020 cũng như thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).
Môi trường chiến lược đang thay đổi nhanh chóng, vì vậy, việc phát triển năng lực và chính sách phải bắt kịp với tình hình hiện nay.