Tin thế giới 4/4: Tổng thống Nga tung hành động mới; Moscow nhắc nhở giới lãnh đạo phương Tây vụ Bucha; NATO đổ quân đến Đông Âu

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:16, 04/04/2022

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai lực lượng ở Đông Âu, thỏa thuận hạt nhân Iran, quan hệ liên Triều là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 4/4: Tổng thống Nga tung hành động mới; Moscow nhắc nhở giới lãnh đạo phương Tây vụ Bucha; NATO đổ quân đến Đông Âu
Cảnh tan hoang ở Bucha, Ukraine. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tổng thống Nga ký sắc lệnh hạn chế thị thực

Ngày 4/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về hạn chế thị thực đối với công dân của các quốc gia mà Moscow xem là "không thân thiện".

Sắc lệnh có hiệu lực cùng ngày này sẽ đình chỉ chế độ cấp thị thực đơn giản hóa của Nga đối với một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Na Uy, Thụy Sỹ, Đan Mạch và Iceland.

Động thái nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây liên quan vấn đề Ukraine. (Reuters)

Nga-Ukraine

* Ukraine cùng phương Tây cáo buộc Nga 'sát hại dân thường ở Bucha: Ngày 3/4, truyền thông phương Tây đăng tải những bức ảnh và đoạn video về các thi thể trong trang phục dân sự nằm rải rác trên những đường phố ở thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev, vốn gần đây đã được các lực lượng của Ukraine giành lại quyền kiểm soát từ Nga.

Ukraine đồng thời cũng tuyên bố phát hiện ra những ngôi mộ tập thể với khoảng 280 thi thể ở Bucha, cáo buộc các lực lượng Nga gây ra cái chết của hàng loạt dân thường.

Hàng loạt nước phương Tây lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Nga chịu trách nhiệm, thậm chí kêu gọi tăng cường trừng phạt liên quan cáo buộc này.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ mọi cáo buộc, tuyên bố trong thời gian Bucha nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng vũ trang nước này, "không có bất cứ người dân địa phương nào phải hứng chịu những hành động bạo lực”.

Nga đã đề nghị tổ chức cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để làm rõ các thông tin liên quan vụ việc trên. (Reuters, AFP)

* Đức tuyên bố sẽ tăng cường trừng phạt Nga: Ngày 3/4, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố, nước này sẽ cùng các đồng minh đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan vụ việc ở Bucha, bất chấp bác bỏ của Moscow.

Ông Scholz nói: “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ cùng các đồng minh quyết định các biện pháp tiếp theo. Tổng thống Nga Vladimmir Putin và những người ủng hộ ông ấy sẽ nhận thấy hậu quả”.

Lên án những hình ảnh thảm thương ở Bucha, nhà lãnh đạo Đức khẳng định cần phải làm sáng tỏ vụ việc, lưu ý có cả "phụ nữ, trẻ em và nhiều người già trong số các nạn nhân thiệt mạng”. (DW)

* Liên minh châu Âu (EU) khẩn trương thảo luận về lệnh trừng phạt mới đối với Nga: Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, khối này đang thúc đẩy thảo luận về vòng trừng phạt mới đối với Nga "như một vấn đề khẩn cấp".

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, đã thấy các dấu hiệu về "tội diệt chủng" tiềm tàng ở Ukraine sau vụ việc ở Bucha.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh thông báo, Ngoại trưởng Liz Truss sẽ công du Ba Lan nhằm kêu gọi siết chặt hành động đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và hỗ trợ Kiev trong hòa đàm. (AFP, Reuters)

* Nga phản pháo cáo buộc giết hại dân thường ở Bucha: Ngày 4/4, Điện Kremlin tuyên bố thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc liên quan vụ sát hại dân thường ở thị trấn Bucha, đồng thời nhấn mạnh nên hoài nghi những cáo buộc của quốc gia thân phương Tây này.

Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, thực tế và trình tự thời gian diễn ra các sự kiện ở Bucha không chứng minh cho các sự kiện theo phiên bản của Ukraine.

Theo ông Peskov, các nhà ngoại giao Nga sẽ tiếp tục nỗ lực triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về điều mà Moscow gọi là "hành động khiêu khích của Ukraine" ở Bucha, mặc dù nỗ lực đầu tiên của họ về sắp xếp một cuộc họp như vậy đã bị chặn lại. (Reuters, TASS)

* Nga nhắc nhở giới nhà lãnh đạo quốc tế không nên vội vàng đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về tình hình ở Bucha.

Theo người phát ngôn Peskov: “Tình hình thực sự nghiêm trọng và ở đây chúng tôi yêu cầu nhiều nhà lãnh đạo quốc tế không vội vàng đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, mà thay vào đó, nên yêu cầu cung cấp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, ít nhất là lắng nghe lập luận của Nga”.

