Áp lực trung lập của Ấn Độ trong xung đột Nga-Ukraine

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:54, 06/04/2022

Khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài, ngày càng có nhiều áp lực lên Ấn Độ phải làm rõ quan điểm tự chủ chiến lược của mình.
Áp lực trung lập của Ấn Độ trong xung đột Nga-Ukraine
Ấn Độ giữ lập trường trung lập trong xung đột Nga-Ukraine vì lợi ích của chính mình. (Nguồn PTI)

Giữa dòng chảy liên tục của trật tự thế giới, với tư cách là một cường quốc đang nổi lên, Ấn Độ cần khẳng định chỗ đứng của mình trong quá trình tái cấu trúc toàn cầu này.

Trên thực tế, vị thế của Ấn Độ rất phức tạp.

New Delhi có thể nhận thấy, sự rạn nứt trong mối quan hệ với Moscow có thể dọn đường cho quan hệ đối tác Nga-Trung-Pakistan.

Nga muốn ràng buộc Ấn Độ thông qua việc cung cấp và chiết khấu cao dầu Ural, được coi như một hình thức làm nghiêng cán cân tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy câu chuyện “châu Á và thế giới” để cô lập Ấn Độ với phương Tây.

Vì vậy, Ấn Độ phải khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh chia rẽ phức tạp khi ứng xử với các cường quốc phương Tây.

Phản hồi xung đột Nga-Ukraine, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã đề ra 6 nguyên tắc để đặt đất nước vào vị trí Ukraine - đối phó với một nước láng giềng hùng mạnh có những mục đích nhất định trên lãnh thổ của mình.

Thay vì phản ứng gay gắt, New Delhi đã kêu gọi Moscow tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia.

Cuộc đối đầu tiếp tục giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ khiến Nga trở nên yếu thế hơn so với Trung Quốc. Hệ quả sẽ là một Trung Quốc quyền lực hơn, điều mà Ấn Độ và thế giới không hề mong muốn.

Do đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải tận dụng thái độ trung lập của nước này để thúc đẩy ông Putin chấm dứt chiến tranh và lựa chọn đối thoại.

Trang Nhung