Thận trọng với hiệu ứng domino tự tử, làm thế nào để ngăn chặn?
Gia đình - Ngày đăng : 16:05, 05/04/2022
Hiện tượng học sinh tự tử xảy ra trong thời gian qua là một hồi chuông cảnh báo với toàn xã hội. Làm thế nào để ngăn chặn sự hình thành của chuỗi domino tự tử nếu có, PV Dân trí phỏng vấn Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc trung tâm đào tạo, ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay.
Học sinh chịu áp lực học tập kéo dài, sự kỳ vọng cao
PV:Liên tiếp các vụ học sinh tự tử xảy ra trong thời gian gần đây. Dưới góc nhìn của một chuyên gia về tâm lý thanh thiếu niên, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An nhận định ra sao về hiện tượng này?
Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An: Áp lực tinh thần kéo dài là "con dao vô hình" với độ sát thương lớn, để lại vô cùng nhiều hậu quả khủng khiếp, đặc biệt là với thế hệ thanh thiếu niên, những người sử dụng mạng Internet nhiều nhất và cũng có tinh thần chưa đủ vững chãi để đối diện với những áp lực. Điều thực sự đáng buồn là nhiều phụ huynh, thầy cô, những người lớn vẫn thờ ơ, phớt lờ những biểu hiện của căn bệnh lo âu, trầm cảm của trẻ.
Nếu trẻ chỉ bị đứt tay, một vết thương thực thể dù rất nhỏ vẫn nhận được sự quan tâm ngay tức thì và có giải pháp (ví dụ như sát khuẩn rồi dùng băng keo cá nhân để bảo vệ vết thương). Vậy đâu sẽ là băng keo cá nhân cho tâm hồn, cho tinh thần khi nó phải chịu quá nhiều áp lực và đang không khỏe?
Thật lòng mà nói, trong nhà trường dù đã có rất nhiều đổi mới nhưng việc quan tâm đến sức khỏe tinh thần chưa bao giờ được bằng như sức khỏe thể chất. Bởi vì tinh thần nó âm ỉ, nó ẩn bên trong nên khó phát hiện nếu không thực sự quan sát và lắng nghe.
Vì sao các nạn nhân tự tử đều ở độ tuổi cấp 2, cấp 3?
- Vì sự phát triển cả về tâm lý và sinh lý trong giai đoạn này đều chưa đạt được ổn định. Những hành động xốc nổi rất dễ dàng xảy ra vì tính hưng cảm trội hơn rất nhiều so với ức chế (khả năng kiềm chế cảm xúc).
Các em đang gặp khó khăn ở đâu, cần giúp đỡ điều gì?
- Ở lứa tuổi này, các em dễ mất đi sự tự tin, tự giam cầm bản thân, buồn bã, lo âu, tức giận khi bị tổn thương lòng tự trọng, bị bôi nhọ nhân phẩm, danh dự, bị xâm phạm đời tư cá nhân.
Áp lực học tập kéo dài, khi sự kỳ vọng cao hơn nhiều với năng lực, khi trẻ luôn bị ép phải giỏi toàn diện để đạt được những điểm số vô tri. Nhưng liệu rằng có ai khi trưởng thành nhớ được mình đã đạt bao nhiêu điểm 9, 10 thời còn đi học?
Khi trẻ rất có năng khiếu về nghệ thuật lại bị ép phải giỏi Toán - Lý - Hóa. Khi trẻ gặp xích mích và mâu thuẫn với bạn bè, bị cô lập, dè bỉu, tẩy chay. Khi trẻ thấy không còn ai có thể sẻ chia và thấu hiểu mình.
Những điều ấy nếu không có cơ chế để giải tỏa thì một ngày nào đó sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Truyền thông và các chuyên gia giáo dục, tâm lý đã có nhiều bài viết phân tích, khuyên răn nhưng vì sao chưa có hiệu quả ngăn chặn học sinh tự tử?
- Nước xa không cứu được lửa gần. Điều quan trọng là chính những người xung quanh có quan tâm, ý thức, quan sát để nhận ra những áp lực tinh thần, những biểu hiện bất thường của các em để có những can thiệp và hỗ trợ, nâng đỡ sớm hay không.
Các em rất cần những điểm tựa tinh thần vững chắc để vượt qua một trong những giai đoạn phát triển, thay đổi, chuyển mình khó khăn nhất của đời người.
Thận trọng với hiệu ứng domino tự tử
Dư luận đặt ra câu hỏi liệu rằng trong xã hội có đang xuất hiện một hiệu ứng domino tự tử - hiện tượng đã từng xảy ra ở một số nước trên thế giới, ông nghĩ sao về ý kiến này? Việc mạng xã hội, truyền thông chia sẻ câu chuyện, hình ảnh về các vụ tự tử có góp phần thúc đẩy hiệu ứng domino?
