Sangeeta Kaur - nghệ sỹ gốc Việt đầu tiên thắng giải Grammy, là ai ?
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 21:49, 04/04/2022
Bạn có thể gọi cô gái này là Loan, Teresa, hay Sangeeta Kaur như nghệ danh hiện nay đều được. Cả ba chỉ là một để chỉ nghệ sỹ gốc Việt đầu tiên thắng giải 'xịn' và âm nhạc 'xịn' ở Grammy.
Từ Teresa Mai đến Sangeeta Kaur
Tên khai sinh của cô là Mai Xuân Loan, sinh năm 1991 tại Montclair, California trong một gia đình gốc Việt. Thuở nhỏ, mọi người hay gọi là Teresa. Thuở mới đi hát, cô lấy chính tên này và họ làm nghệ danh Teresa Mai.
Ngoài ca hát, Teresa Mai cũng là một giáo viên Yoga nổi tiếng. Chính vị “sư phụ” dạy Yoga cho khi nghe cô hát đã bị chinh phục hoàn toàn. Ông nhận thấy trong giọng hát của học trò thần thái, sự tinh tế, nền nã trong vắt và đặt cho cô chữ “Sangeeta”.
Theo vị thầy này, trong tiếng Ấn cổ có nghĩa là “Nữ hoàng của âm thanh và giai điệu”. Hai năm sau, Teresa Mai chính thức lấy nghệ danh Sangeeta Kaur.
Hoa hậu cộng đồng người Việt tại Los Angeles 2011
Không chỉ hát hay, Teresa Mai còn sở hữu nhan sắc quyến rũ. Năm 2011, cô tham gia cuộc thi sắc đẹp trong cộng đồng người gốc Việt tại Los Angeles và bất ngờ đăng quang. Sau này, Teresa Mai kể rằng cô tham gia cuộc thi vì chiều lòng mẹ mình.
Vương miện Hoa hậu năm đó cũng giúp cô gái này được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng người Việt, tuy nhiên, nó không giúp gì nhiều cho sự nghiệp âm nhạc vì cô luôn tách bạch hai thứ.
“Trở thành Hoa hậu là điều hạnh phúc, giúp tôi được biết đến nhiều hơn và tôi có cơ hội để chu toàn trách nhiệm của hoa hậu trong các hoạt động cộng đồng”.
Teresa Mai cũng từng một vài lần xuất hiện trong chương trình Paris By night. Trong số 114, cô từng biểu diễn trích đoạn “Câu chuyện bà Thị Kính” bằng tiếng Anh theo phong cách Cổ điển. Cô gái này cũng từng thể hiện tác phẩm như: Thuở ban đầu (Phạm Đình Chương), Nguyệt cầm (Cung Tiến) bằng tiếng Việt khiến nhiều người liên tưởng đến cố danh ca Thái Thanh.
Teresa Mai cho biết thi thoảng có dịp cô vẫn tham gia các buổi văn nghệ thiện nguyện cùng cộng đồng gốc Việt và thể hiện các ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Bỏ ngành Sinh học để theo học âm nhạc
Khác với những người trẻ gốc Việt tại Mỹ, Teresa Mai yêu âm nhạc từ nhỏ và luôn muốn theo đuổi con đường nghệ thuật, thay vì học trở thành bác sỹ, luật sư như mong muốn của đa phần phụ huynh gốc Việt.
Mặc dù vậy, cô cũng chiều lòng cha mẹ khi chọn học ngành Sinh học ở ĐH Santa Ana song song đó theo học âm nhạc.
Trong thời gian học Đại học, một giảng viên thanh nhạc khi nghe cô hát đã khuyên nên theo đuổi âm nhạc cổ điển. Nếu vậy, nên chuyên tâm chứ không thể học song song hai ngành.
Trong một chương trình giao lưu của đài phát thanh Việt tại Mỹ cách đây không lâu, cô kể: “tôi thích âm nhạc từ nhỏ và tham gia hát cùng ca đoàn của trường từ khi học cấp 1 đến khi vào Đại học. Tôi đã có thể trở thành một bác sĩ nhi khoa vì với âm nhạc ba mẹ chẳng bao giờ tin tôi sẽ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ông bà ủng hộ vì luôn nghĩ tôi chỉ hát cho vui. Đến khi tôi nói ý định sẽ học chuyên ngành âm nhạc, ba mẹ vô cùng bất ngờ và ít nhiều không ủng hộ”.
