Hà Nội đặt mục tiêu trên 95% trẻ từ 5-11 tuổi tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:24, 05/04/2022
Đối tượng được tiêm bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học có chỉ định sử dụng vắc xin Covid-19 theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Chiến dịch tiêm chủng sẽ được tiến hành đồng loạt trên địa bàn TP, lộ trình triển khai theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi) cũng như theo tiến độ cung ứng vắc xin.
TP sẽ tổ chức tiêm tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động theo hình thức tiêm chủng thường xuyên. Địa điểm triển khai chính tại điểm tiêm chủng lưu động ở các trường học. Ngoài ra, tiêm tại trạm y tế hoặc cơ sở y tế cho đối tượng trẻ không đi học, đối tượng thận trọng, trì hoãn tiêm.
Hà Nội cũng huy động các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập, các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và hỗ trợ nhân viên có chứng nhận an toàn tiêm chủng tăng cường tại các điểm tiêm.
UBND TP Hà Nội yêu cầu việc triển khai các điểm tiêm chủng cần đảm bảo an toàn, chất lượng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tiêm chủng đúng đối tượng được lựa chọn, tổ chức các đội cấp cứu, kịp thời xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết, theo kế hoạch, đầu tháng 4/2022, 63 tỉnh thành sẽ đồng loạt bước vào chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Vắc xin được sử dụng do Pfizer và Moderna sản xuất. Cụ thể, Bộ Y tế cho phép sử dụng vắc xin của Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Trong khi đó, vắc xin của Pfizer tiêm cho đối tượng trẻ từ 5-11 tuổi.
Các phản ứng hay gặp khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ gồm đau đầu, đau khớp, tiêu chảy, đau tại vị trí tiêm, đau cơ, tỷ lệ phản ứng ở liều tiêm thứ 2 nhiều hơn. Có khoảng 1/10.000 đến 1/1.000.000 có thể bị viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên đến nay, các quốc gia đang triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi vẫn chưa ghi nhận báo cáo nào về phản ứng này.
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Bệnh Viện Nhi Trung ương, nhóm trẻ từ 5-11 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vắc xin Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin.
Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn. Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.
Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn đã đồng thuận đưa ra khuyến cáo với trẻ từng mắc Covid-19 rằng cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không.
Trường hợp trẻ sau mắc Covid-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C thì cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này. Nếu bé gặp hội chứng MIS-C đã hồi phục nhưng vẫn tồn tại biểu hiện ở các cơ quan thì cần đưa tới các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để thăm dò, đánh giá, xét nghiệm đầy đủ; sau đó tiến hành tiêm cho trẻ tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Các trường hợp cần thận trọng tiêm chủng là nhóm trẻ tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; bé rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý,…
Những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên ngoài trường hợp từng có hội chứng MIS-C còn gồm các trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc,…).
Quỳnh Anh