- Hiệu ứng domino là một phản ứng chuỗi xảy ra khi sự thay đổi nhỏ tại điểm gốc có thể gây ra những thay đổi tại các điểm xa hơn. Như trong trò chơi domino được đặt tên theo hiệu ứng này, khi xếp các quân cờ đứng cạnh nhau với khoảng cách nhất định, ta có thể đẩy đổ quân cờ đầu tiên và khiến các quân kế tiếp đổ theo.
Với hiệu ứng domino, đặc biệt với sự lan truyền của mạng Internet, chuỗi hành vi tiêu cực có thể trở thành "khuôn mẫu hành vi" cho những người có cùng hoàn cảnh, cùng độ tuổi, cùng gặp một vấn đề tương tự nhau.
Sự lan tỏa sẽ trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết nếu nó không được kiểm soát bởi hiệu ứng này chỉ có thể dừng lại khi tới quân cờ cuối cùng. Và câu hỏi được đặt ra là bao giờ mới đến quân cờ cuối? Vì vậy, cần hết sức thận trọng để không xảy ra hiệu ứng domino.
Chúng ta cần phải quản lý mạng xã hội và truyền thông ra sao để không góp phần tạo ra hiệu ứng domino?
- Ở nước ngoài, vì sao khi một cầu thủ bị thương bất tỉnh trên sân bóng, các đồng đội đã nhanh chóng đứng thành vòng tròn bao quanh anh ấy để tránh những hình ảnh dễ bị tổn thương có thể được lan truyền?
Bảo vệ hình ảnh, thông tin cá nhân - đặc biệt đối với những nạn nhân hoặc các tình huống nguy hiểm có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực là điều truyền thông nên chú ý.
Khoa học tâm lý cũng đã chứng minh, sang chấn tâm lý (hay còn gọi là chấn thương tâm lý) là dạng tổn thương về mặt tâm trí do một sự kiện đau khổ gây ra. Trải nghiệm này rất khó để xóa khỏi tâm trí, nó có thể kéo dài trong nhiều năm với cường độ cảm xúc lớn.
Sang chấn có thể xuất phát từ nhiều loại sự kiện khác nhau, từ những người trải qua chiến tranh, những người là nạn nhân của lạm dụng, bạo lực hay cả những người đã chứng kiến một sự kiện khủng khiếp.
Một sang chấn không nhất thiết phải do chính họ trực tiếp trải nghiệm. Chúng ta hoàn toàn có thể bị sang chấn tâm lý ngay cả khi là khán giả chứng kiến của một sự kiện khủng khiếp như đứa trẻ chứng kiến bạn cùng lớp bị bạo hành hay tự tử.
Sang chấn tâm lý có thể xảy ra theo các cấp độ từ thấp đến cao không chỉ ngay cả với người chứng kiến trực tiếp hoặc gián tiếp với những tai nạn đau lòng, điều đó cũng phụ thuộc vào mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Sự sang chấn tâm lý này có thể kéo dài hàng tuần thậm chí là hàng năm tùy vào độ mạnh - yếu về tinh thần của những người có liên quan.
Gia đình, nhà trường, xã hội có thể làm gì để chặn đứng hiệu ứng domino nếu có, để chung tay bảo vệ trẻ vị thành niên thoát khỏi ý muốn tự tử?
- Theo tôi, cần có ngay cơ chế chăm sóc sức khỏe tinh thần, trước hết là có phòng tham vấn tâm lý học đường tại các trường học. Đồng thời, cần gỡ bỏ áp lực học tập, mối quan hệ cuộc sống ngay cho các em học sinh; cần triển khai các khóa học về giá trị sống, kỹ năng sống một cách chính quy và bài bản.
Những nhà tâm lý học Việt Nam cần chung tay và gắn kết nhiều hơn cho hoạt động chăm sóc tinh thần học đường.
Về cá nhân, tôi luôn muốn con mình hiểu rằng không cần phải đạt danh hiệu học sinh giỏi hay xuất sắc, không cần phải áp lực về điểm số. Con chỉ cần không ngừng nỗ lực cố gắng hoàn thiện bản thân, xác định mục tiêu cuộc sống rõ ràng, tích cực tham gia các hoạt động, rèn luyện kỹ năng, mạnh dạn khám phá những nơi con muốn đến, hãy tích góp thật nhiều trải nghiệm thú vị và làm những điều mà con cảm thấy hạnh phúc, trở thành người mà con muốn trở thành.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!