Khác với các đồng hương chọn hát nhạc Việt, cô đi con đường khó hơn khi chọn nhạc cổ điển. Cô ít hát nhạc Việt hoặc giao lưu gặp gỡ với các nghệ sĩ gốc Việt. Đó là lý do khiến các phần trả lời phỏng vấn của cô luôn “nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt”.
Sangeeta Kaur theo đuổi đa dạng các thể loại âm nhạc từ Cổ điển, New Age đến nhạc đương đại và cả Tâm linh, nhạc thiền (Spiritual). Cô lấy bằng Cử nhân về biểu diễn Opera tại Nhạc viện Bob Cole tại ĐH California State Long Beach và Thạc sĩ biểu diễn thanh nhạc (Masters of Music in Vocal Performance) của Nhạc viện Boston tại Berklee.
Âm nhạc và Yoga
Sangeeta Kaur cho biết mình từng tiết lộ trong một chương trình truyền hình của người Việt tại California rằng ban đầu chưa bao giờ nghĩ sẽ thành nghệ sĩ hát Opera.
“Tôi khám phá đủ các thể loại nhạc như pop, rock, cổ điển… Khi tôi trưởng thành thì giọng cũng dần thay đổi. Tôi nhớ lần đầu tiên hát bài opera mà giáo viên thanh nhạc đề nghị, tôi đã rất bất ngờ vì không nghĩ mình lại có tiếng hát ngân như thế”.
Cho đến nay cô đã phát hành 5 album đoạt giải: Niguma, Ascension, Mirrors, Compassion và Illuminance. Điều đặc biệt trong âm nhạc của Sangeeta Kaur là sự hòa trộn giữa nhạc và thiền, yoga, hơi hướm tâm linh.
Trong các buổi biểu diễn của mình, ca sỹ gốc Việt luôn giới thiệu về thực hành âm nhạc và yoga trong các buổi biểu diễn của mình: "Sứ mệnh của cuộc đời tôi là tạo ra và chia sẻ âm nhạc mang lại niềm vui và sự chuyển đổi tích cực cho người nghe."
Shiva Baum, người từng là Trưởng bộ phận Nghệ sĩ và Tiết mục của hãng đĩa Triloka / Mercury, hiện là Giám đốc chương trình âm nhạc Bhakti Fest / Shakti Fest đã từng nhận xét về Sangeeta: “chất giọng của cô ấy là hiện thân của trí tuệ và nền nã. Phong cách trình diễn với chiều sâu cảm xúc mang đến cho khán giả những trải nghiệm mà họ chẳng thể ngờ tới”.
Sangeeta cũng nhiều lần thừa nhận rằng dạng thức âm nhạc mà cô theo đuổi là vì âm thanh có thể tác động và biến đổi tinh thần con người.
Năm 2016, cô đã viết, sản xuất và công diễn vở opera thần thoại có tên Niguma tại Sân khấu Broad ở Los Angeles. Tác phẩm kết hợp giữa âm nhạc và các điệu nhảy hiện đại lấy cảm hứng từ yoga do biên đạo múa nổi tiếng thế giới Talia Favia thực hiện.
Tháng 9/2021, Sangeeta đã có màn ra mắt PBS trong chương trình kéo dài 1 giờ mang tên “Sangeeta Kaur and Friends” trên Front and Center có sự góp mặt của một số nghệ sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng như Shimabukuro (nghệ sĩ Ukulele nổi tiếng), Caroline Campbell (violin), Laurence Juber (guitar) ...
Đến nay, Sangeeta từng cộng tác với nhiều tên tuổi của làng nhạc Mỹ như Jon Anderson của ban nhạc Rock nổi tiếng Yes, nhà sản xuất nhạc pop nổi tiếng Narada Michael Walden, nhà soạn nhạc New Age từng đoạt giải Grammy là Peter Kater, ca sỹ từng giành Grammy Hila Plitmann… Sangeeta cũng là chủ sở hữu của phòng thu âm mang tên Studio Hill ở Austin, Texas