Ngoài ra, ông từ chối bình luận về việc liệu sự phẫn nộ liên quan vụ Bucha có ảnh hưởng đến cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev, vốn được lên kế hoạch nối lại theo hình thức trực tuyến vào ngày 4/4 hay không

Ông cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu Điện Kremlin có đang cân nhắc một kịch bản nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ và Nga sẽ làm gì để Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng. (TASS, Reuters)

* Đại sứ Nga tuyên bố không có thương vong dân sự khi Moscow kiểm soát Bucha: Trả lời phỏng vấn Newsweek ngày 4/4, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định: “Không một dân thường nào phải chịu bạo lực khi Lực lượng vũ trang Nga kiểm soát thị trấn Bucha"

Theo ông, quân đội Nga đã rời Bucha vào ngày 30/3. Việc chính quyền Ukraine giữ im lặng suốt những ngày qua và giờ "họ bất ngờ đăng tải những đoạn phim giật gân nhằm làm hoen ố hình ảnh của Nga và khiến Moscow phải tự vệ”.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, ngày 31/3, Thị trưởng thị trấn Bucha Anatoly Fedoruk đã xác nhận trong một video rằng, không có quân đội Nga ở Bucha, nhưng ông này không đề cập bất cứ lời nào về việc thường dân bị bắn tử vong trên đường. (TASS)

* Nga mở cuộc điều tra về vụ Bucha: Ngày 4/4, người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nga Alexander Bastrykin ra lệnh điều tra chính thức về cái mà ông gọi là “sự khiêu khích” của Ukraine sau khi Kiev cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở thị trấn Bucha. (Reuters)

* Thái Lan và Trung Quốc ra thông điệp chung ủng hộ hòa đàm Nga-Ukraine: Ngày 1/4, tờ The Nation cho biết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ra thông điệp chung ủng hộ cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Theo tờ báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại cuộc gặp huyện Đôn Khê, tỉnh An Huy của Trung Quốc, hôm 2/4, hai quan chức đã thảo luận về tình hình liên quan xung đột Nga-Ukraine và hai bên nhất trí về bốn điểm.

Thứ nhất, Trung Quốc và Thái Lan ủng hộ Nga và Ukraine tiếp tục hòa đàm cho đến khi đạt được một thỏa thuận hòa bình. Thứ hai, hai nước sẽ chung tay ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn và hỗ trợ nhân đạo kịp thời.

Thứ ba, hai nước sẽ chung tay kiềm chế tác động tiêu cực và duy trì đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Thứ tư, hai nước sẽ trân trọng hòa bình và phát triển mà khó khăn lắm mới giành được ở khu vực châu Á cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực và bên ngoài.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, hai bên hy vọng rằng tất cả các nước sẽ có những nỗ lực chung nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

NATO: Nhóm tác chiến 2.100 quân đến Slovakia

Ngày 4/4, Bộ Quốc phòng Czech thông báo, tổng cộng 250 lính dù của quân đội nước này đã đến Slovakia, láng giềng với Ukraine, để thành lập một nhóm tác chiến của NATO ở đó.

Theo thông báo, lực lượng lính dù này sẽ lưu lại Slovakia cho đến tháng 6 và sau đó sẽ được thay thế bằng một đơn vị vận hành xe bọc thép.

Nhóm tác chiến của NATO sẽ bao gồm 2.100 binh sĩ đến từ Đức, Hà Lan, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Mỹ, trong đó lực lượng Czech sẽ nằm trong bộ phận chỉ huy.

Đại tá Tomas Unzeitig, người sẽ dẫn đầu nhóm tác chiến trên nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng của phái bộ này là tuyên bố sự sẵn sàng, quyết tâm và thống nhất của các thành viên NATO trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của liên minh quân sự".

Đây là chiến dịch quốc tế của NATO nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của Quân đội Slovakia, cũng là một phần trong nỗ lực của liên minh quân sự nhằm tăng cường sườn phía Đông của mình sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2. (AFP)

Iran sẽ không quay lại Vienna để đàm phán

Ngày 4/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, nước này sẽ chỉ quay trở lại Vienna (Áo) để ký hoàn tất một thỏa thuận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015 với các cường quốc thế giới.

Phát biểu với báo giới tại Tehran, ông Khatibzadeh khẳng định: "Chúng tôi sẽ không tới Vienna vì các vòng đàm phán mới".

Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Nga cho biết vẫn còn những vấn đề còn tồn đọng đang chờ Washington giải quyết nhưng chưa có câu trả lời cuối cùng từ Mỹ. Ông lưu ý, "nếu Washington trả lời các vấn đề còn tồn đọng, chúng tôi có thể sớm tới Vienna". (AFP)

Liên Triều lời qua tiếng lại, Hàn Quốc lên kế hoạch phóng tên lửa nhiên liệu rắn

Bình Nhưỡng và Seoul đang vướng tranh cãi mới nhất liên quan phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook rằng, quân đội nước này có nhiều loại tên lửa với tầm bắn được cải thiện, chính xác và mạnh mẽ, "mang đến khả năng tấn công chính xác và nhanh gọn bất cứ mục tiêu nào ở Triều Tiên".

Phản pháo lại, theo bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, bình luận của ông Suh Wook "sẽ chỉ làm trầm trọng thêm quan hệ liên Triều và căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên", đồng thời cảnh báo, Bình Nhưỡng "đang cân nhắc nhiều thứ" và Seoul "có thể đối diện với mối đe dọa nghiêm trọng".

Trong bối cảnh đó, ngày 4/4, một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này có kế hoạch tiến hành một vụ phóng tên lửa đẩy sử dụng hoàn toàn nhiên liệu rắn vào năm 2025 để đưa vệ tinh thực nghiệm trọng lượng 500 kg lên quỹ đạo tầm thấp, cách Trái đất 500 km.

Theo quan chức này, Hàn Quốc dự kiến sẽ chế tạo một tên lửa gồm 4 tầng, trong đó 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn và tầng cuối sử dụng nhiên liệu lỏng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Vệ tinh được phóng vào không gian có nhiệm vụ chính là quan sát trái đất, do đó có thể sử dụng cho các mục tiêu thuộc cả lĩnh vực quân sự và dân sự”. (Yonhap)

Hoàng Hà