Sau 2 cú sốc 'chấn động' Tân Hoàng Minh, FLC, chứng khoán hôm nay diễn biến ra sao?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:51, 06/04/2022
Tháng 12/2021 Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất vàng tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) với mức giá trên trời. Phiên đấu giá này kéo theo cơn sốt đất ảo cùng với cơn sốt cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán. Một loạt mã cổ phiếu bất động sản “ăn theo” tăng giá sau thời điểm đó.
Tuy nhiên, cơn sốt ảo đang hoành hành thì thị trường lại chấn động bởi thông tin Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc, không mua lô đất vàng nói trên, hệ lụy kéo theo là đợt bán tháo cổ phiếu bất động sản, khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.
Tháng 1/2022, thị trường nhận cú sốc tiếp theo khi ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không thực hiện công bố thông tin theo quy định, dẫn đến việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, nhiều cổ phiếu bị liên lụy, nhất là cổ phiếu ngành bất động sản.
Hai đại gia Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng và những 'chấn động' trên thị trường chứng khoán |
Sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán chậm lại đà tăng trong phiên 5/4 trước bối cảnh UBCKNN huỷ 9 đợt chào bán trái phiếu của một số công ty. Chỉ số VNIndex mất 4,67 điểm (0,31%) với sắc đỏ trên diện rộng. Thanh khoản thị trường chỉ đạt 20,5 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trên HoSE cho thấy tâm lý thận trọng quan sát của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại.
Tin tức về việc hủy bỏ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh đã tác động tiêu cực đến nhóm bất động sản khiến nhiều mã chìm trong sắc đỏ IDC (-3%), DIG (-1,6%), KBC (-1,8%), ITA (-0,6%), HQC (-2,5%)... Các cổ phiếu thuộc nhóm FLC cũng đồng loạt giảm trong phiên này sau thông tin bắt thêm 1 người thuộc Ban kế toán tập đoàn như FLC (-2,2%), ROS (-5,4%), ART (-7,3%), HAI (-3,8%), AMD (-5,4%), KLF (-5%).
Những nhóm cổ phiếu mang tính thị trường cao như cổ phiếu ngành ngân hàng, cũng giảm, VPB (-1,8%), MBB (-1,1%), TCB (-1,2%), STB (-1,2%), CTG (-1,5%), TPB (-1,1%), SHB (-1,8%), ACB (-1,5%)... và chứng khoán với SSI (-1,6%), SHS (-1,8%), VIX (-2%), HCM (-1,9%), VCI (-1,2%), ORS (-1,4%), FTS (-1,6%)... đồng loạt điều chỉnh trong phiên hôm nay khi áp lực chốt lời gia tăng.
Ở chiều ngược lại, giá dầu thế giới tăng trở lại trong thời gian qua giúp cho nhóm dầu khí khởi sắc trở lại, có thể kể đến BSR (+1,9%), PVD (+0,7%), OIL (+1,1%), PSH (+1,6%), TDG (+0,4%), GAS (+1,7%)...
Nhận định về thị trường, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng khối lượng giao dịch trong phiên 5/4 giảm mạnh cho thấy nhiều khả năng VN-Index sẽ quay trở lại xu hướng tăng từ vùng hỗ trợ 1.515 - 1.520 điểm để tiếp tục đi lên thử thách lại vùng kháng cự gần nhất tại 1.537 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh tiếp tục suy giảm và là phiên thứ 2 liên tiếp thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang có sự thận trọng nhất định ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trên góc độ kỹ thuật, Công ty Chứng khóa SHS cho rằng xu hướng thị trường vẫn là tích cực và đà tăng có thể sẽ sớm trở lại trong thời gian tới.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 6/4, VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 1.515-1.530 điểm. Những nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước đó trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.530-1.550 điểm.
Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong quá trình đi lên, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc, điều chỉnh. Đó được xem là cơ hội tốt để các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục lên mức cao. Tuy nhiên, BVSC lưu ý việc giải ngân chỉ nên thực hiện khi thị trường và các cổ phiếu điều chỉnh để đón đầu xu thế vận động luân phiên của các nhóm ngành và cổ phiếu.
Hiền Anh